Từ những quả thông khô, cô gái này đã sáng tạo nên hàng loạt bức tranh độc đáo với nhiều gam màu cảm xúc.
Từ bỏ công việc môi giới bất động sản với mức thu nhập ổn định ở TP.HCM, chị Trương Thị Kiều Linh (30 tuổi), quê tỉnh Đắk Nông, rủ bạn trai lên về rừng cùng làm vườn, và sau đó bén duyên với làm tranh thông.
|
Chị Trương Thị Kiều Linh bên tác phẩm tranh của mình. Ảnh: NVCC |
Ngay từ lần đầu đã nhận "mưa lời khen" từ cộng đồng mạng
Tốt nghiệp khoa Luật dân sự của Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM nhưng khi ra trường, Kiều Linh đã chuyển hướng sang làm nhân viên môi giới bất động sản tại một công ty ở TP.HCM. Có được công việc nhiều người mong ước, song việc phải đi gặp khách hàng liên tục, nhiều hôm phải làm việc suốt 14 tiếng liền khiến Linh mệt mỏi.
Giữa thời điểm đó, biến cố ập đến, tinh thần Linh trở nên suy sụp hơn sau khi ba qua đời, phải mất hơn một năm cô mới bình tâm lại. Khoảng thời gian đó, Linh luôn có suy nghĩ sẽ tìm đến một nơi bình yên khác để sinh sống. Sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên, Linh rủ bạn trai lên TP.Đà Lạt sinh sống vì không khí ngột ngạt ở TP.HCM không thể chữa lành chứng trầm cảm của cô.
|
Kiều Linh bên tác phẩm tranh của mình. Ảnh: NVCC |
|
Bức tranh đầu tiên mà chị Linh vẽ nhận được sự yêu thích của mọi người. Ảnh: NVCC |
“Lúc mới lên Đà Lạt, mình không quen ai và cũng chưa xác định được định hướng cho bản thân. Mình và bạn trai, bây giờ là chồng mình, đã thử qua rất nhiều việc như làm homestay, mở tiệm trà, tiệm cà phê… nhưng đều thất bại, ấy vậy mà hai đứa không ngại khó, quyết định thuê một khu đất để trồng rau, hoa, thảo mộc…”, Kiều Linh nhớ lại.
Cuối tháng 4.2022, Linh nhận lời mời trang trí chương trình tại Dinh 3 - Bảo Đại, TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Bất chợt cô nghĩ sẽ làm một bức tranh thông để trang trí ở đó. Sau khi hoàn thành, Linh đăng lên mạng xã hội khoe “chiến tích”, không ngờ nhận được nhiều lời khen từ dân mạng.
Linh kể: “Lần đầu tiên bài đăng trên trang cá nhân được hơn 1.000 lượt tương tác như thế, lúc ấy mình rất ngạc nhiên và vui mừng vì tranh của mình được nhiều người yêu thích. Mọi người muốn mua nên mình quyết định luyện vẽ, đến tháng 6 mình bắt đầu bán tranh”.
|
Cận cảnh những tác phẩm nghệ thuật tiền triệu của cô nàng 9X. Ảnh: NVCC |
Trong vòng chưa đầy nửa năm, Linh đã cho ra đời hơn 100 tác phẩm tranh thông. Không qua trường lớp đào tạo nào về làm tranh, những bức tranh cô làm đều xuất phát từ cảm hứng và sự mày mò tìm hiểu qua các nguồn tài liệu. “Mình luôn nghĩ và luôn động viên bản thân sẽ làm được. Tuổi trẻ mà, làm được hay không… phải thử mới biết. Làm cái gì cũng phải thử, thử ở đây nghĩa là mình sẽ đăng lên mạng xã hội, nếu được nhiều người đón nhận tức sản phẩm của mình có giá trị, dù chỉ là về mặt giá trị tinh thần”, Kiều Linh chia sẻ.
|
Những tác phẩm nghệ thuật tiền triệu của cô nàng 9X. Ảnh: NVCC |
Ngoài chất liệu chính là quả thông thì những cành dương xỉ, vỏ cây thông sấy khô… cũng được cô nàng khéo léo đưa vào tranh. Quả thông khá to và cứng, để cắt được thành hình bông hoa, Linh phải nhờ đến sự trợ giúp của chồng là anh Đoàn Thanh Bình (36 tuổi). Anh Bình cho hay: “Khi chọn thông, hai đứa phải chọn những quả đẹp nhất, vì những quả lép thì cánh sẽ không bung nên rất khó để đưa kéo vào cắt và lên tranh không được đẹp”.
Duyên đến đâu làm đến đó
Nói về quá trình để hoàn thành một sản phẩm tranh hoàn chỉnh, Linh cho biết, việc đầu tiên cô làm sau khi nhận yêu cầu của khách là xem tài liệu, ví dụ khách yêu cầu tranh cô gái Chăm Pa, mình sẽ phải tìm đọc tư liệu về người Chăm Pa, về cách họ ăn mặc... Sau khi phác thảo đầy đủ ý tưởng, Linh mới bắt tay vào làm tranh. Rồi Linh sử dụng khung canva có kích thước 20x30cm, 60x80cm, 80x120cm làm nền, dùng màu acrylic tô nền và tô quả thông, rồi mới bắt đầu kết đính quả bằng keo silicon đa năng. Cô nàng khéo léo dùng sò, sao biển, lá cây… làm phụ kiện trang trí thêm để tranh không bị thô cứng. Tùy theo kích thước, chi tiết mà tranh có giá bán khác nhau, ở mức từ 2-3,5 triệu đồng/bức tranh.
|
Tìm kiếm hạnh phúc bình dị qua công việc làm tranh. Ảnh: NVCC |
“Khó khăn nhất ở bước pha trộn màu, có thể trộn 5-7 màu khác nhau, nhưng phải làm sao để khi nhìn vào luôn thấy sự hài hòa trong bức tranh đó. Hơn nữa, công đoạn đóng gói hàng cũng phải cẩn thận vì ở dạng tranh nổi, sơ suất một chút thôi sẽ làm các chi tiết đính kèm rơi rụng liền”, cô nàng 9X kể thêm.
Để hoàn thiện một bức tranh là điều không đơn giản, phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ vẽ nền, tô nền đến kết đính quả, nhưng quan trọng nhất vẫn là tìm được niềm cảm hứng để làm. Chủ nhân của những bức tranh thông chia sẻ: “Mình nghĩ nếu không đủ kiên trì và đam mê thì không thể làm nổi. Có những đêm mình phải thức tới 3-4 giờ sáng để hoàn thành một bức tranh vì đang theo mạch cảm xúc, nếu ngưng làm, có thể một tháng nữa mới xong bức đó”.
“Nhìn sơ qua tranh những cô gái thấy giống nhau nhưng thực chất đều khác nhau cả. Mình thả cảm xúc vào từng nét vẽ, từng gam màu trong tranh, vì vậy mà mỗi bức có những tone màu, cử chỉ khuôn mặt hay tâm trạng khác nhau”, Linh nói.
|
Chị Ngọc (khách hàng từng mua tranh của chị Linh) cảm thấy được xoa dịu khi mỗi lần nhìn ngắm những bức tranh thông của chị Linh. Ảnh: NVCC |
Luôn đứng sau hỗ trợ và tiếp thêm sức mạnh cho Linh, anh Bình chia sẻ: “Mình luôn tôn trọng và ủng hộ mọi quyết định của vợ. Mình thấy khá vui vì công việc này đem đến cho hai đứa sự thư giãn sau một ngày dài lao động miệt mài. Nhìn bức tranh đã hoàn thành, tụi mình có những cảm xúc khác lạ, khá vui, cảm thấy cuộc sống tươi mới hơn”.
“Duyên đến đâu mình làm đến đó, miễn là mình tìm thấy sự thoải mái trong cuộc sống. Nếu mình vẫn còn cảm thấy thoải mái khi làm tranh thì chắc chắn mình vẫn còn làm”, Linh tâm sự.
Là khách hàng từng mua tranh, chị Lục Khánh Ngọc (33 tuổi), ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM bày tỏ: “Bản thân mình là người hướng nội, dễ bị thu hút bởi những màu u buồn hơn những màu tươi sáng. Thế nhưng mình lại chọn mua một bức tranh có màu sắc sặc sỡ với mong muốn chữa lành cho bản thân. Khi ngắm tranh, mình thấy được xoa dịu và nhận ra rằng trong cuộc sống vẫn còn nhiều gam màu tươi sáng, nhiều điều tốt đẹp đang chờ phía trước”.
Theo Cẩm Tuyết (TNO)