Hành trang sau khi rời quân ngũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày cận Tết, toàn tỉnh Gia Lai có hàng ngàn chiến sĩ trở về địa phương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Chia tay đơn vị, nơi từng gắn bó trong suốt 2 năm với bao kỷ niệm khiến mỗi chiến sĩ không khỏi bịn rịn, lưu luyến.
Chiến sĩ Trần Huỳnh Sơn (bìa phải) và chiến sĩ Rơ Mah Thanh chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên đơn vị. Ảnh: P.D

Chiến sĩ Trần Huỳnh Sơn (bìa phải) và chiến sĩ Rơ Mah Thanh chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên đơn vị. Ảnh: P.D

Đêm trước khi rời đơn vị trở về địa phương, chiến sĩ Đinh Công Quý (Đại đội Trinh sát, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) trằn trọc mãi. Phần vì Quý mong trời mau sáng để sớm về nhà, gặp lại người thân sau 2 năm xa cách. Phần khác, Quý bịn rịn, không nỡ rời xa đơn vị, xa đồng chí, đồng đội. Khó ngủ, Quý lại mở ba lô lấy ra cuốn sổ lưu bút màu đỏ, đọc lại những dòng chữ của đồng đội.

Vì muốn lưu lại thật nhiều kỷ niệm đẹp, vài ngày trước, Quý đã gửi cuốn sổ để chiến sĩ trong trung đội, tiểu đội ghi vào đó những dòng lưu bút kèm địa chỉ nhà, số điện thoại liên lạc. Cuốn sổ được Quý nâng niu như chính tình cảm mà đồng chí, đồng đội dành cho nhau trong quãng thời gian cùng học tập, rèn luyện và trưởng thành.

“Chúng em từ những người xa lạ đã trở nên thân thiết và coi nhau như anh em một nhà, đều nhờ môi trường quân ngũ. Những đêm hè đứng gác, những buổi hành quân dã ngoại, những tối sinh nhật đồng đội... tất cả đều là ký ức tươi đẹp không thể nào quên”-Quý bộc bạch.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Quý cho biết sẽ dành thời gian bên gia đình, người thân để đón một cái Tết ấm cúng, đoàn viên. Sau đó, Quý chọn một nghề để theo học và tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định lo cho bản thân, phụ giúp gia đình.

“Trước ngày xuất ngũ, em đã được tham gia các buổi tư vấn nghề nghiệp. Em cân nhắc 1 trong 2 lựa chọn, giữa nghề hàn và học lái xe. Em sẽ tham khảo thêm ý kiến từ người thân trước khi quyết định”-Quý cho biết.

Sẽ rời đơn vị trong vài ngày tới, vậy nên thời gian này, các chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) tranh thủ cùng nhau tạo thêm nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Họ chăm sóc vườn hoa, tiểu cảnh trong khuôn viên; trang trí cành mai trên hội trường để đón tiếp các đoàn khách đến thăm, chúc Tết đơn vị.

Chiến sĩ Trần Huỳnh Sơn (Đại đội cơ động) chia sẻ: Đơn vị là ngôi nhà thứ 2 của mình. Mỗi thành viên đã cùng nhau trải qua nhiều cung bậc cảm xúc và trên hết là sự chia sẻ, đoàn kết, “một người vì mọi người, mọi người vì một người” để cùng tiến bộ.

“Sự nghiêm khắc và kỷ luật giúp em trưởng thành hơn mỗi ngày. Thay vì nghĩ nhiều cho bản thân, ai cũng dành sự quan tâm đến cái chung, quan tâm, chăm sóc đồng đội khi mệt mỏi, lúc ốm đau; hỗ trợ học tập, huấn luyện, lao động để cùng hoàn thành nhiệm vụ”-chiến sĩ Sơn trải lòng.

Chiến sĩ Rơ Mah Thanh (cùng Đại đội) cũng bịn rịn với ngôi nhà quân ngũ ăm ắp kỷ niệm tình đồng chí, đồng đội. Ngôi nhà mà ở đó, Thanh học được nhiều bài học mới. Đó là lần đầu tiên biết cách trồng, chăm sóc vườn rau xanh; biết cách chăn nuôi heo, gà để tăng gia sản xuất.

“Em còn biết cách gói bánh chưng, bánh tét, trang trí ngày Tết cổ truyền và tham gia nhiều hoạt động bổ ích. Em chưa nghĩ mình lại ra quân nhanh thế”-Thanh bày tỏ.

Chiến sĩ Sơn (bên phải) và Thanh (bên trái) cùng chăm sóc vườn rau xanh. Ảnh: Phương Dung

Chiến sĩ Sơn (bên phải) và Thanh (bên trái) cùng chăm sóc vườn rau xanh. Ảnh: Phương Dung

Nếu như Sơn lựa chọn học nghề lái xe sau khi xuất ngũ thì Thanh sẽ phụ giúp gia đình việc nương rẫy. “Bố mẹ vất vả nhiều rồi nên sau khi xuất ngũ, em sẽ phụ giúp chăm sóc 800 cây cà phê và hơn 1 ha mì.

Bên cạnh đó, em cũng sẽ phát huy những gì đã được học tập, rèn luyện, tích cực tham gia vào các phong trào, hoạt động tại địa phương, nhất là phong trào Đoàn”-Thanh tâm sự.

Hy vọng 2 năm rèn luyện, tiến bộ trong môi trường quân ngũ sẽ là hành trang để mỗi thanh niên hoàn thành nghĩa vụ trở về thêm vững vàng trên con đường tương lai. Và dù ở đâu, làm gì, họ sẽ luôn giữ gìn, phát huy tốt phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.