Làm giàu nhờ luân canh cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong số 4 hội viên nông dân của huyện Phú Thiện được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017-2019, chúng tôi đặc biệt ấn tượng về anh Nguyễn Văn Khôi (thôn Bình Trang A, xã Ia Peng). Bởi lẽ, mỗi năm, gia đình anh Khôi thu nhập gần 1 tỷ đồng từ 2 loại cây trồng vốn rất khó để làm giàu là khoai và lúa.

 

Vì đang vào mùa thu hoạch nên mãi quá trưa, chúng tôi mới gặp được anh Nguyễn Văn Khôi. Trong căn nhà khang trang, anh Khôi cho biết: Tôi lập gia đình năm 23 tuổi. Vì không có việc làm ổn định nên thu nhập hàng ngày của 2 vợ chồng chỉ trông vào tiền công cắt lúa, chặt mía, dỡ khoai lang thuê. Vài năm sau, vợ chồng cũng tích góp mua được 3 sào đất trồng lúa và mở cơ sở thu mua nông sản. Nhờ cần cù cộng với chút may mắn trong buôn bán nên gia đình ngày càng có điều kiện mở rộng diện tích đất canh tác, giờ đã lên đến 4,5 ha.

 Anh Nguyễn Văn Khôi (thôn Bình Trang A, xã Ia Peng) đang tranh thủ thời tiết nắng ráo để phơi lúa. Ảnh: A.H
Anh Nguyễn Văn Khôi (thôn Bình Trang A, xã Ia Peng) đang tranh thủ thời tiết nắng ráo để phơi lúa. Ảnh: A.H



Anh Khôi chia sẻ, với 2,5 ha đất ruộng, ban đầu, gia đình anh chỉ tập trung trồng lúa nước. Nhưng sau đó, nhận thấy cả 2 vụ đều trồng lúa cho thu nhập không cao nên 3 năm trở lại đây, anh chỉ trồng 1 vụ lúa, còn vụ Đông Xuân chuyển sang trồng khoai lang Nhật. Anh Khôi nhẩm tính: “Nếu trồng lúa Đông Xuân chỉ thu về khoảng 150 triệu đồng/2,5 ha nhưng cũng diện tích ấy chuyển sang trồng khoai lang Nhật có thể cho thu gần 500 triệu đồng”. Theo anh Khôi, thời gian trồng khoai lang mất hơn 5 tháng, lâu hơn so với trồng lúa song cũng không ảnh hưởng đến vụ gieo trồng sau. Hơn nữa, trồng khoai trên diện tích đất lúa không gây bạc màu mà còn làm cho đất thêm tơi xốp, màu mỡ vì sau khi thu hoạch, lá khoai lang rụng xuống ruộng trở thành nguồn phân bón.

Việc luân canh giữa khoai lang và lúa trên cùng một diện tích đất đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Vì vậy, cuối năm 2019, gia đình anh Khôi quyết định thuê 2,5 ha đất ở cánh đồng Thống Nhất với giá 50 triệu đồng/năm để mở rộng trồng trọt. Anh Khôi cho hay, vì thuê đất muộn, không kịp nguồn nước nên anh không trồng khoai như dự kiến mà vụ Đông Xuân này vẫn trồng lúa. “Thật may, năm nay, nông dân trồng lúa, trồng khoai như chúng tôi đều được mùa, được giá. Năm ngoái, khoai lang Nhật thu hoạch xong giá chỉ đạt 3 ngàn đồng/kg mà không có người mua. Còn năm nay, giá thu mua ngay tại ruộng là 8 ngàn đồng/kg mà không có để bán. Riêng 2,5 ha khoai lang của gia đình tôi thu được 500 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn khoảng 380 triệu đồng”-anh Khôi phấn khởi cho hay.

Anh Khôi bên xe lúa vừa mới thu hoạch về. Ảnh: Anh Huy
Anh Khôi bên xe lúa vừa mới thu hoạch về. Ảnh: Anh Huy



Không dừng lại với khoai lang và lúa, đầu năm 2019, anh Khôi còn chuyển 2 ha đất đồi sang trồng bạch đàn. Anh Khôi giải thích: “Đất trồng mì, trồng mía lâu năm nên đã bạc màu, năng suất thấp. Mình chuyển sang trồng bạch đàn vì sau khi tìm hiểu thấy cây này dễ trồng, không kén đất, cho thu hoạch nhiều lần, giá bán lại cao”. Nói rồi anh dẫn chúng tôi ra tham quan vườn bạch đàn cách nhà gần 3 km. Dù mới hơn 1 năm tuổi nhưng 5.000 cây bạch đàn đã phủ tán rộng, thân to bằng bắp chân người lớn và khá cao. Nhìn ngắm vườn bạch đàn, anh Khôi hy vọng vài năm sau diện tích này sẽ cho thu vài trăm triệu đồng.

Ngoài trồng trọt, gia đình anh còn duy trì cơ sở thu mua nông sản cho người dân ở các xã lân cận như: Ia Peng, Chư A Thai, Ia Piar, Ia Hiao. Hàng năm, sau khi đã trừ chi phí, gia đình anh tích lũy khoảng 600 triệu đồng. Đặc biệt, vào thời điểm thu hoạch, gia đình anh tạo việc làm cho 20-30 lao động với mức thu nhập ổn định. Anh Siu Nốt (làng Rbai, xã Ia Piar) bộc bạch: “Cứ mỗi năm mình làm cho gia đình anh Khôi khoảng 4 tháng. Công việc của mình chủ yếu là vận chuyển khoai lang, lúa từ ruộng lên xe để chở về nhà và bốc từ trên xe xuống kho. Mỗi ngày như thế, mình được trả công 150 ngàn đồng”. Điều đáng trân quý ở người nông dân tuổi tứ tuần này còn ở tấm lòng biết quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh. Cụ thể, năm 2018, anh Khôi đã vận động anh em, bạn bè trong TP. Hồ Chí Minh ủng hộ 650 phần quà (200 ngàn đồng/suất) để hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.

Nhận xét về nông dân Nguyễn Văn Khôi, bà Đàm Kim Liên-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Peng-nhấn mạnh: “Toàn xã hiện có 65 hội viên sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có 1 hội viên sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 13 hội viên sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, còn lại là cấp xã. Anh Khôi vừa sản xuất kinh doanh giỏi, vừa tích cực tham gia các phong trào tại địa phương và thường xuyên giúp đỡ những người xung quanh thông qua việc hỗ trợ việc làm, vay vốn sản xuất. Vài năm trở lại đây, gia đình anh đã cho khoảng 10 hộ nghèo vay tiền không tính lãi”.

ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.