Làng chiến tranh thành nơi du lịch toàn cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) từng hứng chịu bao mưa bom, bão đạn trong chiến tranh. Đây cũng là nơi nghỉ lại của những đoàn quân trước lúc vào miền Nam chiến đấu. Ngày nay Cự Nẫm đã vươn mình trở thành ngôi làng điểm đến của du khách toàn cầu.  

Binh trạm khổng lồ

Những năm tháng chiến tranh, người dân Cự Nẫm đã dành nhà cho bộ đội Nam tiến, ăn ở, nghỉ ngơi. Cuộc sống tuy nghèo khó, thiếu trước hụt sau, nhưng hễ gia đình nào có khoai sắn, đặc sản quê nhà đều nghĩ đến bộ đội đầu tiên.

 

Du khách nước ngoài cưỡi trâu ra đồng ở Cự Nẫm.
Du khách nước ngoài cưỡi trâu ra đồng ở Cự Nẫm.

Ông Mai Văn Giá đã qua tuổi 100 vẫn còn minh mẫn, kể: “Cả làng đồng lòng đồng sức, áo quần vá chằng vá đụp, cuộc sống cơ khổ nhưng đều nhường cho bộ đội chỗ nằm, nơi ngồi ấm áp, có bát canh ngon, con cá ngon cũng nghĩ ngay đến bộ đội. Vì quân với dân như cá với nước”.

Hồi ức về quá khứ chiến tranh được ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm, tâm sự: “Đó là những năm tháng hào hùng, cả làng trở thành một binh trạm khổng lồ tiếp đón bộ đội vào, rồi tiễn bộ đội đi. Các trạm giao liên mọc lên khắp làng. Cự Nẫm không chỉ đón, đưa bộ đội vào Nam đánh trận, mà còn là nơi dưỡng thương của các thương bệnh binh trên đường ra miền Bắc”.

Ông Mai Văn Giá còn nhớ: “Người Cự Nẫm ban ngày lao động cật lực, ban đêm nam thanh nữ tú tập trung bốc vác lương thực, khuân khiêng đạn dược, phục vụ 6 sư đoàn đi qua đây. Dân giúp bộ đội vô điều kiện cho mục tiêu “vì miền Nam ruột thịt”. Mỗi người làm việc đến 2 giờ sáng mới về nhà ngủ, rồi sáng sớm ra đồng”.

Ông Giá còn nhớ như in: “Khoảng năm 1971, có anh bộ đội bị thương nặng được đưa từ miền Nam ra, mỗi lần lên cơn là đập phá trạm y tế, hay bỏ vào rừng. Một hôm anh lên cơn nặng, vùng chạy, hét lớn “xung phong, xung phong” rồi khuất vào rừng sâu. Xã cử dân quân đi tìm cả ngày trời mới thấy. Một người mẹ nói, ở trạm y tế ám ảnh do có đông thương binh, thôi đưa về nhà mẹ để mẹ chăm, trạm quân y đưa anh về, bệnh tình thuyên giảm, không còn lên cơn. Ngày về quê miền Bắc, anh ôm chầm người mẹ trong nước mắt”.

Những người có tuổi trong làng vẫn còn ký ức về làng mình trở thành binh trạm khổng lồ và mỗi người dân là một giao liên tự nguyện, giúp đỡ bộ đội hết mình. Như mẹ Lê Thị Ngạn, ngày ngày chặt hàng chục gánh lá ngụy trang pháo, làm mái che nắng cho tiểu đoàn pháo binh 19. Mẹ Phan Thị Luyến, mỗi ngày giặt áo quần cho các trung đội. Mẹ Nguyễn Thị Xê, nấu nướng chăm sóc cho cả đại đội 3…

Đưa du khách về nơi hẻo lánh

Cự Nẫm không có lợi thế di sản hay bất cứ tài nguyên hùng vĩ nào, cũng không kề sát biển, những cánh rừng hình bát úp bị bom đạn cày xới thành rừng trọc, cố công lắm cũng đã phủ xanh lại sau mấy chục năm. Nhưng cảnh làng thì yên bình thanh sắc, mỗi buổi sáng sương phủ mờ đẹp như tranh vẽ, đã làm phải lòng bao du khách quốc tế. Họ đến đây không chỉ khám phá Cự Nẫm xưa của chiến tranh, mà còn cùng bà con bản địa làm nông, chăn trâu, trồng tiêu, cắt cỏ, thu hoạch mùa màng như một nông dân thực thụ.

Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm, ông Nguyễn Thanh Hùng nói: “Cự Nẫm và những vùng lân cận có hàng chục hộ dân đầu tư mở khách sạn, nhà hàng và homestay phục vụ khách du lịch quốc tế. Điển hình nhất là cơ sở lui tới của du khách nước ngoài thuộc farmstay của vợ chồng anh Ben, chị Bích”.

Ben là tên thân mật mà người Cự Nẫm gọi anh Benjamin Joseph Mitchell. Ben là kỹ sư xây dựng đến từ nước Úc, còn chị Lê Thị Bích là người Cự Nẫm. Họ gặp nhau khi Ben làm giám sát công trường cho ông chủ Canada tại Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Bích lúc đó là một hướng dẫn viên du lịch ở Đà Nẵng. Năm 2008 họ kết hôn, Ben về quê vợ, thấy cảnh làng đẹp đến mức anh thốt lên, chưa bao giờ được trải nghiệm trong đời. Ben quyết định động viên vợ bỏ thành đô về Cự Nẫm khởi nghiệp.

Chị Lê Thị Bích tâm sự: “Lúc đầu họ hàng mắng, người ta muốn thoát ly không được, bay lại rước cực khổ vào thân. Cự Nẫm xa biển, không nằm cận kề di sản Phong Nha để hưởng lợi thế tiềm năng. Nhưng Ben nhận ra Cự Nẫm có ruộng đồng nằm trong thung lũng mộng mơ, không khí yên tĩnh, người dân chất phác, đó là lợi thế để giới thiệu đến với du khách quốc tế. Những chuyện bắt cá, hái rau, trồng lúa, làm ngô, hái tiêu… với Ben, đó là điều khác lạ. Anh quyết định đi lên bằng những hình ảnh đó”.

Bích và Ben đã kể các câu chuyện về Cự Nẫm trên các trang mạng xã hội: “Ban đầu là bạn bè của Ben, sau đó là du khách và cộng đồng du lịch toàn cầu biết đến địa danh Cự Nẫm, một nơi chưa bao giờ có ở các điểm đến của du khách thập phương, nó nằm ngoài các sách hướng dẫn, khiến du khách tò mò và họ đã gặt hái thành công”, ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết.

Ben nói thêm: “Cự Nẫm như một nơi nào đó cổ tích mà trong đời tôi cảm thấy cần khám phá và ở lại”. Chính vì vậy, Ben đã đưa em út của mình bên Úc sang, cùng làm ăn và thành công.

Giúp “lâm tặc” hoàn lương

Ngoài việc làm du lịch, lấy chất nông dân để hút khách, vợ chồng anh Ben còn nghĩ đến việc giúp đỡ những người dân trong vùng Cự Nẫm thoát nghèo. Đầu tiên là vợ chồng “lâm tặc” Trần Văn Quý, Nguyễn Thị Nhất. Vốn chỉ biết phụ thuộc vào rừng núi, khai thác lâm sản trái phép, từ năm 2010, được vợ chồng anh Ben động viên, Quý và Nhất đã bỏ nghề đi rừng, ở lại làng làm du lịch. Họ đã mở cơ sở nghỉ dưỡng sinh thái tại gia bên một quả đồi nhỏ xinh xắn.

Ban đầu Quý cùng vợ phục vụ những món ăn bản địa, thức uống nhà làm, ai muốn ở lại thì kê thêm chiếc giường, mùa hè ngủ ngoài trời, mùa đông thêm bếp than hồng.

Chị Nhất nói: “Nhờ anh Ben - chị Bích, món đậu phụng quê nhà, gà nướng Cự Nẫm, rau sạch… cùng bia ướp lạnh ven sông được du khách đón nhận nồng nhiệt”.

Mọi thứ đơn giản nhất có thể, nhưng khách du lịch đến từ Anh, Úc, Pháp, Mỹ, Canada… ngày càng đông. “Với khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài, thái độ phục vụ phải thật chu đáo và niềm nở. Khi họ đến với cơ sở của mình, mình phải luôn vui vẻ, hòa đồng, thân thiện. Giá cả cứ tính bình dân thôi. Sau khi họ trở về, những cảm nhận tích cực của họ viết trên blog, facebook nên bạn bè của họ nếu có đi du lịch tại Quảng Bình đều ghé cơ sở của chúng tôi”, chị Nhất bật mí bí quyết.

Viết trên tờ The Guardian của Anh, tác giả Alison quả quyết, món gà nướng Cự Nẫm thật ấn tượng: “Thích đến chết với món ăn tuyệt vời này. Gà nướng bên cạnh ly bia lạnh là tuyệt nhất trần đời”. Khi đến Quảng Bình du lịch, Alison đã chọn cơ sở của vợ chồng anh Quý để dùng bữa. Alison đã đặt hàng loạt câu hỏi về nguồn gốc món ăn trước khi dùng. Để chứng minh mọi thứ là sạch và được làm thủ công, vợ chồng anh Quý đã dẫn cô du khách “tò mò” Alison vào tận vườn, tự tay bắt một con gà, hướng dẫn cô cách làm gà nướng Cự Nẫm. Sau khoảng 45 phút, món ăn lên mâm với cơm trắng, rau muống xào, đồ chấm, bia lạnh làm cho cô “thích đến chết”.

Ngày nay, ở Cự Nẫm không chỉ có vợ chồng Quý - Nhất, mà cả làng đã cùng làm du lịch, phục vụ du khách khắp nơi trên thế giới đổ về. Ngày trước Cự Nẫm hẻo lánh và nghèo lắm, nhưng nay Cự Nẫm đã là một “thương hiệu” trên bản đồ du lịch toàn cầu.

Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, khi nói về mảnh đất này đã thốt lên: “Cự Nẫm có truyền thống đặc sắc, quá khứ lịch sử hào hùng, con người thân thiện, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Những điều giản dị ấy đã làm nên thương hiệu du lịch cộng đồng ở Cự Nâm với du khách quốc tế, khiến du khách tìm đến trải nghiệm ngày càng đông hơn”.

Minh Phong/sggp

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.