'Làng giữ rừng' ở thủ đô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở xã Cẩm Lĩnh, H.Ba Vì (TP.Hà Nội) có một 'ngôi làng' đặc biệt được ví là 'Làng giữ rừng', với 19 hộ gia đình là thanh niên xung phong năm xưa đã tình nguyện đi trồng rừng và ở lại giữ rừng cho đến hôm nay.
  • Huyền thoại ở làng

Chúng tôi đến thăm "ngôi làng" đặc biệt này dịp đầu năm và được chứng kiến những câu chuyện như trong huyền thoại của những người đã tình nguyện trồng và bảo vệ rừng, giữ "lá phổi xanh" cho thủ đô hơn 30 năm qua. Dọc hai bên đường đi là những cánh rừng bạt ngàn, xanh mát, có những cây tuổi đời hơn 30 năm. Núp dưới những tán rừng xanh là những ngôi nhà nhỏ nằm thanh bình trong không gian yên tĩnh, chỉ nghe thấy tiếng chim hót, thông reo. Ít ai biết rằng hơn 30 năm trước, nơi này chỉ là vùng đồi gò hoang vu "chó ăn đá, gà ăn sỏi".

Các thành viên của Làng TNXP đi thăm rừng

Các thành viên của Làng TNXP đi thăm rừng

Kể về "sự tích" ngôi làng này, ông Trần Văn Tré, Trưởng ban liên lạc Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP) xây dựng kinh tế thủ đô, cho biết: "Năm 1985, Xí nghiệp trồng rừng thanh niên Hà Nội (Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế thủ đô) thành lập, gồm hơn 400 TNXP đi trồng rừng. Trong 5 năm, xí nghiệp có nhiệm vụ phủ xanh 2.000 ha đất trống, đồi núi trọc ở vùng đệm của Vườn quốc gia Ba Vì hiện nay. Khi rừng được phủ xanh, nhiều bạn trẻ sống và làm việc cùng nhau đã nên duyên vợ chồng. Họ tình nguyện ở lại gắn bó với mảnh đất nơi họ góp nhiều công sức. Lãnh đạo xí nghiệp đã tạo điều kiện ủng hộ để xây dựng "Làng TNXP" tại xã Cẩm Lĩnh, để các gia đình trẻ được giao đất, giao rừng, phát triển kinh tế và tiếp tục gắn bó với mảnh đất đã trở thành một phần của cuộc đời họ".

Một trong những gia đình tiên phong ở lại bảo vệ rừng là vợ chồng ông Nguyễn Văn Tấn và bà Đinh Thị Lan Phương (cùng 62 tuổi). Mối tình và hành trình giữ rừng của họ đã trở thành huyền thoại ở ngôi làng này. Vốn là trai thủ đô, gia đình lại là thương nhân giàu có ở Q.Đống Đa, nhưng ông vẫn tình nguyện ở lại nơi trước đây là "khỉ ho cò gáy" này để trồng và bảo vệ rừng. Vào tháng 8.1986, tốt nghiệp về quản lý kinh tế, ông Tấn đã tham gia Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế thủ đô và làm cán bộ chủ chốt tại Xí nghiệp trồng rừng thanh niên Hà Nội. Rồi ông gặp cô gái Đinh Thị Lan Phương, dân tộc Mường, là cô nuôi dạy trẻ cũng xung phong đi trồng rừng và họ nên duyên năm 1988.

"Khi ấy, gia đình tôi ai cũng phản đối vì cuộc sống ở đây rất khó khăn, không có điện, không có nước, không có nhà cửa... Bố mẹ tôi còn từ mặt con để thuyết phục tôi về. Thấy em sống vất vả trên rừng, anh trai tôi khi đến thăm đã bảo: "Về nhà, anh mua cho cái nhà to mặt đường Tôn Đức Thắng (Q.Đống Đa, TP.Hà Nội - PV)". Thế nhưng tôi vẫn quyết tâm ở lại để trồng và bảo vệ rừng", ông Tấn nhớ lại.

Nhà ông Tấn hiện chỉ là căn nhà cấp 4 đơn sơ nhưng thanh bình với hoa lá xung quanh. Chỉ cần bước chân ra cửa, phóng tầm mắt là thấy bạt ngàn rừng xanh. Gia đình ông đang quản lý hơn 10 ha rừng, có những cây quý đã hơn 20 năm tuổi.

Nằm đêm ở nghĩa trang để giữ rừng

Để có được những cánh rừng như ngày hôm nay, ông Tấn cho biết: "Năm 1989, 19 hộ gia đình TNXP ở đây được giao trồng, quản lý và bảo vệ diện tích hơn 200 ha đất rừng tại địa bàn giáp ranh 3 xã: Cẩm Lĩnh, Ba Trại, Sơn Đà (H.Ba Vì). Mỗi hộ quản lý từ 7 - 10 ha rừng, nhưng hầu như không còn rừng, mà chỉ là đất trống đồi núi trọc vì dân phá hết rồi".

Từ đó, các gia đình TNXP đã gian nan phủ xanh lại khu vực này. Năm 1992, khi Lâm trường thanh niên Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ, diện tích đất rừng ở đây được bàn giao về cho Viện Khoa học lâm nghiệp VN trồng rừng thực nghiệm và nghiên cứu giống cây lâm nghiệp. Vậy là 19 hộ TNXP lại vừa thực hiện nhiệm vụ trồng cây rừng thực nghiệm, vừa bảo vệ rừng cho đến hôm nay.

Ông Nguyễn Văn Tấn kể chuyện bảo vệ rừng trong cánh rừng của một hộ dân trong làng

Ông Nguyễn Văn Tấn kể chuyện bảo vệ rừng trong cánh rừng của một hộ dân trong làng

Bà Hoàng Thị Luyến (51 tuổi), một trong những thành viên trẻ nhất làng, nhớ lại: 17 tuổi, bà đã xung phong đi trồng rừng, hành trang mang theo chỉ là 1 cái cuốc, 10 kg gạo. "Đang ở đồng bằng, lên đây mở mắt ra toàn đồi núi xung quanh, hoảng quá. Khi vác cuốc lên đồi thì toàn thấy con vắt thôi, nhiều vô kể. Thế là tôi cứ ngồi khóc, buồn lắm. Ngày ngày vác cuốc lên đồi, nắm cơm mang theo, trưa ngủ trên cây, làm xong đến tối mới về", bà Luyến kể.

Bà Nguyễn Thị Thắm (56 tuổi) cũng cho biết khi ấy rừng núi hoang vu, chỗ ăn, chỗ ở toàn vách nứa, nhà gianh, ngủ bằng tấm ván ghép vào nhau… "Chúng tôi phải gánh cây khoảng 35 kg, từ mặt đất lên cao 700 m, chai hết vai. Hôm nào gặp lũ suối, ngồi từ sáng đến chiều không về được", bà Thắm nhớ lại.

Việc trồng rừng đã khó khăn, giữ rừng còn gian nan hơn. Ông Tấn cho biết: "Trước đây đời sống người dân khó khăn, không có gì ăn, dân buộc phải phá rừng. Ban đêm, dân đi cưa trộm cây, gánh trộm cả phân chúng tôi bón ở gốc cây. Càng mưa, càng rét thì chúng tôi càng phải bò ra canh rừng vì người dân hay lợi dụng lúc đấy để chặt phá. Bản thân tôi và một thành viên trong làng là thương binh, những năm trước thay phiên nhau nằm đêm ở nghĩa trang để giữ rừng. Nhiều hôm, bà Phương nhà tôi bảo, sấm chớp, mưa gió thế ông đi làm gì, nhưng tôi cứ đi, một mình với con chó…".

Ông Tấn bồi hồi nhớ lại, hơn 30 năm giữ rừng, đã không biết bao nhiêu vụ xô xát xảy ra, thành viên của làng đã bị đánh chảy máu đầu khi bảo vệ rừng. "Khi chúng tôi nhận bảo vệ rừng, người dân không thể chặt phá bừa bãi nên nguồn sống cũng bị thu hẹp. Vì thế mà khi bị ngăn chặn họ tấn công lại. Có những hộ dân nuôi thả trâu bò giẫm nát vào những rừng non vừa ươm trồng… Chúng tôi phải rất khéo léo mới giữ được rừng", ông Tấn hồi tưởng.

Các TNXP năm xưa ở làng luôn gắn bó với nhau và có một tình yêu đặc biệt với rừng

Các TNXP năm xưa ở làng luôn gắn bó với nhau và có một tình yêu đặc biệt với rừng

"Cuộc sống thế là đủ"

Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh rừng xanh mướt, bạt ngàn được những thành viên trong làng trồng và bảo vệ, ông Tấn cho hay từ khi nhận bàn giao đến nay, diện tích rừng trồng ở đây đã được phủ xanh gấp 50 lần so với trước. "Lúc nhận bàn giao, độ che phủ của rừng chỉ đạt 10% thôi, nhưng nay khu vực ít nhất cũng đạt tối thiểu 43% rồi, có nơi đạt được 70 - 80%. Đặc biệt, diện tích vườn rừng từ ban đầu giao cho 19 gia đình như thế nào, đến nay vẫn nguyên vẹn, không hề mất mát, mặc dù những năm gần đây việc bảo vệ xâm lấn đất đai rất vất vả", ông Tấn tự hào nói.

Nếu không có sự đoàn kết gắn bó thì không vượt qua nổi khó khăn. Càng khổ chúng tôi càng thương nhau. Nhớ lời căn dặn của Bác Hồ: "Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý", chúng tôi đều coi rừng như máu thịt. Rừng phải gắn bó với người, còn khỏe chúng tôi tiếp tục trồng rừng.

Hỏi về lý do vì sao khó khăn gian khổ như vậy, nhưng những TNXP vẫn bám trụ nơi này, các thành viên trong làng đều cho biết do họ có một tình yêu với rừng và đặc biệt là sự gắn kết giữa những thành viên trong làng. "Nếu không có sự đoàn kết gắn bó thì không vượt qua nổi khó khăn. Càng khổ chúng tôi càng thương nhau. Nhớ lời căn dặn của Bác Hồ: "Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý", chúng tôi đều coi rừng như máu thịt. Rừng phải gắn bó với người, còn khỏe chúng tôi tiếp tục trồng rừng", bà Phương thổ lộ.

Còn ông Tấn thì cười khà khà: "Nếu kết thúc nhiệm vụ năm 1993, tôi về phố kinh doanh thì giờ giàu có lắm rồi. So với bạn bè thì tôi kém xa. Bạn bè tôi giờ có người có hàng trăm tỉ, còn lương hưu của tôi chỉ có hơn 10 triệu đồng, nhưng tôi có cả đại ngàn rừng, cuộc sống thế là đủ!".

Chia tay chúng tôi, ông Tré tự hào nói: "Ba Vì là lá phổi xanh của thủ đô; là điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của Hà Nội. Có được cảnh quan như bây giờ, là nhờ những đóng góp không nhỏ của các TNXP thủ đô năm xưa nói chung và thành viên của "làng giữ rừng" nói riêng".

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.