Lắm đầu mối, rối trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vụ án sữa bột giả vừa bị khởi tố, điều tra đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Câu hỏi đặt ra lúc này là: ngoài các nghi phạm trong đường dây này, thì cơ quan quản lý Nhà nước nào phải chịu trách nhiệm?

Trả lời trên báo chí trong ngày 14 và 15-4, các bộ: Công Thương, Y tế đều khẳng định trách nhiệm không thuộc về mình.

"Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt. Các sản phẩm này hiện nay do Bộ Y tế quản lý" - đại diện Bộ Công Thương nói.

Bộ Y tế khẳng định: Việc quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) được quy định tại Luật ATTP, theo đó quản lý ATTP thuộc các bộ: Y tế, NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Công Thương và UBND các cấp! Căn cứ theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các doanh nghiệp (DN) có trách nhiệm tự công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm về chất lượng cũng như tính pháp lý của hồ sơ công bố.

Hai bộ nói trên cho biết thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho DN thuộc sở Kế hoạch và Đầu tư (cũ) của các tỉnh, thành phố, nơi DN đặt trụ sở. Cơ quan Nhà nước chỉ kiểm tra hồ sơ, không kiểm nghiệm mẫu sản phẩm trước khi cấp phép.

Trường hợp này khiến chúng ta nhớ lại chuyện từ một phiên chất vấn tại nghị trường của Quốc hội khóa XII. Về tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, đe dọa sức khỏe người dân trong khi Pháp lệnh vệ sinh ATTP còn nhiều kẽ hở, một đại biểu tỉnh Tây Ninh đặt vấn đề, đại ý: Trong mâm cơm của cử tri, con gà, con cá nếu không bảo đảm vệ sinh ATTP, thì bộ, ngành nào chịu trách nhiệm? Lần lượt các bộ trưởng liên quan được chủ tọa mời trả lời, đều nói không phải của bộ mình, mà là "trách nhiệm liên ngành", tính ra có tới 5 bộ quản lý! Lúc đó, một đại biểu đoàn TP HCM, là chuyên gia ngành y, nói dí dỏm: Miếng thịt sống thì do Bộ NN-PTNT quản lý, miếng thịt chín do Bộ Y tế quản lý, còn miếng thịt tái thì thuộc về bộ nào (?).

Kỳ họp đó góp ý, thảo luận và thông qua Luật ATTP (Luật số 55), có hiệu lực từ ngày 1-7-2011. Gần 15 năm qua, luật này - cùng khá nhiều luật và văn bản dưới luật khác - giăng giăng vậy mà thực phẩm bẩn, thực phẩm và thức uống bị làm giả, kém chất lượng vẫn nhức nhối. Khi cuộc sống ngày càng văn minh, luật kín kẽ hơn và công tác quản lý, thanh - kiểm tra chặt hơn nhờ chuyển đổi số và cải thiện quy trình, thì lẽ ra hiệu quả phòng chống thực phẩm bẩn phải cao hơn, giúp người dân an tâm hơn, nhưng thực tế lại chưa được như vậy. Thậm chí, đến bây giờ, mà cụ thể là qua vụ án sữa giả nổ ra ở quận Hà Đông, TP Hà Nội này, các bộ, ngành hữu quan vẫn "đá qua đá lại quả bóng trách nhiệm". Theo đó, chịu trách nhiệm chính là… các địa phương và bản thân DN vi phạm (!).

Ngẫm xem, một hộ dân nào đó vừa đổ xe cát chuẩn bị sửa nhà mà chưa xin phép, lập tức có "lực lượng liên ngành" xuất hiện, dọa phạt và yêu cầu đủ điều. Trong khi đó, cả một hệ sinh thái ít nhất 9 công ty (thuộc diện quản lý của khá nhiều bộ, ngành, địa phương), làm sữa bột giả và bán trong suốt 4 năm, với lượng khổng lồ, thu 500 tỉ đồng, mà đến khi vỡ chuyện thì tìm đỏ con mắt vẫn không thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm!

Từ đây mới thấy chủ trương sáp nhập, giảm đầu mối, tinh giản biên chế đang được tiến hành khẩn trương là quá sáng suốt, được ủng hộ mạnh mẽ.

Theo Y Qua (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Chiêu trò nguy hại

Chiêu trò nguy hại

Những ngày vừa qua, một cuộc tranh cãi đã diễn ra trên mạng xã hội, bắt nguồn từ nhiều ý kiến cá nhân trước một hoạt động của doanh nghiệp. Cuộc tranh cãi đã trở nên ồn ào, gây nhiều phản ứng hơn khi xuất hiện một làn sóng định hướng thông tin bằng phương pháp seeding.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...

Rạng rỡ Việt Nam

Rạng rỡ Việt Nam

Hôm nay, người dân TPHCM cùng cả nước hân hoan Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, trong niềm vui, tự hào và xúc động dâng trào.

Để giang sơn gấm vóc mãi mãi yên bình, cường thịnh

Để giang sơn gấm vóc mãi mãi yên bình, cường thịnh

(GLO)- Nửa thế kỷ hòa bình thống nhất là nửa thế kỷ xây dựng lại non sông từ vỡ vụn chiến tranh. Vượt qua những trở lực từ bên ngoài, dám nhìn nhận những sai lầm nội tại, chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới và đạt được những thành tựu mà 40 năm trước, nhiều người không thể hình dung.

Hòa bình cho tất cả chúng ta

Hòa bình cho tất cả chúng ta

Trong những ngày cả nước hướng về đại lễ của dân tộc, câu chuyện hào hùng được tiếp nối qua bao thế hệ, người trẻ hôm nay kể về niềm tự hào bằng ngôn ngữ thế hệ gen Z, gen Y, những video, hình ảnh, bài viết ngập sắc cờ đỏ sao vàng phủ kín mạng xã hội.

Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Di sản nếu không được số hóa, không được kể lại theo cách của thời đại sẽ dần bị đứt gãy trong trí nhớ cộng đồng. Một thế hệ lớn lên không thấy được những giá trị đã tạo nên cội nguồn sẽ khó tìm thấy niềm tự hào, khó kiến tạo tương lai có chiều sâu văn hóa.