Lo bữa ăn giúp người khó: Phí thanh toán là nụ cười

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều tấm lòng thiện nguyện ở Sài Gòn vẫn tiếp tục cần mẫn lo nhiều phần việc, mang lại những bữa ăn nghĩa tình giúp người yếu thế trong mùa dịch Covid-19 đầy khó khăn...

Nhóm thiện nguyện “Người tôi cưu mang” chuẩn bị bánh mì (ảnh nhỏ), và phát tặng người khó khăn. ẢNH: X.K
Nhóm thiện nguyện “Người tôi cưu mang” chuẩn bị bánh mì (ảnh nhỏ), và phát tặng người khó khăn. ẢNH: X.K
“Người tôi cưu mang”
“Quán cơm 2.000 đồng” nằm trong một con hẻm nhỏ, số 14/1 Ngô Quyền, P.5 (Q.10, TP.HCM) được thành lập từ năm 2009, là một trong những hoạt động của nhóm thiện nguyện “Người tôi cưu mang”.
Phụ trách quán, anh Lê Tuấn Tú (ngụ Q.10) như thường lệ mở cửa vào lúc 7 giờ quét dọn, chuẩn bị trước khi các tình nguyện viên đến nấu cơm. “Trước đây đông vui lắm, cả trong nhóm rồi tình nguyện viên tới mười mấy người, chẳng mấy chốc thì chuẩn bị xong bữa cơm cho người khó khăn”.
Quán phục vụ người ăn tại chỗ vào thứ ba, năm, bảy mỗi tuần. Mỗi phần cơm đầy đủ các món mặn, nhạt và tráng miệng, cơm và canh dùng thêm thoải mái cho đến khi no bụng. “Bà con đến ăn rất đông, mỗi buổi quán phục vụ hơn 200 phần ăn chỉ trong 2 tiếng đồng hồ là hết sạch. Khi nhìn thấy bà con ăn hết phần cơm, ra về không quên gửi lời chào và khen cơm ngon, là tụi mình cảm thấy ấm lòng rồi”, anh Tú bày tỏ.
Tình hình dịch bệnh căng thẳng, cả thành phố đang giãn cách xã hội. Quán không phục vụ tại chỗ để hạn chế tình trạng tập trung đông người. Anh Tú cùng mọi người làm thêm bánh mì nhân chả, thịt kèm thêm sữa đậu nành, khoai lang, khẩu trang..., với tinh thần “người tôi cưu mang” không bị ngắt quãng giữa chừng.
Mỗi người mỗi việc, người xẻ ruột ổ bánh mì, người cắt chả, người cắt dưa leo, người luộc khoai… Tuy không nhộn nhịp như trước đây, nhưng quyết tâm của nhóm chưa bao giờ giảm. Cứ như vậy, mỗi lần quán chuẩn bị được khoảng 250 phần bánh mì nóng hổi đến những người lao động, người vô gia cư, những con người đang phải đánh vật từng ngày để mưu sinh trong cơn dịch giã Covid-19 dài đằng đẵng.
Chị T.N.X.L (ngụ Q.10) là một trong những tình nguyện viên ở đây, từng tham gia nhiều bếp ăn xã hội, nhưng chị vẫn ấn tượng với cách “Người tôi cưu mang” hoạt động. Ngoài việc thường đến giúp đỡ quán, chị cũng thường kêu gọi sự hỗ trợ từ chính nơi mình đang làm việc, kêu gọi đồng nghiệp tới đây để trải nghiệm thiện nguyện thực tế.
Chị chia sẻ: “Mình có đồng tiền dư dả, cho đi để giúp đỡ người khác là rất đáng quý. Nhưng trực tiếp trải nghiệm việc lo bữa ăn cho người khó khăn, mang lại cho mình cảm giác khó nói nên lời. Mình muốn lan tỏa tinh thần chung sức chung lòng này”.
Với tôn chỉ hoạt động “Những người phục vụ xin gửi các bạn, niềm tin vào tương lai, tin vào lòng nhân ái”, những phần cơm, ổ bánh mì ở đây có giá 2.000 đồng, đến mùa dịch có giá 0 đồng. Những ngày dịch giã, nhiều “khách quen” thường tới ăn cũng tản mát nhiều nơi, các thành viên trong nhóm lại chia nhau đem “phần ăn 0 đồng” đi phát tặng, không quên lời nhắn nhủ, động viên: “Thành công mong bạn nhớ, anh em còn khó khăn”.

Người khó khăn được bố trí ngồi đợi đến lượt đi phiên chợ 0 đồng
Người khó khăn được bố trí ngồi đợi đến lượt đi phiên chợ 0 đồng
Phiên chợ 0 đồng
Phiên chợ 0 đồng tại số 1 Lê Văn Linh (P.13, Q.4) được lập nên để san sẻ bớt nỗi lo về cơm áo gạo tiền cho người có hoàn cảnh khó khăn tại P.13 và cả người lao động tự do vãng lai.
Mở cửa vào sáng 25.6, phiên chợ 0 đồng là thành quả của sự kết nối giữa “cho và nhận” từ những nhà hảo tâm gửi tới người lao động, người đang gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19, do Hội Tình nguyện chung tay vì cộng đồng phối hợp UBND P.13 (Q.4) tổ chức.
Từ 2 ngày trước, công việc chuẩn bị cho phiên chợ đã rất khẩn trương. Người đến chợ truyền thống mua rau củ quả thiết yếu, người vận chuyển gạo, người mua dầu ăn, nước mắm…, để hình thành một phiên chợ 0 đồng đúng nghĩa.
Tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, để người khó khăn có thể an tâm đi chợ mà vẫn đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, các tình nguyện viên đã xếp những hàng ghế ngay ngắn, dàn đều để bà con đi chợ vừa có cái ngồi chờ cho đỡ mỏi, vừa có thể giữ khoảng cách an toàn.
Phiên chợ 0 đồng hoạt động từ 8 - 10 giờ, buổi chiều từ 14 giờ 30 - 16 giờ. Một quầy hàng với đầy ắp các loại rau củ quả xanh mướt được bày trước chợ, phía sau là các kệ hàng với rất nhiều bao gạo, chai nước mắm, dầu ăn, vỉ trứng, rồi thêm đường cát được phân chia và sắp xếp ngăn nắp trên các kệ hàng. Người đến chợ trên tay cầm những tấm phiếu đã được phát từ trước, rảo qua gian hàng với rất nhiều loại rau, chọn một phần rau theo nhu cầu, thêm ít hành lá, củ, quả. Chọn xong, người đến chợ được tặng thêm
3 kg gạo, 5 quả trứng, nước mắm và dầu ăn mỗi loại 1 chai, thêm 0,5 kg đường cát. Phí thanh toán chính là nụ cười, những lời cảm ơn vội để tới lượt người sau.
Được tặng phiếu đi chợ
0 đồng, trước 8 giờ, bà Nguyễn Thị Ngọc Nhan (60 tuổi) cùng chồng là ông Trầm Cửu (80 tuổi, ngụ Q.4) đã tới xếp hàng ngồi chờ. Bà Nhan chia sẻ: “Hôm qua nhận phiếu, sáng nay tôi tới sớm vì vui lắm, từng này cũng đủ hai vợ chồng lo bữa ăn cả tuần. Dịch nên tôi nghỉ buôn bán vặt hơn tháng nay rồi, cả ngày chỉ có tôi với ổng lủi thủi trong nhà. Ổng thì bị tai biến không đi đứng được, chỉ ngồi xe lăn. Trước dịch thì thời gian rảnh tôi thường đẩy ổng đi dạo cho khuây khỏa. Dịch rồi thì chỉ hai ông bà ở nhà với nhau. Nay đi chợ 0 đồng, thấy mát trời, tranh thủ đưa ổng đi dạo luôn”.
Đang rầu vì bán vé số ế ẩm, đi ngang thấy phiên chợ 0 đồng, bà Đinh Thị Mai (ngụ Q.4) cùng đứa cháu nằm trên xe nôi ghé vào chợ. “Sáng ra, tôi đang lo vì ế ẩm, lo tiền ăn, tiền trọ hôm nay. Đi ngang thì tôi thấy phiên chợ 0 đồng, tôi hỏi mấy anh tôi vào “mua” được không, mấy anh bảo được nên tôi vào xếp hàng đi chợ. Chỉ có hai bà cháu ở với nhau nên chắc từng này ăn phải mấy ngày”, bà Mai cảm kích, rồi vội đẩy đứa cháu ngồi trên xe nôi tiếp tục đi bán vé số.
Cứ như vậy, nhiều lao động tự do, vãng lai gặp khó khăn tìm tới phiên chợ 0 đồng cũng luôn nhận được sự giúp đỡ.
Là người kết nối tại phiên chợ, anh Nguyễn Tiến Danh luôn mong mỏi có thể giúp đỡ nhiều người nhất có thể. Theo dự kiến, mỗi ngày phiên chợ có thể chuẩn bị từ 300 - 500 phần quà, thời gian trong vòng 10 ngày, bắt đầu từ sáng 25.6. Nếu việc triển khai chợ giúp ích được cho nhiều người đang trong hoàn cảnh khó khăn, cũng như đảm bảo được các tiêu chí an toàn phòng dịch, nhóm thiện nguyện sẽ triển khai thêm phiên chợ 0 đồng tại các địa phương để cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn này.
Đại diện UBND P.13 (Q.4) còn cho biết ngoài việc thiết lập phiên chợ 0 đồng, phường và Hội Tình nguyện chung tay vì cộng đồng chuẩn bị thêm các suất quà gồm các nhu yếu phẩm để gửi tới những người khó khăn đang sống trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế tại P.15, P.16 trên địa bàn Q.4. Hiện nay, Hội Tình nguyện chung tay vì cộng đồng vẫn rất cần sự chung tay giúp đỡ từ các nhà hảo tâm về vật chất và tinh thần để lan tỏa nghĩa tình cưu mang giữa thời dịch giã nhiều khó khăn.
(còn tiếp)
Theo Trần Xuân Khánh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...