Lần theo dấu chân xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi dự một cuộc gặp mặt các chiến sĩ giao liên thời kháng chiến ở TP.Tam Kỳ, lại là ngày cuối tuần, tôi xuống cửa An Hòa, ngồi thuyền theo dòng Trường Giang…
Cầu Nguyễn Duy Hiệu bắc qua sông Bến Trễ nối Cẩm Hà với Điện Dương. Ảnh: Q.TUẤN

Cầu Nguyễn Duy Hiệu bắc qua sông Bến Trễ nối Cẩm Hà với Điện Dương. Ảnh: Q.TUẤN

1. Muốn qua An Hòa, vì một lẽ, thắp nén hương thơm lên mộ Phan Bá Phiến - một nhân cách của Nghĩa hội Cần Vương.

Lần tìm ‘‘dấu chân’’ của những người yêu nước, của Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến đã từng đi, trong vội vã, bất an, khi bị tên phản bội Nguyễn Thân - tay sai của thực dân Pháp, truy đuổi không dừng, tôi cố hình dung các ông phải xử lý làm sao, đi con đường nào, trong cuộc rút chạy không quay về căn cứ Tân Tỉnh?

Từ năm 1885 đến năm 1887, Nghĩa hội Quảng Nam cùng thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu - cụ Hường Hiệu, ngày đêm suy nghĩ, dày công xây một hệ thống phòng thủ kỳ vĩ, chạy từ An Tráng ra Bình Huề đến Phước Sơn...

Cùng với bờ thành phòng thủ chống thực dân Pháp là bến thuyền Tân An - bến từng đưa đón bước chân của thủ lĩnh Nghĩa hội Quảng Nam, gọi là Bến Thuyền Hầu - một di tích lịch sử.

Sau tấm bia mộ của Phan Bá Phiến ghi: “Thời quy lực kiệt, sát thân thành nhân”. Nghĩa là, thời thế khó khăn, lực lượng nghĩa quân kiệt quệ, ông đã sát thân mạng để giữ lấy lòng nhân.

Sách sử ghi lại rằng, khi bị quân của Nguyễn Thân truy đuổi, Nguyễn Duy Hiệu đưa vợ con và tùy tùng chạy về hướng núi Phước Sơn nhằm đánh lạc hướng quân thù, rồi ông và Phan Bá Phiến quay ngược Đèo Le về cửa An Hòa. Về đến quê nhà của Phan Bá Phiến, hai người bàn chuyện chia tay.

Chí sĩ Phan Bội Châu viết: “Hiệu, Phiến liệu binh chắc thua, ắt đảng nhân trong ba tỉnh tất bị Pháp bắt làm thịt như cá trên thớt.

Hiệu bèn bàn với Phiến rằng: ‘‘Nghĩa hội ba tỉnh ông với tôi thật chủ trương. Việc đã không thể làm thì chỉ có chết mà thôi. Nhưng hai ta cùng chết một lúc là vô ích. Ông hãy chết trước. Phần tôi, tôi sẽ giải tán hội, rồi đem thân mặc cho Pháp bắt. Người Pháp tra hỏi, tôi sẽ cực lực giải thoát cho hội ta. Một mình tôi chết không đáng tiếc, còn hội ta sau này có kẻ làm thành chí ta, tức là ta sống đó”.

Phan Bá Phiến bày hương án, mặc phẩm phục Án sát sứ, đem tất cả sổ sách đốt trước mặt lãnh tụ Nguyễn Duy Hiệu và các bạn đồng sự, chắp tay lạy từ biệt, rồi lấy gói thuốc độc luôn để sẵn trong người ra uống, nhắm mắt. Sau khi tiễn biệt người đồng sự trung thành, Nguyễn Duy Hiệu lội cát ra sông Trường Giang, lên thuyền về Bến Trễ - Thanh Hà - Hội An quê mẹ.

Ngôi mộ Phan Bá Phiến tọa lạc trên nền cát trắng Tam Tiến (Núi Thành). Tôi ngồi bên bia mộ ông, trầm ngâm suy nghĩ về cái chết, ‘‘chết tức là sống đó’’! Cái chết đã hơn một trăm mấy mươi năm rồi mà vẫn làm người đời nghĩ suy, chết cho người sau ‘‘làm thành chí ta’’, nhắc người sống biết bao nhiêu điều, cái chết cho người sau liệu còn sống đến vô cùng.

2. Đi qua vùng sông nước Trường Giang tôi bỗng nhớ đến các chiến sĩ giao liên, những con người gần như không tên, trẻ tuổi, gan dạ, không quản ngại hy sinh, tức là sẵn sàng chết cho đồng chí mình sống, lúc nào cũng đi trước soi đường cho chúng tôi qua, vì nhiệm vụ bảo vệ quê hương.

Một lần đi qua vùng sông nước Trường Giang, nhà thơ Thu Bồn bồi hồi nhớ, năm 1964 - năm có trận lụt năm Thìn lịch sử, rời Quảng Đà, về Quảng Nam. Suốt một đêm lội trong nước lụt, băng qua quốc lộ 1 và ấp chiến lược ngay cổng đồn Bà Dụ (có cầu Bà Dụ), vượt hai con sông, nhà thơ Thu Bồn đến xã Kỳ Anh.

Nước lụt làm bao nhiêu hầm bí mật và địa đạo bị ngập. Giặc lợi dụng trận lụt, càn lớn. Nhà thơ Thu Bồn phải nằm trên cạn, quần với địch suốt ngày, mới thấm thía thế nào là lòng dân, và có lòng dân thì cái công sự ngầm của Thu Bồn không mất.

Anh giao liên dẫn Thu Bồn chui qua mấy ấp chiến lược Kỳ Mỹ để trở về cứ, lúc bấy giờ đóng tận trên bờ sông Tranh. Người Thu Bồn và anh giao liên luôn ngập nước tới ngực, thỉnh thoảng anh giao liên quay lại nhắc thầm với nhà thơ Thu Bồn: ‘‘Mìn, mìn, vòng chỗ khác’’. Sau một đêm mệt nhoài, Thu Bồn hỏi:

- Anh đi con đường này bao nhiêu lần rồi?

- Chừng hơn trăm lần - anh giao liên đáp.

- Trời ơi! Tôi đi mới một đêm mà giờ bị cảm ho và cả người như muốn vắt ra nước, mà sao anh vẫn như không?

- Chính vì tôi đi hàng trăm lần nên nó không còn gian khổ nữa.

- Anh khéo nói - Thu Bồn bảo - gian khổ là gian khổ chứ có phải quen mà gọi là không gian khổ ác liệt đâu.

- Vâng - anh giao liên cười nheo mắt - đúng gian khổ là gian khổ, nhưng cái thước đo nó lại là chính mỗi người.

Thu Bồn suy nghĩ mãi: ‘‘Anh ở cơ sở, những năm đen tối ngồi hầm bí mật, bọn địch dùng chĩa sắt xăm hầm như săn chuột. Từ khi ‘‘đi lực lượng’’ anh luôn thủ trong người quả lựu đạn và một cây súng tiểu liên K50. Anh trông cho gặp thằng địch mà bắn cái súng nổ như xé vải và tương vào đầu chúng mấy quả lựu đạn cho hả giận.

Còn tôi ở trên căn cứ với chiếc hầm kèo mang chữ đại thọ trước cửa, đêm yên giấc trên chiếc võng, việc gặp thằng biệt kích đối với tôi hơi mệt, do đó, việc nhìn nhận thằng địch giữa anh và tôi có một khoảng cách’’.

Thu Bồn ơi! Bây giờ, địch và ta ở xen kẽ, lẫn lộn nhau, không có khoảng cách! Là thời kỳ phải giao thương, làm ăn buôn bán với tinh thần hai bên cùng có lợi để tồn tại, để phát triển, không phát triển thì nghèo và bị họ coi thường, miệng ngoài hảo, hảo, bụng trong hằm hằm nuốt trọn ta.

3. Tôi bước chậm qua cát, xuống chiếc thuyền con xin về Cẩm Hà - Hội An. Ý tưởng khai thông dòng Trường Giang - Lộ Cảnh Giang làm tuyến du lịch chưa hình thành trên thực địa, thỉnh thoảng vẫn có vài chiếc thuyền sẵn sàng đưa khách hiếu kỳ nhớ quê, thả hồn trên sông nhìn ngắm, thưởng thức, nghĩ suy…

Thuyền đến bến sông Hoài, trước khi leo lên bờ, nhìn trời mây sông nước an bình, tôi tự hỏi, ngày ấy, Nguyễn Duy Hiệu đi lối nào, đường nước hay đường bộ về Bến Trễ, về bến Thanh Hà? Nơi đâu là Bàu Ốc, Trảng Kèo thuở ấu thơ cậu học trò nhà quê Nguyễn Duy Hiệu thường theo mẹ ra bàu bắt ốc, hái rau? Vùng đất nào ‘‘không khoai lang mang lấy nợ’’ mà bà Nguyễn Thị Châu - một người mẹ quần quật sớm hôm lo nuôi dạy bầy con, trong đó có Nguyễn Duy Hiệu.

Đâu là miếu Ông - nơi sau khi quỳ lạy mẹ, xin mẹ tha tội vì không làm tròn đạo hiếu, Nguyễn Duy Hiệu ra miếu nói lời tâm sự với Quan Công: ‘‘Bách niên tâm sự hữu Quan Công’’ - một câu trong bài thơ tuyệt mệnh ông làm trước khi lên đoạn đầu đài.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân: ‘‘Người ta đóng một cái cũi mới (thay cho cái cũi nhốt để khiêng Nguyễn Duy Hiệu từ Thanh Hà áp giải ra Huế), theo yêu cầu của ông, người ta để bút mực, giấy trong cũi và ông đã viết khi ngồi trong cũi trên đường ra pháp trường’’.

Có người ở Huế nói ông ngâm thơ ngay tại pháp trường… Còn Baill - Khâm sứ Trung Kỳ lúc bấy giờ, viết trong ‘‘Kỷ niệm về An Nam”: ‘‘Trong cũi, Nguyễn Duy Hiệu mặc áo dài, vấn khăn chỉnh tề vẫn ung dung cầm chiếc quạt phe phẩy, đôi mắt đen và sâu vẫn trầm tĩnh nhìn đồng bào ruột thịt đang vây quanh… Vẫn làm thơ khi tới pháp trường và viết câu thơ mà đầu ngọn bút không một nét run nào tỏ sự xúc động’’.

Trên hai ven sông quê nhà thân yêu của tôi có bao nhiêu cái chết đã diễn ra. Là những cái chết để người đời sau kể lại, bình, luận, suy tư và nghiêng mình… Đúng như Thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu nói ‘‘Chết tức là sống đó’’.

Con đường nước từ bến Thanh Hà về Bến Trễ vẫn khó nhọc vượt qua rong, bèo, cỏ dại, gai góc. Phù sa và cát lấp thành bãi, thành ruộng, thành đầm, không còn dấu chân xưa mà hình thành nên một vùng đất màu lạ cho Hội An và người đời một giống rau màu ngát xanh, thơm đặc trưng - rau Trà Quế. Mỳ Quảng, cao lầu thiếu vài cánh rau Trà Quế, như chàng trai với chiếc thuyền nhẹ trôi trên sông Trường Giang lúc chiều tà thiếu bóng dáng hồng nhan!

Ngôi mộ Nguyễn Duy Hiệu uy nghi hướng tầm nhìn sông hai ven bờ sum sê xanh dừa của Thanh Hà, Bến Trễ, Đế Võng, Cổ Cò… nước lững lờ không muốn chảy, như muốn cù rủ tôm, cua, ốc, dế… tụ về cho con người một nguồn năng lượng sạch.

Đứng trên cầu mới - cầu Nguyễn Duy Hiệu bắc qua sông Bến Trễ nối Cẩm Hà với Điện Dương, nhìn thấy ngôi mộ cụ Hường Hiệu, thấy cái làng cây lá xanh xanh mang tên Bến Trễ ngày xưa. Nhìn làng, nhìn sông nước xanh trong, lòng bỗng lâng lâng...

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.