(GLO)- Thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, người dân làng Hợp (thị trấn Kbang, Gia Lai) đã có nhiều thay đổi tích cực từ trong cuộc sống hàng ngày đến phương thức sản xuất để vươn lên thoát nghèo.
Là một trong 6 làng đồng bào dân tộc thiểu số của thị trấn Kbang, làng Hợp có 52 hộ dân. Đất sản xuất ít lại bạc màu, cằn cỗi và chủ yếu là đồi dốc, việc canh tác trước đây thường phó mặc cho tự nhiên nên thu nhập của dân làng khá bấp bênh. Tuy nhiên, từ khi cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” được triển khai, sự vào cuộc tích cực của chi bộ, Ban Nhân dân, Mặt trận và các đoàn thể đã giúp người dân từng bước đổi thay nếp nghĩ, cách làm. Đến nay, tất cả việc làm ăn của bà con đều có sự tính toán, đầu tư bài bản.
Nhờ chịu khó chuyển đổi cây trồng, cuối năm 2018, gia đình chị Đinh Thị Khiên đã vươn lên thoát nghèo. Hiện vợ chồng chị đã xây dựng được căn nhà sàn khang trang; sắm sửa thêm các tiện nghi như: ti vi, tủ lạnh... Chị Khiên vui vẻ nói: “Vợ chồng còn trẻ, lại có 3 ha đất sản xuất mà nghèo thì xấu hổ lắm nên mình phải cố gắng. Vậy nên vợ chồng mình quyết định vay vốn ngân hàng cải tạo 1 ha đất ở khu vực bằng phẳng để trồng cà phê. 2 ha đất dốc còn lại, mình trồng mì, đậu để có thêm thu nhập trước mắt. Nhờ đó, thu nhập của gia đình đã ổn định, vườn cà phê cũng phát triển xanh tốt”.
Đường vào làng Hợp (thị trấn Kbang) đã được nhựa hóa. Ảnh: L.N |
Những ngày này, làng Hợp khá vắng vẻ do hầu hết người dân đều lên rẫy thu hoạch đậu và chăm sóc cà phê. Ông Đinh Nghéo-Bí thư chi bộ làng Hợp-cho hay: Nhờ chi bộ và Ban Nhân dân thôn tích cực tuyên truyền, vận động nên nhận thức của bà con đã có nhiều thay đổi, không còn cam chịu đói nghèo. Cụ thể, hàng tháng, chi bộ đều chỉ đạo Ban Nhân dân thôn và các đoàn thể tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân từ cách chi tiêu trong gia đình sao cho hợp lý đến tích lũy tiền để đầu tư sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, bà con cũng chịu khó học hỏi thêm các hộ người Kinh ở những tổ dân phố xung quanh về cách trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Hiện cả làng có khoảng 70% hộ vay vốn ngân hàng để mua bò về nuôi, cải tạo vườn tạp, trồng cà phê, điều.
Thời gian qua, người dân làng Hợp đã chuyển đổi sang trồng được khoảng 10 ha điều, hơn 12 ha cà phê. Đặc biệt, người dân đã tận dụng toàn bộ suối cạn Hla để làm lúa nước. Đối với việc chăn nuôi gia súc, người dân cũng đã làm chuồng trại, không thả rông. Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đời sống của người dân làng Hợp đã không ngừng được cải thiện và nâng cao. Từ chỗ có tới hơn 50% hộ nghèo, đến nay, làng chỉ còn 6 hộ nghèo, số hộ khá chiếm 20%. Năm 2018, cả làng có 12 hộ làm nhà mới trị giá 150-300 triệu đồng/căn. Hầu hết các hộ trong làng hiện đều có nhà ở kiên cố, khang trang, có nhà vệ sinh đạt chuẩn.
“Người dân làng Hợp hôm nay không chỉ thay đổi về cách sản xuất mà cả trong cách ăn, ở, chi tiêu, mua sắm hàng ngày. Bà con đang quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 đưa làng Hợp trở thành làng nông thôn mới”-Bí thư chi bộ làng Hợp cho hay.
LÊ NAM