Lên rừng hái gắm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Rừng Tây Nguyên đa dạng và phong phú những trái cây tự nhiên như xoay, sim, trâm, bồ quân… Mùa nào thức nấy, chỉ cần vào rừng là có, tha hồ hái lượm. Đặc biệt, có một loại quả quen thuộc thường được thu hái vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, đó là quả gắm.
Ảnh nguồn internet
Quả gắm. (Ảnh nguồn internet)
Đông đến, người dân quê tôi (xã Tân An, huyện Đak Pơ, Gia Lai) lại rủ nhau vào rừng hái gắm. Loại quả này có nhiều ở eo núi Hãnh Hót, chỉ cách nhà chừng 2 giờ đi bộ. Hôm ấy, nhóm chúng tôi gồm 4 anh em, hành trang sẵn sàng đi rừng tìm gắm. Anh Châu lớn tuổi nhất, rất sành đường nên dẫn đầu. Men theo lối mòn, chúng tôi qua nhiều hố sâu, dốc cao, có lúc chui qua những khe rừng toàn lá mục. Ấn tượng nhất là những con dốc dựng đứng, đá lởm chởm, chân phải nhích từng bước một, đầu người sau đụng gót chân người trước. Cuối cùng cũng đến nơi cần đến.     
Trước mắt chúng tôi là những dây gắm ngoằn ngoèo to như bắp vế, len lỏi dưới tán rừng, uốn mình như thân rắn treo lơ lửng, cành nhánh quấn lấy cây rừng leo lên tới đọt cây cao vút. Trên thân dây gắm đeo những quả hình bầu dục to như ngón tay người lớn, đóng thành chùm chín đỏ, vàng chen trong màu lá xanh thẫm. Anh Châu ra lệnh: “An nhỏ con, giỏi leo trèo, lên hướng này đu ra hái mấy chùm kia”. Tôi giắt rựa quắm leo lên thoăn thoắt. Thoắt cái, tôi đã ngồi trên chạc ba một cây lớn. Đang tìm cách tiếp cận chùm quả gắm, bỗng nhiên từ trên cành cây bên kia một con nưa to như bắp chân, dài chừng hơn 3 m, từ đầu cành cây gắm chuyền sang chỗ tôi. Tôi hoảng hốt hét to, bám chặt trên cây kêu cứu. Nhưng con nưa cứ lù lù bò tới, thè lưỡi, chìa 9 lỗ mũi thở phì phì, cách tôi chỉ vài mét. Anh Châu bảo tôi bình tĩnh, ngồi yên. Đoạn, anh lấy cây le dài, rút trong ba lô cây sắt chĩa ba cắm vào đầu cây đưa lên cho tôi rồi nói lớn: “Cầm lấy, nó lại gần thì hất nó ra, nó đi tìm chồn ăn gắm đấy! Tí nữa dùng cái này hái gắm luôn”. Con nưa hạ đầu thấp xuống rồi đột ngột ngẩng lên thật cao, phóng tới chỗ tôi. Sẵn cây chĩa ba, tôi giương ra đỡ. Con nưa liền ngoắc đầu né, quay sang hướng cây khác rồi trườn bỏ đi.
Qua phen hú vía, tôi nhoài người dùng chĩa ba chọc mạnh những chùm quả để chúng lần lượt rơi xuống. Mọi người nhặt chất thành đống, còn anh Châu đi dạo quanh khu rừng gần đấy gom những quả gắm nằm rải rác tươi có, khô có bỏ riêng vào một bao. Anh cho biết, những quả này là do chồn ăn vào rồi thải ra, chúng rất ngon, như cà phê chồn vậy.
Những quả gắm hái xuống được lặt rời khỏi cuống, dồn bao, ước chừng gần vài tạ. Bên đống lửa đã đốt sẵn, tôi bốc một chùm quả bỏ vào nướng. Khi quả chín, bóc hết lớp vỏ ngoài, ta sẽ thấy một lớp xơ mỏng bên trong như xơ cau già, tiếp đến là lõi hạt. Hạt gắm chín màu vàng sậm, cắn vào nghe giòn, nhai tiếp nghe dẻo, có vị đắng nhẹ, mùi thơm đặc trưng, nhai nhiều lần thấy vị ngọt tan nơi đầu lưỡi, rất dễ chịu. Anh Châu bảo, nên ăn khô sẽ bớt đắng hơn. Chiều xuống, chúng tôi trở về nhà. Hạt gắm đổ ra phơi chừng 6 nắng là khô, sau đó bảo quản cẩn thận để rang ăn dần hoặc giã, rây thành bột, trộn đường đóng thành bánh, trẻ em hay người lớn đều thích.
Cây gắm có tuổi thọ tự nhiên lên đến hàng trăm năm, thường ra hoa tháng 6-8, cho quả tháng 10-12. Hạt gắm khô có thể rang lên dùng ăn chơi hoặc ép lấy dầu ăn. Có nơi, hạt gắm được nghiền thành bột và rán kỹ thành một loại bánh giòn có hương thơm đặc trưng, vị hơi đắng. Ngoài ra, theo Đông y, rễ dây gắm có thể dùng sắc nước để uống, ngâm rượu hoặc nấu thành cao để trị các bệnh như gout, đau nhức xương khớp…
Ngày nay vào rừng, hiếm hoi lắm mới gặp được một dây gắm nhưng cũng đã bị chặt phá nham nhở, lượng quả rất ít. Khi rừng ngày càng cạn kiệt, những loại trái cây quen thuộc một thời như quả gắm nay đã trở thành xa lạ, chỉ còn lại trong nỗi nhớ một thời của lớp người lớn tuổi.
 AN SINH

Có thể bạn quan tâm

Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

(GLO)- Cùng với việc UBND tỉnh Gia Lai công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai ở một số khu vực sạt lở nguy hiểm trên địa bàn huyện Ia Pa, dự án xây bờ kè chống sạt lở cũng được triển khai nhằm ổn định đời sống người dân.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Phan Chung tặng quà cho bà Nguyễn Thị Sự (dân công hỏa tuyến, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Thăm, tặng quà thân nhân, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa

(GLO)- Ngày 2-5, đoàn công tác do ông Đặng Phan Chung-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình thân nhân, chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.
Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

(GLO)- Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã Anh hùng Ia Hrung (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Nhiều công trình dân sinh được đầu tư, những ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông sạch sẽ... là minh chứng cho sự khởi sắc của vùng quê nghèo.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).