Làng Trớ rồi sẽ khác…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vững tin về ngày mai tươi sáng hơn, 115 hộ dân ở làng Trớ (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) đã tự nguyện di dời nhà cửa để sắp xếp lại làng. Chung tay giúp dân làng Trớ có 73 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Thông tin 29 (Bộ Tham mưu, Quân đoàn 3).
Việc di dời, sắp xếp lại dân cư 4 làng đồn: Hek, Pông, Trớ, Pêng của xã Chư A Thai được thực hiện theo chỉ đạo của đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và theo đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng này của huyện Phú Thiện. Trước làng Trớ, huyện Phú Thiện đã hoàn thành việc di dời nhà cửa và sắp xếp lại dân cư 2 làng Pông và Hek. 
Nhộn nhịp dời làng
Theo những người dân ở xã Chư A Thai, trước đây, làng Trớ cũ đóng trên một ngọn núi cao trong khu vực hồ thủy lợi Ayun Hạ. Năm 1990, khi công trình hồ thủy lợi Ayun Hạ được khởi công, làng này được di dời về một bãi đất bằng phẳng dưới chân núi Chư Hoai của xã Chư A Thai. Từ đó đến nay, dân làng Trớ lấy con đường giao thông liên xã ngang qua chia làng ra 2 nửa làm trung tâm rồi dựng nhà để ở. 
Dù chia làm 2 khu vực nhưng với tập quán lâu đời là sống dựa vào nhau, 101 ngôi nhà của 115 hộ dân Bahnar, Jrai và Kinh ở làng Trớ vẫn dựng san sát nhau, mỗi sào đất có thể có đến 2-3 ngôi nhà. Nhiều hộ không có đất, anh em thân hữu thương tình cho mượn một khoảnh để dựng nhà. Gia đình ông Kpă Puch (SN 1971) là một ví dụ. Hơn 22 năm ở làng thì chừng ấy năm gia đình ông Puch làm nhà trên đất mà người họ hàng tên Đinh Y cho mượn. Hai ngôi nhà dựng cách nhau chỉ vài bước chân. Đa phần nhà ở của dân làng Trớ là nhà sàn, dưới gầm nhà là nơi nuôi nhốt gia súc và gia cầm. Khái niệm nhà vệ sinh, nhà tắm dường như chưa hiện hữu nơi đây. Gia súc, gia cầm thả rông khắp làng. Nền đất vương vãi đầy chất thải của chúng và bốc mùi hôi thối.
Những chiến sĩ trẻ giúp dân dời nhà. Ảnh: N.S
Những chiến sĩ trẻ giúp dân dời nhà. Ảnh: N.S
Theo thống kê của UBND xã Chư A Thai, làng Trớ hiện có 115 hộ nhưng có đến 47 hộ nghèo, chủ yếu là người Bahnar và Jrai; 14 hộ muốn tách hộ nhưng không có đất ở nên phải sống chung trong những ngôi nhà sàn chật hẹp. Ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai-cho biết: Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm và giúp người dân 4 làng đồn vươn lên thoát nghèo trên quê hương mình, từ năm 2017, tỉnh và huyện có chủ trương di dời, sắp xếp lại dân cư. Sau khi hoàn thành việc di dời, sắp xếp lại 2 làng Pông và Hek, huyện bắt đầu triển khai việc di dời, sắp xếp lại làng Trớ. Theo đó, làng Trớ được quy hoạch trên diện tích 15 ha và chia làm 7 khu dân cư với 141 lô, mỗi lô có diện tích 600 m2. Các hộ không có đất ở sẽ được cấp mới. Số nhà dân sẽ phải di dời là 103 hộ, lấy đường giao thông liên xã Chư A Thai qua làng là trục kết nối chính. Bên cạnh đó, người dân còn được hỗ trợ tôn làm nhà vệ sinh và lưới B40 làm hàng rào; được hỗ trợ cây cối; hướng dẫn làm vườn rau sạch...
Trước chủ trương đậm tính nhân văn, dân làng Trớ đã đồng ý di dời nhà cửa và sắp xếp lại dân cư làng. Ông Đinh Dung-Bí thư chi bộ làng Trớ-cho hay: “Thấy mấy làng khác được quy hoạch lại đẹp hơn, dân làng mình cũng muốn được như vậy. Có 27.783 m2 đất được các hộ hiến để làm đường giao thông. Già làng Đinh Theh hiến nhiều đất nhất với hơn 3.000 m2. Gia đình tôi đồng ý giao lại 600 m2 đất vườn cho hộ khác và nhận một lô ở nơi ở mới”.
Làng Trớ giờ đây như một đại công trường. Những chiếc xe ủi san ủi đất làm đường giao thông và mặt bằng mới để di dời nhà. Dân làng Trớ chia thành nhiều nhóm. Một nhóm đàn ông chung vai dời những ngôi nhà sang nơi ở mới theo quy hoạch. Một nhóm khác khiêng cọc trụ bê tông, lưới B40 trên xe tải xuống. Phụ nữ phụ trách việc nấu nướng thức ăn, nước uống… Trên khuôn mặt họ ánh lên niềm vui và tự hào. Tiếng cười nói vang vọng một vùng. “Mấy hôm nay, nhà mình vui lắm. Cả tuần nay, 2 cha con mình cùng làm công việc di dời nhà cửa với dân làng nhưng không hề thấy mệt”-ông Kpă Puch phấn khởi.
Một tuần sau khi thực hiện việc di dời nhà cửa, làng Trớ đã mang những dấu ấn nhất định. Các con đường được san ủi tạo ra những khu đất vuông vức. Những ngôi nhà được di dời quay mặt ra hướng đường giao thông và tạo thành một hàng thẳng tắp. 
Thắm tình quân dân

 Quân và dân chung sức di dời nhà sang nơi ở mới. Ảnh: N.T
Quân và dân chung sức di dời nhà sang nơi ở mới. Ảnh: N.T
Làng Trớ mùa này nắng như đổ lửa. Gió ràn rạt thổi phả hơi nóng rát da. Từ những chỗ vừa được san ủi để di dời nhà cửa, bụi đất bay mù trời. Những ngôi nhà sàn bắt đầu rời chỗ cũ “đi” đến nơi mới. Để một ngôi nhà đến đích mới phải có hàng trăm con người chung tay di dời, trong đó có những người lính trẻ. Theo Đại úy Lê Tiến Vui-Phó Đại đội trưởng Đại đội 2 (Tiểu đoàn Thông tin 29), trong đợt này có 73 cán bộ, chiến sĩ xuống giúp dân làng Trớ di dời nhà cửa, sắp xếp lại dân cư theo quy hoạch của huyện; hướng dẫn người dân làm vườn rau xanh.
Một góc làng Hek sau khi di dời sắp xếp. Ảnh: N.T
Một góc làng Hek sau khi di dời sắp xếp. Ảnh: N.T
Nắng nóng khiến khuôn mặt của những người lính trẻ đỏ gay và nhễ nhại mồ hôi. Dù vậy, họ vẫn cần mẫn với phần việc của mình. Một tốp chiến sĩ cùng dân làng Trớ khiêng nhà. Họ dùng dây buộc những thanh gỗ vào cột nhà để cố định chắc chắn. Sau tiếng hô của người chỉ huy, mọi người dùng sức khiêng ngôi nhà đến nơi cần đặt. Một tốp khác khiêng cọc bê tông làm trụ rào. Nhiều việc nặng khiến đôi tay của lính trẻ chai sạn, có cả những bàn tay bị rướm máu nhưng họ vẫn tươi cười làm việc. “Chúng tôi sẽ ở đây 22 ngày để giúp dân làng Trớ dời nhà. Công việc ở đây rất nặng nhưng thấy bà con phấn khởi nên chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh”-chiến sĩ Jô Sia Ê Ban (Đại đội 2) hồ hởi.
Hai dãy phòng học giữa làng Trớ được chọn là điểm để 73 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Thông tin 29 nghỉ tạm trong lần xuống giúp dân này. Ở khu đất sau hai dãy phòng học là một vườn rau xanh. Chiến sĩ Y Nớt Niê (Đại đội 2) chia sẻ: “Đây là vườn rau mẫu. Hôm mới xuống, anh em chiến sĩ chặt tre, che bạt xung quanh rồi cuốc đất trồng rau. Sáng sớm và chiều tối, anh em thay nhau tưới nước. Hy vọng sau này người dân làng Trớ sẽ làm theo để có rau xanh ăn hàng ngày”.
Tin rằng với sự chung tay, đồng lòng của các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Thông tin 29 cùng người dân, làng Trớ rồi sẽ đổi thay mạnh mẽ.
 NGUYỄN TÚ-NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.