Lễ hội "Hương xưa làng cổ" thu hút hơn 50.000 lượt khách tham gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Được đánh giá là một trong những chương trình thành công trong số các chương trình hưởng ứng Festival Huế 2018, Lễ hội "Hương xưa làng cổ" tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, thu hút hơn 50.000 lượt khách tham gia.

Một ngôi nhà rường cổ ở làng Phước Tích.
Một ngôi nhà rường cổ ở làng Phước Tích.



Lễ hội "Hương xưa làng cổ", diễn ra từ ngày 29-4 vừa qua cho đến hết Festival Huế 2018, thu hút sự tham gia của gần 700 nghệ sỹ chuyên và không chuyên cùng các vận động viên đến từ các xã, thị trấn của huyện Phong Điền. Đoàn nghệ thuật Phaka Lumduan của Thái Lan, cũng tham gia biểu diễn trong thời gian diễn ra lễ hội.

Tại lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian của vùng quê Phong Hòa.

Đến lễ hội, du khách được tham quan làng nghề, trải nghiệm cách làm sản phẩm gốm Phước Tích, điêu khắc mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, làm bánh truyền thống; chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương như sản phẩm gốm, mộc Phong Hòa, rượu Phong Chương, đệm bàng Phò Trạch, gốm Phước Tích, lưới Vân Trình, tương măng Phong Mỹ, rèn Hiền Lương…

Phước Tích là ngôi làng cổ thứ hai của Việt Nam còn khá nguyên vẹn những yếu tố gốc của làng cổ vùng văn hóa Huế và miền Trung. Làng cổ này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Nằm cách trung tâm Huế khoảng chừng 45km, làng Phước Tích nép mình bên dòng Ô Lâu hiền hòa. Hiện nay, làng Phước Tích có 117 ngôi nhà, trong đó có 24 ngôi nhà cổ có giá trị, ngôi nhà cổ nhất được dựng vào năm 1850, kế đến là ngôi nhà được dựng vào năm 1870.

Nét đặc sắc nhất của làng là quy hoạch không gian kiến trúc được tổ hợp bằng các nhà vườn truyền thống, bố cục theo ba xóm gắn bó với nhau. Hệ thống đường, cây xanh nối liền với nhau một cách tự nhiên và sinh động làm nên một vùng sinh thái độc đáo.

Giữa các khuôn viên của ngôi nhà trong làng không được ngăn cách bằng hàng rào kín (bằng gạch xây, gạch mộc hay tường trình) và có cổng, mà là các hàng rào hở bằng cây chè tàu, uốn lượn theo trục đường làng, ngõ xóm và lối đi vào từng nhà.

Đặc điểm của làng cổ Phước Tích còn là làng không có ruộng, người dân sống bằng nghề gốm cổ truyền, vốn từ lâu đã trở thành thương hiệu.

Mới đây, để giới thiệu, quảng bá nét hương xưa ở ngôi làng cổ độc đáo này, Tổ chức JICA phối hợp với Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) đã hỗ trợ và đào tạo nghề cho 20 người dân Phước Tích duy trì nghề gốm bằng cách sản xuất các sản phẩm, mẫu mã mới dựa trên kỹ thuật truyền thống để giới thiệu tại các kỳ Festival Huế.

Ngoài ra, khi đến Phước Tích, du khách còn có cơ hội tham quan hàng chục đình, chùa, miếu, đền thờ, như đình làng Trung, chùa Phước Bửu, miếu Cây Thị, miếu Ðôi, miếu Quang Tế, thờ Yoni và Linga của người Chăm, các miếu Âm hồn, Con Cọp, Bà Giang của người Chăm, đền Văn Thánh…

Miếu Ðôi thờ người khai canh Hoàng Minh Hùng được phong làm Thần Hoàng của làng. Những di tích này mang đậm nét tâm linh của cư dân làng cổ tiêu biểu của Việt Nam.

Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.