Lên xứ hoa hái nấm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngay sau những cơn mưa đầu mùa, Đà Lạt đã đón nhiều đoàn khách lên hái nấm. Không ít người thích thú với những cuộc dã ngoại thú vị này, nên năm nào cũng đến đây trong tháng 5

Thường là cuối tháng 4, đầu tháng 5, Đà Lạt sẽ có những cơn mưa đầu mùa như các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên.

Tranh thủ "sống ảo"

Ba năm trước, được chị Minh An có nhà ở Đà Lạt rủ lên chơi, đúng vào tháng 5, nghe đi hái nấm ở rừng thông khá lạ, nên cả nhóm 10 người bạn của chị hồ hởi đi ngay. Từ lần đó, mỗi năm, cứ vào đầu tháng 5, mọi người lại theo dõi thời tiết Đà Lạt, vừa nghe xứ hoa đã có vài cơn mưa đầu mùa là í ới nhau đi hái nấm.

Tuy đứng ra tổ chức chuyến dã ngoại nhưng việc hướng dẫn chúng tôi đi hái nấm thì chị An phải nhờ đến chị Nguyễn Thị Lê - một người dân địa phương có kinh nghiệm nhiều năm hái nấm trong những rừng thông.

Buổi sáng, hôm đi hái nấm, chúng tôi chưa biết chuẩn bị gì thì chị Lê đã mang đến đủ thứ. Nào là túi đựng nấm, dao, áo mưa mỏng phòng khi trời đổ mưa, găng tay. Phần chúng tôi đi giày dép đế bệt, có độ bám cho chắc chân khi lên đồi. Ai đi ủng được thì tốt, mặc quần dài, áo tay dài để giữ ấm cơ thể và chống côn trùng bám, cầm theo chai nước uống, nón.

Chị Nguyễn Thị Lê dẫn đầu đoàn khách vào rừng thông hái nấm

Chị Nguyễn Thị Lê dẫn đầu đoàn khách vào rừng thông hái nấm

Lần nào cũng vậy, đi xe đến một đồi thông, chị Lê luôn bảo chúng tôi chờ để chị tiến lên, quan sát trước. Thấy phía đồi nào đã có người đi trước hái hết nấm thì chị lại đưa chúng tôi di chuyển sang đồi khác. Đồi dốc thoai thoải nên không khó lên nhưng chị Lê cũng nhặt cây khô trong rừng, chặt cho mỗi người một cây gậy chống lên đồi cho dễ.

Rừng thông trên đồi đẹp quá, tranh thủ "sống ảo" một chút là phải vào việc ngay vì không chỉ có chúng tôi mà trong rừng đã có không ít người cũng đang nhanh chân tìm nấm.

Sau vài cơn mưa, từ những lớp lá mục trong rừng thông, các loại nấm ngoi lên khỏi mặt đất. Không phải đến rừng thông là nấm nhan nhản trước mắt cho mình hái, vì vẫn có chỗ đi ngang qua là thấy nấm liền, nhưng phần nhiều thì phải quan sát gốc cây, hốc đá, bụi cỏ, vạch tìm dưới lớp lá mục, cây khô phủ dày khiến nấm ngoi lên nhưng không thoát ra được.

Cây gậy chống hóa ra lại còn trở thành dụng cụ khều tìm nấm rất hiệu quả. Chị Lê dặn khi phát hiện nấm, chờ chị xem là nấm ăn được hay nấm độc rồi mới hái.

"Ồ! Mấy cái nấm to nè!", "nấm này đẹp chưa!", "chị ơi, nấm này hái được không?". Những tiếng mừng rỡ khi thấy nấm, khuấy động rừng thông. Chị Lê chạy tới, chạy lui kiểm tra, xong chỉ cho chúng tôi cách hái nấm là phải nhổ nhè nhẹ cho được cả chân nấm. Trong khi người dân địa phương chăm chỉ tìm nấm, thì với chúng tôi, hái được mấy cái nấm to, nấm đẹp nào là xúm nhau "sống ảo" vài bức ảnh.

Rất nhiều nấm trứng gà từ lớp lá mục trồi lên

Rất nhiều nấm trứng gà từ lớp lá mục trồi lên

Nấm gan (nấm gan bò), nấm thông, nấm gạch, nấm trứng gà là những loại phổ biến trong rừng thông. Nấm gan có kích thước khá lớn, thân cao, cuống to, mũ nấm rộng màu nâu hay vàng sậm, dáng như lá gan, có cây nặng cả nửa ký. Nấm gạch có mũ nấm và thân nấm màu đỏ gạch. Trông yêu nhất là nấm trứng gà, mũ nấm tròn mịn màu vàng hay hơi cam như lòng trứng gà, chân nấm có đài trắng, nên trông cả cây nấm như quả trứng gà được bóc ra.

Chị Lê nói những loại nấm độc thường có màu sặc sỡ và hình dáng đẹp, nên dễ nhầm với nấm gạch, nấm trứng gà.

Hơn 2 giờ vừa làm vừa chơi, cả nhóm đã thu hoạch được hơn chục ký nấm đủ loại. Lúc xuống đồi về, chúng tôi gặp một thanh niên vác cả bao to đựng nấm. Hỏi chuyện, biết anh ở dưới huyện Định Quán của tỉnh Đồng Nai, năm nào đến mùa cũng lên Đà Lạt hái nấm vài lần. Một mùa nấm anh hái hơn 100 kg, về bán bớt, còn chừa lại vài chục ký đã sơ chế sạch sẽ, trữ ngăn đông ăn dần.

Bữa tiệc nấm

Chị Lê cho biết nhiều người ở Đà Lạt cũng tranh thủ hái nấm vừa dùng ngay vừa trữ lại. Số lượng nấm bán không đáng kể. Vì tuy bán các loại nấm đặc biệt này thì được giá khá cao, nhưng đến lúc hết mùa, muốn ăn có tiền cũng không có để mua.

Ngay ở chợ Đà Lạt, chúng tôi cũng không tìm thấy mấy loại nấm mình đã đi hái.

Mùa hái nấm là mùa hẹn lên Đà Lạt của nhiều khách du lịch

Mùa hái nấm là mùa hẹn lên Đà Lạt của nhiều khách du lịch

Khen chị Lê quá rành các loại nấm, nhìn thoáng qua là biết nấm độc hay nấm ăn được. Chị nói, hồi đó đâu có biết, thấy người dân đi vô mấy rừng thông hái nấm, chị lần mò đi theo học hỏi. Của ngon trời cho mà, ai hái được cứ hái, nên mọi người vui vẻ chỉ cho nhau hình dáng, màu sắc, cách nhận biết từng loại nấm, phân biệt nấm độc.

Lần nào đi hái nấm, chị Lê cũng giúp chúng tôi sơ chế hết chỗ nấm hái được. Thực đơn với nấm có thể kể: nấm trứng gà xào với đọt rau lang, mướp hay xào mì rất ngon; nấm gan, nấm gạch thì nấu lẩu có thêm rau bó xôi, đọt su su, cải thảo nhúng; nấm thông kho tiêu ăn cơm…

Thưởng thức đặc sản "trời cho" do chính tay mình đi hái, thấy những món mà chị Lê chế biến từ nấm ngon quá. Mỗi loại nấm rừng thông có độ mềm, dai hay giòn khác nhau, còn ngọt thì nấm nào cũng ngọt, món xào không cần bột nêm, nước lẩu không cần nhiều thịt xương hầm.

Lần nào đi hái nấm về, nấu mấy món, ăn đã miệng, no bụng mà cũng không hết số nấm sơ chế. Chị Lê đóng gói số nấm dư bỏ ngăn đông tủ lạnh để cho chúng tôi mang về. Do chị Lê làm rất kỹ, rửa nước muối, chần qua nước sôi nên nấm khi rã đông vẫn ngon, chế biến món ăn vẫn thơm như nấm tươi.

Thành mùa hẹn du lịch

Mỗi năm lên Đà Lạt hái nấm, chúng tôi lại thấy số người có sở thích này đông hơn, trẻ có, trung niên có, cỡ U70 cũng tham gia.

Chị Phan Thị Loan, ngụ TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: "Đi hái nấm được tận hưởng cảm giác háo hức đua nhau săn tìm những cây nấm, thích nhất là thấy được cả đám nấm ở một chỗ. Hái được, mê quá. Cứ đi càng lúc càng xa trong rừng thông lúc nào không hay. Thỉnh thoảng, mình đứng lại hít thở không khí trong lành, nghe tiếng gió thổi trong rừng thông như đang nghe nhạc, thư thái lắm".

Thích thú với thành quả hái nấm của du khách

Thích thú với thành quả hái nấm của du khách

Nắm được nhu cầu của du khách nên nhiều nhà nghỉ, công ty lữ hành ở Đà Lạt đã đồng loạt giới thiệu tour hái nấm vào tháng 5 hằng năm như một mùa hẹn du lịch. Mùa hái nấm bắt đầu khi có 1-2 cơn mưa đầu mùa và chỉ kéo dài hơn một tháng là hết. Lỡ không sắp xếp được thời gian là phải chờ đến năm sau mới đi, nên ai đã ghiền hái nấm thì thường để lịch tháng 5 ưu tiên đi Đà Lạt.

Những nhà nghỉ, công ty du lịch không có người rành rẽ việc hái nấm, họ thuê người địa phương đi theo hướng dẫn khách. Còn ở Homestay Đà Lạt Nhớ của chị Lê thì bà chủ kiêm hết mọi việc cho những nhóm khách, từ dẫn đi hái nấm đến chế biến món ăn ngay tại nhà cho khách thưởng thức, mà không tính thêm tiền công gì.

Với chị Nguyễn Thị Lê, được dẫn mọi người đi trải nghiệm là thấy vui. Chị khuyên mọi người có thích cũng đừng nên thử đi vào rừng hái nấm một mình, vì nhiều rủi ro như không biết cách băng rừng, không biết lối ra, không biết phân biệt các loại nấm độc…

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.