Lan tỏa điều tốt đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Cuối tuần qua, ông Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, đã đến thăm và trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng anh Trung Văn Nam vì đã có hành động dũng cảm cứu bé gái gặp nạn khỏi đám cháy ở Hà Nội.

Anh Nam quê ở xã Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa; là hàng xóm của gia đình nạn nhân trong vụ cháy xảy ra lúc trưa 12-1 tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Anh Nam cùng một người nữa là ông Dương Ngọc Vũ đang sửa máy điều hòa ở gần nhà bị cháy, nghe tiếng kêu cứu liền vội vã lao sang và anh đã cứu được bé gái đang mắc kẹt trên tầng 3.

Trước đó, anh Nam đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen. Anh Nam và ông Vũ cũng được Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký quyết định khen thưởng thành tích đột xuất cho cá nhân có hành động dũng cảm chữa cháy, cứu người.

Cũng tại Thanh Hóa, trước đó, Tỉnh Đoàn đã trao bằng khen cho anh Lê Huy Sinh, tài xế taxi Mai Linh Thanh Hóa, vì có hành động dũng cảm cứu người. Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa cùng Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh cũng tặng giấy khen cho anh. Khi điều khiển taxi ở TP Thanh Hóa, thấy một cô gái nhảy cầu tự tử, anh Sinh liền dừng xe, nhảy xuống sông cứu và chở nạn nhân về tận nhà ở huyện Triệu Sơn...

Lao vào nơi nguy hiểm tới tính mạng mình nhưng anh Nam cho biết khi nghe kêu cứu thì xông vào giúp chứ không kịp suy nghĩ gì khác. Anh Sinh cũng vậy, cứu cô gái rồi mà vẫn không giải thích được vì sao mình lại dám lao thẳng xuống dòng sông từ một độ cao rất nguy hiểm như thế. Tất cả hành động của họ, suy cho cùng là như một bản năng của lòng nhân ái.

Lâu nay, chúng ta vẫn nghe nhiều người than vãn về hành vi vô cảm xảy ra ở nơi này, nơi khác. Mới nhất là chuyện xảy ra tại một chung cư ở TP HCM - một cháu bé bị bạn tình của cha hành hạ dã man nhiều lần, nhiều giờ dẫn đến tử vong trước sự vô cảm của chính người cha.

Sự vô cảm thì có rất nhiều, là một biểu hiện thấp kém của lương tri, xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi cung bậc đời sống. Đó là mặt trái trong ứng xử giữa người với người. Thế nhưng, trong đời sống, hành vi đẹp cũng không hề thiếu. Đặc biệt là lòng nhân ái, đoàn kết, tương thân tương ái đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Truyền thống ấy rất dễ nhận thấy, nhất là qua những lúc cam go sinh tử như trong "cuộc chiến" chống dịch Covid-19 mới đây.

Có nhiều cách để lý giải về sự vô cảm nhưng dù là ở nơi nào thì cũng đều không thể không nói đến vai trò của giáo dục - giáo dục ở gia đình, nhà trường và xã hội. Con người sinh ra vốn "nhân chi sơ, tính bản thiện". Cả quá trình trưởng thành sau đó, liệu người ta có "bản thiện" nữa hay không thì phụ thuộc rất nhiều vào việc giáo dục và rèn luyện. Dù vậy, ngay cả khi được giáo dục tốt mà cá nhân không nỗ lực rèn luyện thì cũng không nên người.

Lan tỏa điều tốt đẹp, kịp thời biểu dương điều tốt đẹp, cụ thể ở đây là hành động dũng cảm cứu người, cũng là một cách để nhân lên sự tốt đẹp trong đời sống, để giáo dục con người, đặc biệt là lớp trẻ, biết sống vì mọi người.

Theo LƯƠNG DUY CƯỜNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.