Lận đận 'nhân thân' - Kỳ 1: Khổ sở vì giấy khai sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
'Lớn vậy rồi mà không có giấy khai sinh', câu nói đó ám ảnh chị Phan Thị Hồng Nhung (31 tuổi, ngụ H.Củ Chi, TP.HCM) không dứt. Chị không muốn con mình gặp tình cảnh như mẹ. 

Chị Nhung và bé N.A tại buổi tổng kết của dự án Trang mới cuộc đời (Ảnh chụp tháng 12.2020 tại TP.HCM). ẢNH: BTC
Chị Nhung và bé N.A tại buổi tổng kết của dự án Trang mới cuộc đời (Ảnh chụp tháng 12.2020 tại TP.HCM). ẢNH: BTC
'Lớn vậy rồi mà không có giấy khai sinh'
“Lớn vậy rồi mà không có giấy khai sinh”, câu nói đó ám ảnh chị Phan Thị Hồng Nhung (31 tuổi, ngụ H.Củ Chi) không dứt. Chị hiểu có vô vàn khó khăn mà một người gặp phải nếu không có tấm giấy tờ tùy thân "lận lưng”. Và chị không muốn bé N.A (6 tuổi), con gái chị, rơi vào hoàn cảnh như mẹ.
Chị Nhung cho biết sau khi ba mẹ chị ly thân, chị sống với ba và bà nội ở Bình Dương. Lúc này, chị có giấy khai sinh, được học tiểu học. Sau khi bà nội mất, chị sống với ba và trong một lần nhậu say, ba chị đã đốt tất cả giấy tờ. Thấy vậy, ngoại chị đón chị về Bình Phước ở.

Giấy khai sinh của chị Thảo trống ở phần
Giấy khai sinh của chị Thảo trống ở phần "Quê quán". ẢNH: PHẠM THU NGÂN
“Khi lớn rồi tôi muốn đỡ đần ngoại nhưng tôi cũng dần nhận ra mình không thể sống mà thiếu giấy tờ, đi làm ở đâu ai cũng đòi giấy tờ tùy thân, nếu không có mình không được nhận. Tôi muốn mua một chiếc xe để chạy đi làm cũng không được. Đó là chưa nói mình không có CMND, bảo hiểm y tế, tạm trú, tạm vắng... Thành thử, nghề nào không dính líu tới giấy tờ, tôi làm hết. Có lần về lại trường tiểu học cũ để xem còn giấy khai sinh của mình không nhưng trường bảo thất lạc rồi”, chị Nhung bùi ngùi nói.
“Tôi đã nghe nhiều lời như “nhỏ đó không có giấy tờ”, “cô phải có giấy chứng minh chứ không thể nói bằng miệng”, “lớn vậy rồi mà không có giấy khai sinh”... Mấy lần, nửa đêm tôi nằm khóc mãi, cứ đổ cho mình số… con rệp”, chị Nhung nhớ lại. 
Chị lấy chồng quê ở H.Củ Chi, cả hai anh chị làm ở vựa ve chai rồi chuyển sang làm phụ hồ, giờ thì chị Nhung nghỉ ở nhà, lãnh ve chai về lựa. Bé A. ra đời, chị lật đật đi làm giấy khai sinh cho con nhưng mãi vẫn không biết làm sao giải quyết được những trục trặc vì không có giấy tờ.
“Chồng tôi đi làm giấy khai sinh nhưng xã nói chưa được vì tôi không có giấy tờ tùy thân, không có đăng ký kết hôn... Nên nếu muốn làm giấy khai sinh cho bé A. phải chứng minh chồng tôi là cha ruột của nó, tức xét nghiệm huyết thống DNA”, chị Nhung kể.
Theo quy định, trường hợp cha mẹ không đăng ký kết hôn nhưng muốn có tên cha trong giấy khai sinh của trẻ thì cha phải làm thủ tục nhận con và chứng minh quan hệ cha con như qua giám định DNA.
Nghe vậy, chị chỉ biết "thắt lưng buộc bụng" làm việc để dành tiền làm xét nghiệm DNA cho con. “Có lần làm việc quá sức, tôi bệnh nặng, lại không có bảo hiểm y tế nên viện phí tới 10 triệu đồng, chồng tôi phải mượn bạn bè. Vậy là hai vợ chồng vừa trả nợ, vừa đi làm để dành tiền đặng làm xét nghiệm DNA. Nhưng cuối cùng may mắn, tôi được giới thiệu tới Chi hội Bảo trợ trẻ em Hóc Môn khi họ có dự án hỗ trợ kinh phí xét nghiệm. Sau một thời gian bổ sung giấy tờ, bé A. có giấy khai sinh rồi, sẽ được nhập học đàng hoàng”, chị Nhung hồ hởi khoe.
"Tôi mừng lắm! Không chỉ con tôi mà giờ tôi cũng được hỗ trợ làm giấy khai sinh, bao năm rồi, tôi đang chờ tấm giấy của mình, như cuộc đời mới sắp mở ra vậy”, chị Nhung hạnh phúc chia sẻ. 
Lần đầu khai sinh của con có tên... mẹ
Chị Nguyễn Thị Thảo (33 tuổi, hiện ngụ Bình Dương) trước đây là trẻ lao động đường phố tại TP.HCM. Mẹ chị cũng là người sống lang thang, hai mẹ con không có giấy tờ tùy thân, sống nhờ lượm ve chai, bán vé số, bán nhang ở các điểm chùa.
Năm 1997, mẹ chị Thảo được đưa về một trung tâm chăm sóc người già tại tỉnh Bình Dương, còn chị Thảo được Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn (Q.3, TP.HCM) tiếp nhận, được làm giấy khai sinh và chuyển sang mái ấm ở. Chừng 5 năm sau, khi mẹ chị về lại Sài Gòn, chị Thảo rời mái ấm đi theo mẹ, tiếp tục sống lang thang cho đến khi lấy chồng vào năm 2009.

Chị Thảo vui mừng khi kể lại việc trong giấy khai sinh của đứa con thứ ba có tên chị. ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Chị Thảo vui mừng khi kể lại việc trong giấy khai sinh của đứa con thứ ba có tên chị. ẢNH: PHẠM THU NGÂN
“Chồng tôi có hộ khẩu ở An Giang. Chúng tôi không cưới hỏi gì, khi sinh hai đứa con đầu, bệnh viện cho tôi lấy giấy chứng sinh nên chồng tôi về quê làm giấy khai sinh cho hai đứa. Nhưng nếu muốn làm được thì phải khai theo diện mẹ bỏ đi vì chúng tôi không có hôn thú và tôi lại không có giấy tờ tùy thân. Tôi đành 'cắn răng' chịu để con mình có giấy tờ đi học”, chị Thảo nói.
“Năm rồi tôi sinh bé thứ 3 thì bệnh viện yêu cầu tôi phải chứng minh nhân thân mới lấy được giấy chứng sinh vì họ sợ những trường hợp trao nhầm con... Tôi buồn, bế tắc lắm. Tự dưng lúc này nghĩ tới cơ sở Thảo Đàn, đánh bạo tới hỏi, ai ngờ các cô vẫn còn giữ giấy khai sinh của tôi, thậm chí còn giúp tôi làm giấy xác nhận tôi là trẻ em đường phố để mang đến bệnh viện thay cho CMND, tôi mới lấy được giấy chứng sinh”, chị Thảo kể tiếp.
Thế nhưng, việc làm giấy khai sinh cho con chị Thảo vẫn tiếp tục gặp khó.
“Lúc này nhà chồng tôi dưới An Giang đã bán nên phải làm khai sinh cho đứa con thứ ba trên này, và điều kiện là tôi và chồng tôi phải chứng minh hôn thú. Đồng thời, chồng tôi phải xét nghiệm DNA để chứng minh huyết thống. Gia đình tôi không có tiền, cuối cùng nhờ dự án 'Trang mới cuộc đời' và bên cơ sở Thảo Đàn hỗ trợ, ứng tiền để chồng tôi giám định DNA. Thủ tục liên miên, kết quả tôi... có tên trong giấy khai sinh của đứa thứ ba”, chị Thảo hồ hởi nói và cho biết thêm dù giờ chị vẫn chưa có giấy CMND, nhưng chị vui hơn hết thảy vì con mình có giấy tờ đầy đủ, được học tại các trường chính quy.
“Cuộc đời tôi lần đầu tiên cầm được giấy khai sinh con có tên mẹ, tôi mừng không thể tưởng tượng nổi, tôi khóc ngay tại phường”, chị Thảo hạnh phúc khoe. 
Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), Trưởng dự án “Trang mới cuộc đời”, cho hay nhiều trẻ và nhiều người không có giấy khai sinh, điều này đồng nghĩa với việc họ không tiếp cận được những quyền, quyền lợi khác. Pháp luật quy định giá trị pháp lý của giấy khai sinh là hộ tịch gốc của một cá nhân để từ đó người này có thể đi học, làm CMND hay căn cước công dân, tham gia bảo hiểm y tế, ký kết hợp đồng lao động...
(còn tiếp)
Theo Phạm Thu Ngân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.