Lênh đênh phận dưa, đời người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phía trên là thành phố. Phía dưới là sông Trà khô cạn. Đây đó là những bãi bồi với lều trại tạm bợ, đám dưa hấu và chủ nhân tếu táo ví mình như người Digan.

Vượt qua con đường tạm chừng non 100 m để ra bãi bồi của xã Tịnh An, nằm giữa sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi), tôi lọt vào cánh đồng dưa của những anh chàng Digan.


 

Vùng trồng dưa ven sông Trà Khúc thuộc xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi
Vùng trồng dưa ven sông Trà Khúc thuộc xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi



Thuê đất trồng dưa

Chủ nhân của một bãi dưa rộng trên 2 ha là anh Dương Thi. Nghe tôi hỏi chuyện, anh bật cười: "Đi dọc nơi này lên tận đầu mối Thạch Nham huyện Sơn Hà đa phần là dân Bình Sơn vào đây thuê đất trồng dưa".

Quê anh Thi ở xóm Cây Cày, xã Bình Chương, nằm ở bờ Nam sông Trà Bồng, đối diện với xã Bình Trung, huyện Bình Sơn. Nơi đó, lâu nay tồn tại câu ca của những anh chàng tếu táo: "Bình Trung lắm mía, nhiều dưa/ Nhiều cô gái đẹp mà chưa có chồng".

Chuyện nhiều gái đẹp chưa chồng ở xã Bình Trung thì mấy ai biết nhưng những năm 1980 về trước, chuyện dân xã này cũng như nhiều xã dọc sông Trà Bồng đua nhau trồng dưa hấu thì nhiều người biết. Khi đó, chưa có giống dưa Hắc Mỹ Nhân trái dài vỏ đen láng như bây giờ nên bà con trồng giống dưa An Tiêm, trái tròn vỏ xanh đen hoặc xanh sọc dưa, mỗi trái nặng từ 5-10 kg.

Vụ trồng mới dưa bắt đầu cuối tháng 10 âm lịch. Sau 3 tháng chăm bón là đến mùa thu hoạch dưa. Bấy giờ, dưa nằm sắp lớp trên bãi. Cánh thương lái ở thị trấn Châu Ổ mua dưa đem về chất đống trước nhà, biến nơi này thành thủ phủ dưa hấu. Xe tải các nơi đến đây nườm nượp chở dưa ra Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Bình Định… Xe khách liên tỉnh ngang qua đây cũng dừng lại để hành khách mua vài trái làm quà.

Rồi có dạo, thị trường Trung Quốc hút hàng nên diện tích trồng dưa từ vài trăm ha tăng vọt lên cao, có thời điểm lên đến trên 1.500 ha. Không chỉ tăng diện tích, bà con còn chuyển sang trồng gối vụ 2 vụ/năm.

Nông dân đã vậy thì tư thương năng động hơn gấp nhiều lần. Họ bắt mối ở tận ngoài cửa khẩu Việt - Trung rồi bỏ tiền tậu xe tải, đầu vụ thì gặp nông dân để đặt cọc để xí phần. Đến mùa thu hoạch, sau khi mặc cả, họ đem xe đến tận bãi, chất dưa lên để chở ra biên giới.

Thế nhưng, "khoai đất lạ, mạ đất quen", cây dưa cũng cùng đặc điểm như cây khoai, càng trồng trên đất quen cây dưa đâm chết nhát, trái không lớn và chất lượng cũng kém ngon. Do vậy, những nông dân trồng dưa ở dọc ven sông Trà Bồng, mà nhiều nhất là ở xã Bình Chương đến các vùng ven sông Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu (tỉnh Quảng Ngãi) phải thuê đất trồng dưa. Rồi qua những người quen, bắt mối sang tỉnh bạn nên chuyện Tây Nguyên hành, Bình Định hành, Quảng Nam hành nảy sinh và cuộc đời của những anh chàng Digan trên những cánh đồng dưa bắt đầu từ đó.

Chung một kiểu nhà tạm

Ở bãi trồng dưa, tất cả đều có chung một kiểu nhà tạm, khung bằng cây tre, mái vách đều che bạt.

Anh Dương Thạnh, con nhà thúc bá với anh Dương Thi và có thâm niên trên vài chục năm trồng dưa. Anh cắm chốt ở nhiều bãi bồi ven sông trong tỉnh Quảng Ngãi rồi sau đó lên tận vùng Buôn Đôn của tỉnh Đắk Lắk. Anh nói: "Đi trồng dưa một mình ở nơi xa, đến hồi thấy chán thì về quê rủ vợ vượt hơn vài chục cây số vào bãi sông Trà Khúc này thuê đất trồng dưa".

Đưa tay chỉ ngôi nhà tạm rộng chừng 20 m2, có chiếc giường, áo quần vứt lộn xộn; cạnh đó là bếp có cái bình ga cùng chiếc rổ đựng ấm chén, chiếc xô nhựa đựng nước, anh Thạnh cười: "Đời Digan mà, cái gì cũng tàm tạm thôi".

Thế nhưng, cái "tàm tạm" này không phải anh chàng nào đi trồng dưa cũng có. Anh Huỳnh Tường Vy ở xóm Soi, trồng dưa cũng ở bãi bồi sông Trà Khúc nhưng nằm ở phía trên cầu Trường Xuân, không hề giấu giếm: "Thì vợ con gửi ở quê. Đến kỳ thu hoạch vợ mới vào bán rồi gom tiền kéo mình về luôn, nên cánh đàn ông trồng dưa không có vợ đi kèm như tui thường ngày phải góp tiền và thay phiên nhau vượt bãi bồi vô chợ trung tâm TP Quảng Ngãi, hoặc xuống chợ Châu Sa mua gạo, thực phẩm về nấu ăn".

Ở vùng bãi bồi ven sông, ngước mắt lên là thành phố, thấy người xe đi lại phù hoa, cũng có anh em chợt nhận ra sao đời mình khổ thế nhưng rồi lại nghĩ "đời cua cua máy, đời cáy cáy đào", ai lo phận nấy.

 

Chị Võ Thị Minh - vợ anh Dương Thạnh - bên lều bạt ở bãi dưa
Chị Võ Thị Minh - vợ anh Dương Thạnh - bên lều bạt ở bãi dưa


Trên bãi dưa thừa nắng và gió, quãng tháng 5 đến tháng 7 là nắng nung người nên ai nấy đều đen nhẻm. Sau khi vun xới những luống dưa, mặt trời lên ngang cây sào là nóng lưng, mồ hôi túa ra nhễ nhại thì cánh trồng dưa nhảy ào xuống sông tắm rồi đem áo quần giặt, phơi trên những bãi bồi, chỉ tiếng đồng hồ là có thể mặc lại.

Khi mới vào thuê đất trồng dưa, dù tiền nong có thể là vợ chồng gom góp hay vay ngân hàng nhưng túi ai cũng rủng rỉnh. Do vậy nên tối tối, họ cùng nhau cưỡi xe gắn máy vượt bãi bồi, vào vùng trung tâm thành phố, xuống đường Phạm Văn Đồng ghé mấy quán gọi cái lẩu bò hoặc lẩu dê, thêm mấy chai bia Dung Quất để "giải mỏi". Rồi sau đó, tiền nong ít dần thì uống rượu gạo, mồi nhậu thì ra chợ mua lòng bò, lá sách đem xào nghệ. Hôm nào siêng thì vài anh em đi dọc bờ sông câu cá về nướng trui.

Ở giữa sông nên ban đầu thì còn nổ máy sạc bình ắc quy, tối câu điện thắp quanh nhà. Nhưng sau đó, công việc mệt mỏi nên đêm về chẳng cần đèn đuốc, cả bọn cứ thế mà hòa mình vào thiên nhiên.

Làm lụng trên đồng, cứ năm bữa, nửa tháng, anh nào nhớ vợ con thì gửi dưa cho anh em coi giúp, chạy về thăm nhà ít hôm rồi quay lại. Ở bãi dưa, anh nào cũng sắm một chiếc xe máy cà tàng để đi. Anh nào kỹ tính thì nuôi thêm con chó để giữ cả đám dưa.

Anh Huỳnh Tây (ngụ xóm Soi, thôn Nam Thuận, xã Bình Chương) cười khì: "Cái nghề trồng dưa lên bổng xuống trầm, nhiều cảm xúc. Ai chọn rồi thì nghề như cái dây dưa, có bỏ được đâu". Bởi theo lý giải của anh Tây, làm nông nghiệp chẳng có nghề nào "vô mánh" như nghề trồng dưa. Một vụ dưa kéo dài chỉ ba tháng, vốn đầu tư một héc-ta khoảng 150 triệu đồng, nếu trúng mùa và được giá thì bán thu được từ 300-400 triệu đồng. Chính vì vậy, khi trúng dưa, dân trồng dưa chơi sộp khó ai bằng. Về đến đầu xóm là đã a lô gọi bạn bè gầy độ nhậu. Vợ con muốn sắm xe máy, ti vi đều chiều tất. Đó là chưa kể nhờ nghề trồng dưa mà biết đó, biết đây.


 

Anh Dương Thạnh hòa phân tưới dưa
Anh Dương Thạnh hòa phân tưới dưa



Đầy rủi ro

Thế nhưng, nghề trồng dưa cũng đầy rủi ro. Đến bãi thuê đất xong thì tiếp đến là những ngày phơi lưng đóng giếng, lắp máy bơm, kéo ống tưới dưa, bẻ chèo, rồi dưa ra nụ, kết trái là ngày ngày săm soi trong hy vọng. Nhưng nghe đài báo gió mùa Đông Bắc thổi về mạnh là thiệt hại đến liền. Bởi trời mưa giông vài chiều là trái nứt toác, bán không ai mua. Chỉ còn cách gom dây, làm lại từ đầu.

Trồng dưa hấu đa phần là để xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc. Khi dưa hấu hút hàng thì dân trồng dưa chóng mặt với nạn giành giật tranh mua, tranh bán, rồi bảo kê cũng xuất hiện.

Thì nói đâu xa. Ngay bãi dưa Tịnh An này thôi. Tháng 3-2013, mùa dưa đầu vụ, thị trường Trung Quốc hút hàng đẩy giá dưa lên 12.000 đồng/kg, thì trên đường xuống bãi xuất hiện những "đại bàng, chim én" xăm trổ đầy người, tuyên bố bảo kê bãi dưa. Dân trồng dưa có anh đã từng chiến đấu ở chiến trường K., bực mình bảo quy tụ anh em "chiến" một trận. Nhưng rồi nghĩ sao đó lại thôi, nên điện thoại nhờ báo chí và chính quyền xử lý. Rồi công an vào cuộc, trật tự mới vãn hồi. Còn chuyện đi trồng dưa ở nơi xa, những thương lái địa phương đến đặt tiền cọc nhưng khi thu hoạch, mặc cả về giá không thống nhất, trả lại cọc cũng gây nhiều khó khăn.


 

Thu hoạch dưa trong mùa Covid-19
Thu hoạch dưa trong mùa Covid-19



Từ năm ngoái đến giờ, dịch Covid-19 gây trở ngại cho việc trồng dưa hấu. Các bác tài chuyển dưa xong phải bị cách ly nên giá dưa hạ dài dài. Cho đến đợt dưa đầu năm thu hoạch vào tháng 3, dưa cũng đẹp nhưng thị trường Trung Quốc bị phong tỏa. Cánh xe tải chuyển hàng bị cách ly nên dưa chỉ còn tiêu thụ ở nội tỉnh, giá loại 1 xuất bán tại ruộng chỉ còn 3.000 đồng/kg. Anh em lỗ chổng vó.

May là thời điểm thu hoạch dưa trong mùa dịch Covid-19 hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh khác đã tháo gỡ cho việc vận chuyển dưa xuất khẩu trên cơ sở cho các bác tài test nhanh, nếu âm tính thì được vận chuyển dưa ra Bắc, nên giá thu mua dưa loại 1 hiện ở tại ruộng đã được 6.000 đồng/kg. Dân trồng dưa nhờ vậy mà có lãi ít nhiều.


Phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu

Ông Phạm Bá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, cho hay việc trồng dưa hấu phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu.

Tháng 4-2018, tỉnh phối hợp Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo tìm đầu ra cho cây dưa hấu trên cơ sở mời đại diện Sở Công Thương của 7 tỉnh biên giới phía Bắc, một số doanh nhân của Việt Nam và Trung Quốc, để tìm đầu ra cho cây dưa hấu. Nhưng rồi việc xuất khẩu gặp khó nên ngành nông nghiệp chủ trương không khuyến khích trồng cây dưa hấu, vì thế giờ phải trồng theo kiểu rải vụ để có thể xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa, giảm bớt khó khăn cho nông dân.


Bài và ảnh: Võ Quý Cầu
(Theo NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.