(GLO)- Việt Á vẫn tiếp tục là cái tên gây nên nỗi ám ảnh, lo sợ của nhiều người đã, đang và sẽ lọt vào tầm ngắm của các cơ quan pháp luật. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới đây tiếp tục chỉ ra những vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng của Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương và nhiều lãnh đạo của tỉnh này một lần nữa khiến dư luận xôn xao khi sai phạm của họ hầu hết đều liên quan đến Công ty Việt Á. Vấn đề đặt ra là lằn ranh nào đủ sức ngăn chặn cán bộ, đảng viên không quỵ ngã trước những cám dỗ vật chất và tận tâm, tận lực phục vụ đất nước, Nhân dân.
Đến nay, hơn 80 bị can đã bị khởi tố vì những vi phạm liên quan đến vụ án Công ty Việt Á. Bằng thủ thuật chi nhiều tiền lại quả, Công ty Việt Á hầu như đã độc chiếm thị trường cung ứng kit test cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) và cơ sở y tế của 62 tỉnh, thành, với doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó, chi “hoa hồng” cho các đối tác là 800 tỷ đồng. Vì nhận lại quả lên đến 30 tỷ đồng, Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến trở thành người mở đầu cho một đường dây móc ngoặc giữa cán bộ nhà nước với doanh nghiệp để trục lợi, với hơn 80 khuôn mặt đã được điểm danh và có vẻ như vẫn chưa dừng lại.
Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 18, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận: Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng có trách nhiệm trước những vi phạm trong việc phòng-chống dịch Covid-19, nhất là việc chỉ đạo ký hợp đồng, tạo điều kiện để Công ty Việt Á độc quyền bán bộ kit xét nghiệm và tham gia thực hiện xét nghiệm trái quy định, gây hậu quả rất nghiêm trọng...
“Lỗi cơ chế, lỗi hệ thống”, điều đó chắc chắn là có. Nhưng vì sao cũng cơ chế ấy, hệ thống ấy mà nhiều cán bộ khác không sai phạm. Rõ ràng, cái chính vẫn là vì lòng tham trong con người. Vì lòng tham mà họ đã lợi dụng tình hình khó khăn của công cuộc chống dịch, thông đồng với nhà thầu nâng giá thiết bị, vật tư y tế để ăn chia với nhau. Đó là tư lợi, là tham ô, tham nhũng có hệ thống; là sự suy thoái, biến chất đang diễn ra công khai với nhiều người, nhiều ngành liên quan.
Câu hỏi đặt ra là làm gì để cán bộ có thể vượt qua được cám dỗ vật chất, không sa vào tội lỗi.
Các chuyên gia cho rằng, cần kiên trì xây dựng “văn hóa liêm chính” trong hệ thống chính trị, tạo nền tảng vững chắc về phẩm chất cho cán bộ, đảng viên, giúp họ không bị chệch hướng. Không kiểm soát, không tự khắc chế mình, cán bộ, đảng viên sẽ dễ trượt dài vào suy thoái, tha hóa. Cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức quyền trong bộ máy, phải tuân thủ vô điều kiện kỷ luật của Đảng, nội quy cơ quan, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chịu sự giám sát của Nhân dân. Đó là những giới hạn, là lằn ranh mà mỗi cán bộ, đảng viên nếu tuân thủ, sẽ giữ trọn thanh danh, thực sự là đảng viên chân chính, là công bộc của dân.
Cần chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ một năng lực phòng-chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế để không còn khe hở nào cho các đối tượng xấu luồn lách, trục lợi. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát phải thường xuyên, theo phương châm: trên kiểm tra xuống, cán bộ, đảng viên kiểm tra lẫn nhau, dư luận, báo chí kiểm tra, giám sát. Khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh.
Thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống; nghiêm khắc với chính mình, tự chủ trước mọi hoàn cảnh là cách tốt nhất để cán bộ, đảng viên có đủ bản lĩnh vượt qua mọi thách thức, cám dỗ của vật chất, tiền tài, giữ được khí tiết, danh dự, không sa chân, gục ngã.
ĐÌNH CƯƠNG