Những tiếng đọc, câu đố về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ được các em học sinh trao đổi rôm rả. Thấy học sinh đến, một số người dân sinh sống gần đó cũng ra Không gian văn hóa Hồ Chí Minh để cùng các em tìm hiểu thêm thông tin về Bác Hồ... Hình ảnh trên cho thấy sức sống của một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh giữa cộng đồng khu dân cư thật nhiều màu sắc.
Sau một năm thực hiện Chương trình hành động 44 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM và gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Thành ủy TPHCM đánh giá, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã từng bước xây dựng, phát huy và nhân rộng các giải pháp, mô hình, công trình về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với ý nghĩa thiết thực và hiệu quả, phù hợp với đặc thù và điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị.
Đến nay, toàn thành phố đã có 4.580 mô hình, giải pháp Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Các không gian này được xây dựng và hiện diện ở mọi ngóc ngách trong đời sống xã hội, từ các cơ quan, công sở, cơ sở tôn giáo, trường học, doanh nghiệp và về đến các khu dân cư, thậm chí vào đến từng nhà dân. Ngoài không gian vật thể, trên không gian mạng, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phi vật thể cũng ngày càng lan tỏa, như những thước phim, sân khấu hóa, kịch hoặc những bài hát, điệu múa... Ở một số địa phương như quận 7, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh còn có thêm tiếng Anh, tiếng Hàn để người nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn dễ dàng tiếp cận được các thông tin về Bác Hồ.
Tính đến năm 2024, Việt Nam có khoảng 78,4 triệu người dùng Internet. Số người dùng mạng xã hội lên đến 72,7 triệu người, tương đương hơn 73% dân số (đứng thứ 7 thế giới). Trong khi đó, thống kê gần đây của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho thấy, mỗi ngày có khoảng 1.500 bài đăng liên quan đến TPHCM trên mạng xã hội Facebook, YouTube và khoảng 800 bài đăng, bình luận trên các diễn đàn. Đây là không gian rộng lớn để chúng ta thỏa sức truyền tải đi những thông điệp tích cực. Để góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với người dân trong và ngoài nước, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng với những hình thức phù hợp, dễ tiếp cận là điều rất cần thiết.
Ra mắt Không gian văn hóa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đà Nẵng
6,7 tỷ đồng đầu tư Phòng trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên mạng xã hội là điều tất yếu trong xu hướng thông tin hiện nay. Song, muốn không gian này “sống” và lan tỏa thì thông tin thuộc Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng phải được xây dựng với mục tiêu tiếp cận đến các nhóm đối tượng cụ thể, dựa trên độ tuổi và sở thích. Chẳng hạn, có thể bắt đầu từ lớp trẻ, những người hoạt động tích cực, năng động nhất trên mạng xã hội. Ngoài tính hấp dẫn, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh còn phải đảm bảo được tính liên tục của thông tin về cả không gian, thời gian và những thông điệp đi cùng. Trong đó, nội dung phải chính xác, hấp dẫn và đặc biệt là cần đo lường, định lượng được những nội dung nào công chúng quan tâm.
Hiện TPHCM đang vận hành khá hiệu quả phần mềm Socialbeat - lắng nghe mạng xã hội, có thể coi đây là một trong các giải pháp để xác định nội dung công chúng quan tâm, vấn đề còn lại là việc chọn lọc thông tin để phát huy hiệu quả Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng.
TPHCM cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, việc tập hợp và liên thông dữ liệu là điều kiện thuận lợi để thành phố tối ưu hóa dữ liệu trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Nếu tận dụng thêm lợi thế của công nghệ, có thể nhận diện và gửi lời chào mừng đến với Không gian văn hóa Hồ Chí Minh khi truy cập vào các trang chính thống của hệ thống chính trị thành phố hoặc trở thành lời chào khi người nơi khác đặt chân đến địa phận thành phố thì chắc chắn Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.
Theo THU HƯỜNG (SGGPO)