Lấn chiếm lòng lề đường để họp chợ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Dọc đường Lý Tự Trọng và Hai Bà Trưng (khu vực trước cổng chợ Kbang), tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để buôn bán không những gây ô nhiễm môi trường mà còn làm ách tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị. Ngành chức năng của huyện nhiều lần ra quân lập lại trật tự nhưng vi phạm vẫn tái diễn.
Theo  ghi nhận của P.V tại đoạn đường Lý Tự Trọng và Hai Bà Trưng trước cổng chợ Kbang, nhiều người dân đã chiếm dụng vỉa hè để bày bán hoa quả, quần áo trông rất lộn xộn. Một số hộ còn bày bán, giết mổ gia cầm ngay tại vỉa hè rồi đổ nước thải chảy tràn ra đường. Xe máy, ô tô của khách mua hàng đậu ngay dưới lòng đường cản trở lưu thông. Mỹ quan đô thị cũng vì thế mà ảnh hưởng đáng kể.
Nhà nằm ở trục đường Hai Bà Trưng nên chị Phạm Thị Bút (tổ 6, thị trấn Kbang) hàng ngày đều chứng kiến cảnh nhếch nhác, lộn xộn, ô nhiễm. Chị Bút bức xúc cho biết: “Nhà tôi sát vách với 2 hộ kinh doanh gia súc, gia cầm nên mùi hôi rất khó chịu. Buổi tối, họ đưa heo, gà vào nhà, sáng mang ra vỉa hè bày bán. Nếu khách có yêu cầu thì họ giết mổ ngay tại chỗ rồi tạt nước ra đường. Tôi đã làm đơn kiến nghị UBND thị trấn Kbang từ tháng 4-2019 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Tình trạng này kéo dài làm đảo lộn cuộc sống gia đình, ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường sống của nhiều hộ dân xung quanh”. 
Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường trước cổng chợ Kbang để buôn bán làm mất mỹ quan đô thị và gây ách tắc giao thông. Ảnh: H.P
Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường trước cổng chợ Kbang để buôn bán làm mất mỹ quan đô thị và gây ách tắc giao thông. Ảnh: H.P
Bà Nguyễn Thị Liễu-Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ 6-cho biết: Tổ dân phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng của thị trấn tuyên truyền, vận động nhưng tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm, sử dụng vỉa hè, lòng đường buôn bán trái phép vẫn xảy ra phổ biến ở tuyến đường Hai Bà Trưng và Lý Tự Trọng. Điều này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. “Để xử lý triệt để tình trạng này, ngành chức năng cần triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp, từ tuyên truyền, vận động đến ra quân tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý nghiêm những người vi phạm”-bà Liễu nói.
Còn ông Nguyễn Đình Chi-Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển hạ tầng Kbang (đơn vị đầu tư xây dựng chợ Kbang) thì cho biết: Tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường tại tuyến đường Hai Bà Trưng và Lý Tự Trọng để buôn bán đã diễn ra từ khá lâu. Đặc biệt, vào sáng sớm và chiều tối, ngày rằm, ngày mùng 1 Âm lịch, bà con tập trung mua bán càng đông làm cho tình trạng ô nhiễm, mất trật tự càng thêm phức tạp.
Ông Chi cho biết thêm: Sau khi xây dựng, chợ Kbang có 246 lô sạp, ki ốt; đã đấu giá cho thuê 204 lô, hiện còn trống 42 lô. Tuy nhiên, một số tiểu thương không chịu vào chợ họp mà cố tình chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh bởi buôn bán bên ngoài cổng chợ đắt khách hơn mà không phải đóng phí. “Đơn vị chỉ quản lý những tiểu thương trong chợ mới, còn một số ki ốt tiểu thương đấu giá cách đây 20 năm tại tuyến đường Hai Bà Trưng và Lý Tự Trọng thì do thị trấn quản lý nên không thuộc thẩm quyền giải quyết. Đơn vị chỉ có thể kiến nghị chính quyền thị trấn và huyện tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cải thiện môi trường, mỹ quan, trật tự đô thị mà thôi”-ông Chi nêu khó khăn.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Thủ-Chủ tịch UBND thị trấn Kbang-cho biết: “Năm 2016, sau khi chợ Kbang bị cháy, huyện đã tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh buôn bán tại khu vực chợ tạm cách chợ cũ 30 m. Tuy nhiên, khu vực chợ tạm không đủ diện tích nên một số tiểu thương lấn chiếm cả vỉa hè, lòng lề đường Hai Bà Trưng và Lý Tự Trọng để buôn bán. Đến giữa năm 2019, chợ Kbang mới đi vào hoạt động thì các tiểu thương ở khu vực chợ tạm phần lớn đều đã chuyển vào đây để kinh doanh. Thế nhưng, bất cập là một số hộ đấu giá ki ốt có thời hạn 25 và hiện còn 5 năm nữa mới hết hợp đồng nên rất khó vận động để họ vào chợ mới. “Thị trấn đang đề xuất huyện triển khai làm lại vỉa hè đường Hai Bà Trưng và Lý Tự Trọng. Khi triển khai xong, thị trấn sẽ có cơ sở xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè trái phép để kinh doanh”-ông Thủ thông tin thêm.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.