Năm 2023, anh được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ.
Năm 1993, anh Đặng Bá Hiền (quê xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) lên đường nhập ngũ và được biên chế về Trung đoàn 866, Sư đoàn 31, Quân đoàn 3. Sau đó, anh được cử đi học ngành Hậu cần-Kỹ thuật và về công tác tại Kho Z9 cho đến nay.
Thiếu tá Hiền cho biết: “Chúng tôi có nhiệm vụ tiếp nhận, niêm cất và cấp phát vật tư, trang-thiết bị, vũ khí cho Cục Kỹ thuật đảm bảo nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Quá trình bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị phải tuân thủ nguyên tắc phòng-chống cháy nổ, trang-thiết bị sắp xếp khoa học, bảo quản theo quy định. Khi sửa chữa, kiểm tra, để đảm bảo an toàn, nhiều khu vực không được sử dụng các nguồn nhiệt, điện nhằm phòng cháy, nổ”.
Thiếu tá Đặng Bá Hiền (bìa phải) hướng dẫn đồng nghiệp sử dụng thiết bị bơm hút dầu động cơ ô tô. Ảnh: V.H |
Trên thực tế, khi thiết bị để trong kho, khu vực dễ cháy, nổ hay diễn tập, cán bộ kỹ thuật phải sử dụng tay để rót dầu vào động cơ và hút dầu ra không sử dụng các loại máy móc có nguồn điện. Điều này gây mất thời gian, vì cán bộ kỹ thuật phải leo lên đầu xe để thực hiện các thao tác. Xuất phát từ hạn chế ấy, năm 2022, Thiếu tá Hiền nghiên cứu và đưa ra sáng kiến “Thiết bị tra dầu vào động cơ bằng bơm quay tay”. Cấu tạo của thiết bị khá đơn giản: Khung giá đựng thùng dầu có gắn bánh xe để dễ di chuyển, bơm, ống dẫn nhiên liệu, vòi bơm, hệ thống quay. Khi cần bơm nhiên liệu vào động cơ, cán bộ kỹ thuật chỉ cần đưa ống dẫn vào động cơ, sau đó quay trục gắn tay theo chiều kim đồng hồ, dưới sự chênh lệch của áp suất, dầu sẽ tự động chảy. Khi muốn hút dầu ra khỏi động cơ, chỉ cần dùng trục gắn tay quay di chuyển theo chiều ngược kim đồng hồ. Ưu điểm của thiết bị này là trên ống đựng dầu đã chia vạch, mỗi vạch tương ứng với 0,5 lít nhiên liệu. Nếu cần bơm bao nhiêu nhiên liệu thì cán bộ kỹ thuật căn cứ vào nhu cầu để thực hiện các thao tác, đảm bảo độ chính xác.
Nói về sáng kiến này, Thiếu tá Hiền cho hay: Do yêu cầu về an toàn nên các phương tiện khi ở trong kho hoặc khu vực diễn tập, cán bộ kỹ thuật phải thực hiện thao tác tra dầu vào động cơ bằng thủ công phải có khoảng 2-3 người mới thực hiện xong. Tuy nhiên, khi có thiết bị này thì 1 người có thể thực hiện được, đảm bảo độ chính xác cao. Bên cạnh đó, thiết bị có cấu tạo gọn nhẹ nên di chuyển dễ dàng.
Là kho kỹ thuật nên yêu cầu an toàn cao, số lượng hàng hóa nhiều, trọng lượng lớn. Vì vậy, quá trình sắp xếp đòi hỏi người nhân viên phải mất nhiều thời gian. Xuất phát từ đặc thù đó, năm 2023, Thiếu tá Hiền tiếp tục cho ra đời sáng kiến “Thiết bị nâng hạ bằng tời quay tay”. Cấu tạo của thiết bị gồm: giá nâng, lò xo, van cố định, hệ thống ròng rọc gắn với tời quay. Trong quá trình làm nhiệm vụ, cán bộ kho chỉ cần di chuyển thiết bị đến và đưa vật tư, trang-thiết bị lên, đồng thời di chuyển vào vị trí cần niêm cất, sau đó dùng tay quay để nâng hàng lên cao hoặc hạ xuống thấp, tùy vào nhu cầu sắp xếp. “Khi di chuyển, sắp xếp hàng hóa vào kho, chúng tôi không được sử dụng các thiết bị điện, thiết bị có động cơ, nên cần nhiều nhân công để vận chuyển. Từ khi có giá nâng đỡ đã giúp tiết kiệm được thời gian, giảm nhân công và đảm bảo an toàn lao động”-Thiếu tá Hiền nói.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Hà Đức Phương-Phó Trưởng Kho Z9-cho biết: Là đơn vị kho tổng hợp, có nhiều phân kho nên chủng loại vũ khí, trang-thiết bị rất đa dạng. Để quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất, đồng bộ vũ khí, trang-thiết bị trong kho và sẵn sàng tiếp nhận, cấp phát cho các đơn vị, chúng tôi luôn khuyến khích cán bộ, nhân viên tích cực nghiên cứu để có nhiều sáng kiến hay, cải tiến kỹ thuật tốt, áp dụng trong thực tiễn công tác. Những sáng kiến của đồng chí Đặng Bá Hiền khi áp dụng vào thực tế đã mang lại hiệu quả cao. Chúng tôi luôn đánh giá cao những sáng kiến ấy vì tiết giảm được nhân công, đảm bảo an toàn khi sắp xếp, bảo dưỡng các trang-thiết bị trong kho, góp phần giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.