Lao vào tâm bão để cứu người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bão đến, ngư dân tìm mọi cách để tránh bão thì họ - những người cứu nạn cứu hộ trên tàu Sar 411 (thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam) lại lao thẳng vào tâm bão để cứu người. Ranh giới giữa sự sống và cái chết nhiều khi quá mong manh nhưng những “chiến binh” ấy chưa bao giờ bỏ cuộc, bởi tâm niệm của họ là không muốn ai bị bỏ lại giữa biển khơi.

1. Tốt nghiệp Đại học Hàng hải năm 1994, anh Nguyễn Mạnh Dũng (sinh năm 1972) ra trường và bắt đầu cuộc đời bôn ba trên các con tàu vận tải lớn, đi khắp đó đây. Chuyện phải ở trên chiếc tàu buôn lênh đênh ngoài biển khơi hàng mấy tháng trời, với anh đã trở thành cơm bữa. Nhiều khi đêm xuống, cảm giác nhớ gia đình, nhớ người thân dâng lên khiến anh khao khát được trở về nhà hơn bao giờ hết. Có lẽ, đó là lý do chính để anh đến với công việc lái tàu cứu hộ cứu nạn như ngày hôm nay. “Ngay từ đầu mình cũng đã xác định công việc này không hề đơn giản, thậm chí là rất vất vả nhưng để được gần gia đình thì mình bắt buộc phải chọn thôi”, anh Dũng nhớ lại những ngày đầu tham gia đội cứu nạn cứu hộ.

Bắt đầu làm quen với một nghề khác hoàn toàn với công việc mưu sinh trước đây chính là một thử thách không nhỏ đối với anh Dũng. Không những thế, việc chấp nhận từ bỏ mức lương hơn 1 nghìn đô thay bằng 4 triệu đồng cũng là một sự dũng cảm. Hay từ việc đứng trên một tàu vận tải lớn, độ an toàn cao, trú tránh khi bão tố đến thì ở tàu Sar 411, những điều đó dường như ngược lại.

Còn đối với anh Dũng, chính những năm tháng lênh đênh trên những con tàu vận tải lớn đã giúp anh học tập và tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Đấy cũng chính là lý do để sau này anh trở thành thuyền trưởng tàu Sar 411 và chèo lái nó vững vàng trong dông bão đến ngày hôm nay. Không chỉ vậy, những năm tháng bôn ba ấy còn giúp anh học thêm nhiều thứ tiếng, khiến cho công việc cứu nạn thuyền viên trong nước và quốc tế được “thuận buồm xuôi gió”.

Còn nhớ, cơn bão số 5 năm 2007 đổ vào vùng biển Cửa Sót, Nghệ An khiến nhiều ngư dân mắc kẹt trên biển. Khi đó, Sar 411 được lệnh tập trung về nơi thường trực tìm kiếm cứu nạn tại Cửa Hội, sông Lam. Khi tàu vừa yên vị thì nhận được thông tin cứu nạn từ Biên phòng Cửa Sót. Một tàu cá có 4 ngư dân đang bị mắc kẹt, cách Cửa Sót 20 hải lý. Sóng to, gió lớn chặn mọi nỗ lực về bờ của tàu cá. Nhiệm vụ của Sar 411 lúc này là dắt tàu cá về bờ.

Trong khi các tàu cá lũ lượt kéo nhau về Cửa Hội tránh bão thì Sar 411 lại tiếp tục nhổ neo lao ra phía sóng to gió lớn. Anh Dũng nhớ lại: “Sóng mỗi lúc một mạnh hơn, gió giật cấp 6-7, chùm những đợt sóng qua boong tàu. Phía bên kia, tàu cá bé xíu như chiếc lá giữa đại dương, chực lật nhào. Chỉ sợ tàu Sar chồm lên sẽ nhấn chìm tàu cá. Ngư dân nhất quyết không chịu sang tàu Sar, không một ai chịu bỏ phương tiện kiếm kế sinh nhai”.

Bằng mọi nỗ lực, dây văng cũng tới được tàu cá. Vào gần tới Cửa Sót thì biển cạn, tàu Sar không thể cập cảng. Ngư dân vẫn không chịu bỏ tàu. Anh Dũng và đồng đội loay hoay trước nguy cơ nếu Sar tiếp tục tiến vào cảng, có thể mắc cạn. Nếu tháo dây, tàu cá sẽ không kịp về bờ khi bão đến. Tàu Sar buộc phải cắt dây hỗ trợ. Từ đó, con thuyền vừa may mắn thoát nạn lại tiếp tục may mắn đi về bờ an toàn trước khi cơn bão số 6 ập tới.

Thuyền trưởng Dũng và bác sĩ Minh luôn lấy việc cứu người làm động lực để gắn bó với Sar 411.

Thuyền trưởng Dũng và bác sĩ Minh luôn lấy việc cứu người làm động lực để gắn bó với Sar 411.

Tháng 6/2020, Trung tâm nhận thông tin tàu Annie Gas 09 trên hành trình từ Vũng Tàu đi Hải Phòng đã va chạm với tàu cá TH 90282 TS tại vị trí cách phao số 0 Hải Phòng 43 hải lý về phía Đông Nam. Sau tai nạn, 4/7 thuyền viên trên tàu cá mất tích. Tàu SAR 411 nhận nhiệm vụ chỉ huy hiện trường cùng với các tàu trong khu vực tham gia tìm kiếm các nạn nhân. Thách thức lớn nhất trong vụ việc này là lần đầu tiên, công tác tìm kiếm cứu nạn phải triển khai dưới độ sâu hơn 40m.

Sau 2 - 3 ngày liên tục dò tìm, tưởng chừng công cuộc tìm kiếm đi vào ngõ cụt thì một đoạn dây lưới nghi là của con tàu chìm nổi trên mặt nước. “Ngay lập tức tôi cùng các anh em phân tích và nhận định, có thể 4 thuyền viên kém may mắn kia đang nằm sâu dưới lòng biển cùng con tàu chìm”, thuyền trưởng Dũng nhớ lại.

Bằng kinh nghiệm lâu năm, anh cùng các anh em khác phân tích vị trí căn cứ vào dòng chảy, giúp thợ lặn tìm được chiếc tàu cá bị chìm vào ngày 13/6 qua hai lần thực hiện. Sau đó một ngày, 4 thi thể bị mắc kẹt trong tàu cá đã được đưa lên.

Cùng “chiến tuyến” với thuyền trưởng Dũng, bác sĩ Lê Văn Minh đã nhiều lần chứng kiến sự dũng cảm, kiên cường của vị chỉ huy được mệnh danh “sói biển” này.

Hồi tháng 9/2017, tàu Ante Topic báo nạn về trung tâm có thuyền viên người Croatia bị vỡ nội tạng. Tàu SAR 411 được điều động ra hỗ trợ. Đến nơi, do bất đồng về ngôn ngữ, bác sĩ không thể trao đổi trực tiếp với thuyền trưởng tàu bạn. Với vốn tiếng Anh dày dặn, thuyền trưởng Dũng lập tức vào làm phiên dịch viên, truyền đạt tỉ mỉ kết quả thăm khám. Vụ cứu nạn diễn ra suôn sẻ, được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao về khả năng hỗ trợ người bị nạn trên biển của Việt Nam.

2. Không chỉ có thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng có thâm niên gắn bó với tàu Sar 411 mà bác sĩ Lê Văn Minh cũng có tới 20 năm “coi biển là nhà”. Từng công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai, năm 2004, bác sĩ Minh đã có một quyết định bước ngoặt khiến nhiều người ngỡ ngàng. Dời bỏ bệnh viện tuyến Trung ương, chấp nhận lênh đênh trên biển khi sóng to gió lớn, bác sĩ chỉ có mong muốn cứu sống được nhiều ngư dân khi họ gặp nạn.

Theo bác sĩ Minh chia sẻ thì tai nạn trên biển muôn hình vạn trạng, nhưng nhiều nhất vẫn là các tai nạn lao động, chấn thương, mất máu. Có những bệnh nhân bị rách da đầu, có người lại bị vật sắc ghim vào, người bị đứt cánh tay... Vì thế, “bệnh viện” trên tàu phải được trang bị đầy đủ.

Nhiều năm chèo lái con tàu Sar 411 vượt mọi dông bão cứu người, thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng được đặt biệt danh “sói biển”.

Nhiều năm chèo lái con tàu Sar 411 vượt mọi dông bão cứu người, thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng được đặt biệt danh “sói biển”.

Gần 2 thập kỷ gắn bó với tàu SAR 411, bác sĩ Minh không nhớ nổi mình và đồng nghiệp đã cứu sống được bao nhiêu người. Hành nghề bác sĩ trên tàu, ngoài việc phải làm quen với sóng to gió lớn, vị bác sĩ này còn phải có những “thủ thuật” riêng để sơ cứu nạn nhân trong điều kiện tàu rung lắc mạnh.

Không phải lúc nào cũng lênh đênh trên biển nhưng đã dấn thân vào nghề này thì anh và đồng nghiệp luôn phải trong trạng thái “trực chiến” mọi lúc mọi nơi. Chuyện đang đưa con đi chơi, đi học hay đang cùng gia đình ăn cơm, đi du lịch, bỗng phải “quay xe” lên đường gấp đã không còn xa lạ với anh và những người thân. Nhận tin báo nạn là khẩn cấp lên đường. Tàu phóng hết tốc lực, chồm lên những ngọn sóng dữ, chỉ mong mau chóng tìm được tàu bị nạn, sớm phút nào tốt phút ấy. Tất cả các thành viên trên tàu Sar 411 đều hiểu rằng họ chỉ cần đến muộn vài phút thôi, có khi nạn nhân sẽ “muộn” cả đời.

Không chỉ cứu người bị nạn, mà bác sĩ Lê Văn Minh còn đảm nhận trách nhiệm huấn luyện thường xuyên cho các thuyền viên. Thực tế trên tàu không có y bác sĩ hỗ trợ nên đội ngũ thủy thủ, sĩ quan phải được đào tạo, huấn luyện về sơ cấp cứu, băng bó vết thương, cố định xương gãy và vận chuyển nạn nhân... để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao. Có những trường hợp có nhiều nạn nhân, do đó phải đông người mới có thể cứu hộ, cứu nạn thành công.

Hàng tháng, bác sĩ Minh đều tham vấn với Phòng phối hợp tìm kiếm cứu nạn lên các chương trình huấn luyện công tác sơ cấp cứu, kiểm tra kỹ năng của các thuyền viên qua các hội thi. “Phải đào tạo họ thành thục mới có thể trợ giúp cho mình, để bác sĩ làm công tác chuyên môn sâu hơn trong thuốc men, cấp cứu”, bác sĩ Minh tâm sự.

Nhiều người vì không chịu được gian khổ, hiểm nguy và thu nhập hạn chế nên đã bỏ Sar để mưu sinh trên các tàu hàng hải quốc tế. Nhưng vẫn còn đó thuyền trưởng Dũng, bác sĩ Minh và nhiều người khác chưa từng có ý định dời bỏ Sar. Họ luôn muốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu người. Mỗi nạn nhân được cứu sống chính là niềm vui, là động lực để họ gắn bó với Sar 411.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.