Liên kết sản xuất lúa chất lượng cao: Nhiều triển vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai chú trọng phát triển cánh đồng lúa lớn một giống ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Việc này góp phần giúp bà con thay đổi tập quán canh tác, ổn định lương thực tại chỗ, từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

 

Thay đổi tập quán canh tác

Những ngày này, cánh đồng Ia Sái (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) luôn rộn tiếng nói cười của nông dân trong lúc thu hoạch lúa. Niềm vui càng được nhân lên khi các hộ tham gia Dự án chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao J02 có một vụ mùa bội thu. Chị Rmah H'Mep (làng Thơ Nhueng, xã Ia Phang) cho biết: “Vụ mùa 2019, gia đình tôi lần đầu tiên tham gia mô hình sản xuất cánh đồng lúa lớn, sử dụng giống lúa Ma Lâm 48 do Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ-Nông lâm nghiệp Long Hưng hỗ trợ. Với 8 sào, tôi thu được 4,8 tấn lúa, HTX thu mua với giá 5.000 đồng/kg. Vụ Đông Xuân 2019-2020, HTX hỗ trợ gia đình tôi chuyển sang trồng giống lúa J02. Tôi mới thu hoạch xong, được khoảng 5 tấn lúa. Với giá lúa được HTX bao tiêu 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi gần 40 triệu đồng”.

 Ruộng lúa giống J02 trên cánh đồng Ia Sái (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Q.T
Ruộng lúa giống J02 trên cánh đồng Ia Sái (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Q.T



Theo chị H'Mep, trước khi tham gia dự án, 8 sào ruộng của gia đình chỉ thu được hơn 6 tấn lúa/2 vụ. Khi đó, gia đình chị gieo sạ 25-30 kg giống/sào; thời gian gieo sạ, bón phân, phun thuốc thì tùy vào túi tiền. Khi tham gia dự án, chị được hướng dẫn sử dụng giống mới có khả năng chịu hạn và chỉ gieo chưa đến một nửa số lúa giống so với trước đây. “Ban đầu, tôi cũng nghi ngờ lắm. Tuy nhiên, khi được cán bộ HTX hướng dẫn kỹ thuật, tôi dần tin tưởng. Giờ tôi đã nhuần nhuyễn cách làm mới hiệu quả và tiết kiệm này, không cần cán bộ cầm tay chỉ việc. Năm nay, gia đình tôi không những đủ gạo ăn mà còn có lúa dư để bán”-chị H'Mep tâm sự.

Ông Võ Ngọc Giàu-thành viên Hội đồng Quản trị, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ-Nông lâm nghiệp Long Hưng-cho hay: Vụ mùa 2019, HTX liên kết với 120 hộ đồng bào DTTS ở 3 làng: Tao, Thơ Nhueng, Chư Bố 2 (xã Ia Phang) để gieo trồng 100 ha lúa nước giống Ma Lâm 48 cùng 20 ha giống J02 trên cánh đồng Ia Yô và Ia Sái. Bước đầu, HTX hỗ trợ nông dân 70% chi phí sản xuất; sản phẩm sau khi thu hoạch được đơn vị bao tiêu toàn bộ với giá 5.000 đồng/kg lúa Ma Lâm 48 và 10.000 đồng/kg lúa J02. Sau khi trừ chi phí, bà con thu lãi 25-40 triệu đồng/ha. Vụ Đông Xuân 2019-2020, HTX tiếp tục liên kết với các hộ sản xuất 33 ha lúa giống J02. Đây là giống lúa mới, có chất lượng gạo ngon, rất được thị trường ưa chuộng. Sau khi thu hoạch, HTX sẽ thu mua với giá 10.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với giống Ma Lâm 48, giúp nông dân có thu nhập cao trên cùng đơn vị diện tích.

Tại huyện Mang Yang, vụ Đông Xuân 2019-2020, HTX Nông-Lâm nghiệp Quyết Tiến đã liên kết với 104 hộ đồng bào Bahnar sản xuất lúa nước chất lượng cao theo hướng VietGAP. Bà Bùi Thanh Việt-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Vụ Đông Xuân 2019-2020, Trung tâm bắt đầu triển khai thực hiện Dự án phát triển chuỗi giá trị sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Ayun với sự tham gia của 104 hộ đồng bào Bahnar trên diện tích 35 ha tại cánh đồng trạm bơm Plei Bông. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ giống lúa HT1 nguyên chủng và 50% phân bón các loại. Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật xuống tận ruộng hướng dẫn cho bà con quy trình sản xuất theo hướng VietGAP. Đặc biệt, sản phẩm khi thu hoạch sẽ được HTX Nông-Lâm nghiệp Quyết Tiến bao tiêu với mức giá thấp nhất là 6.000 đồng/kg. Đây là mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị với mục tiêu giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất lúa nước, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác để nâng cao năng suất.

Mở rộng chuỗi liên kết

Gia đình ông Hưih (làng Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang) là một trong những hộ tham gia Dự án phát triển chuỗi giá trị sản xuất lúa chất lượng cao. Nhà ông Hưih có 4 khẩu nhưng chỉ có 3 sào lúa nước. Trước khi tham gia dự án, 3 sào ruộng của ông chỉ thu được gần 3 tấn lúa/2 vụ. “Vụ Đông Xuân này, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và HTX Nông-Lâm nghiệp Quyết Tiến đã hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và đưa giống lúa cho hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Hy vọng năm nay, gia đình sẽ thu được nhiều lúa hơn”-ông Hưih chia sẻ.

Giống lúa HT1 được sản xuất tại cánh đồng trạm bơm Plei Bông (xã Ayun, huyện Mang Yang). Ảnh: Ngọc Sang
Giống lúa HT1 được sản xuất tại cánh đồng trạm bơm Plei Bông (xã Ayun, huyện Mang Yang). Ảnh: Quang Tấn



Ông Bùi Ngọc Thúc-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông-Lâm nghiệp Quyết Tiến-cho hay: Bước đầu, HTX thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm với quy mô khoảng 41 ha. Ngoài 35 ha đã ký hợp đồng với bà con, HTX còn đầu tư thêm 6 ha liền vùng, liền thửa sử dụng cùng giống lúa HT1 sản xuất theo quy trình VietGAP. Đây là giống lúa mới có chất lượng gạo tốt, được thị trường nhiều nơi ưa chuộng. Nếu thành công trong vụ Đông Xuân 2019-2020, dự kiến trong vụ mùa năm nay, HTX sẽ tiếp tục vận động 150 hộ dân ở 2 làng đồng bào Bahnar và 1 thôn người Kinh của xã Đak Jơ Ta liên kết sản xuất với diện tích khoảng 50 ha. Giống lúa được chọn để đưa vào sản xuất là Đài Thơm 8. Bên cạnh đó, HTX sẽ đầu tư sân phơi, lò sấy và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất. Đây là tiền đề quan trọng để HTX tiếp tục liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa cho nông dân trên địa bàn huyện trong những vụ tiếp theo.

Theo ông Võ Ngọc Giàu, với sự thành công của Dự án liên kết sản xuất lúa chất lượng cao J02 trong vụ Đông Xuân 2019-2020, vụ mùa năm nay, HTX tiếp tục vận động người dân liên kết sản xuất giống lúa này, dự kiến sẽ mở rộng thêm khoảng 70 ha. “Khi đầu vào ổn định, đầu ra đảm bảo, chúng tôi hy vọng sẽ tạo được cánh đồng lúa lớn từ vụ mùa năm nay, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào DTTS ở địa phương”-Phó Giám đốc HTX Dịch vụ-Nông lâm nghiệp Long Hưng kỳ vọng.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Việc vận động xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao giữa nông dân với HTX không những giải quyết được vấn đề lương thực tại chỗ mà còn giúp người dân có thêm thu nhập. Đồng thời, qua thực hiện chuỗi liên kết này, đồng bào DTTS sẽ có cái nhìn mới trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa chất lượng cao. Thời gian tới, huyện sẽ quy hoạch thêm vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã khác để tạo điều kiện cho nhiều hộ DTTS tham gia. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình, cần sự chung tay nhiều hơn nữa của các chủ thể trong chuỗi liên kết sản xuất và phải đảm bảo được 3 vấn đề: năng suất ổn định, giá cả hợp lý và đem lại lợi nhuận tối đa cho nông dân.

 

Ngọc Sang - Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.