Lại xảy ra căng thẳng giữa Hàn Quốc- Nhật Bản về đảo Dokdo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 12/6, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã bác bỏ phản ứng của Nhật Bản liên quan cuộc khảo sát hàng hải của Seoul gần đảo Dokdo mà Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Takeshima, ở vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên.
Đảo Dokdo/Takeshima liên tục diễn ra tranh chấp giữa Hàn và Nhật. Ảnh: Reuters

Đảo Dokdo/Takeshima liên tục diễn ra tranh chấp giữa Hàn và Nhật. Ảnh: Reuters

Hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói: "Yêu sách bất công của Nhật Bản đối với Dokdo, lãnh thổ cố hữu của chúng ta, sẽ vấp phải phản ứng cương quyết".

Người này đồng thời nhấn mạnh rằng, chính phủ Hàn Quốc không thể chấp nhận bất kỳ yêu sách nào của Nhật Bản liên quan chủ quyền lãnh thổ.

Trước đó, hôm 11/6, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã trao công hàm phản đối qua các kênh ngoại giao, yêu cầu ngừng ngay lập tức cuộc khảo sát hàng hải do Cơ quan Thủy văn và Hải dương học Hàn Quốc thực hiện xung quanh các đảo đá này.

Vào tuần trước, Nhật Bản cũng đã gửi một khiếu nại tương tự. Đáp lại, Bộ Ngoại giao ở Seoul cho biết, cuộc khảo sát hàng hải là một hoạt động hợp pháp, nhấn mạnh rằng Dokdo/Takeshima là lãnh thổ không thể tranh cãi của Hàn Quốc về mặt lịch sử, địa lý và theo luật pháp quốc tế.

Đảo Dokdo/Takeshima từ lâu đã trở thành tâm điểm căng thẳng thường xuyên giữa hai nước láng giềng khi Tokyo tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này trong các văn bản chính sách, tuyên bố công khai và sách giáo khoa. Trong khi đó, Tokyo cũng khiếu nại mỗi lần Seoul tiến hành khảo sát hàng hải.

Trong lịch sử hiện đại, những tranh cãi liên quan đến quần đảo nhỏ bắt đầu từ năm 1900, khi Triều Tiên (lúc đó bao gồm cả Cộng hòa DCND Triều Tiên và Hàn Quốc hiện nay) chính thức tuyên bố chúng là của mình. 5 năm sau, đến lượt Nhật đưa ra những tuyên bố tương tự. Năm 1910, Nhật thôn tính Triều Tiên, đưa cả bán đảo này vào chế độ thuộc địa của mình trong suốt 35 năm sau đó.

Sau thất bại của Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ II, Hiệp ước San Francisco không nhắc đến quần đảo này trong danh sách các vùng đất chiếm đóng phải trao trả – đó cũng là lý do để phía Nhật khẳng định quần đảo trên vẫn là của mình.

Năm 1952, Seoul tuyên bố, quần đảo này nằm trong ranh giới hải phận của mình và ra lệnh bắt giữ bất kỳ con tàu nào của Nhật dám vượt qua cái gọi là “tuyến phân cách hòa bình”. Hàn Quốc nhanh chóng cho xây dựng một ngọn hải đăng, bãi đỗ dành cho trực thăng cũng như cử các đơn vị tuần tra đường biển đóng quân cố định tại đây.

Năm 1965, Nhật Bản và Hàn Quốc bình thường hóa quan hệ. Nhưng hai bên tránh không nhắc tới hai hòn đảo trên trong hiệp ước được ký – thực chất là nguyên nhân gây xung đột, vì vậy trên thực tế mâu thuẫn vẫn còn âm ỉ.

Có thể bạn quan tâm

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu trên sóng truyền hình ngày 7-12. Ảnh: REUTERS

Đề xuất dự luật điều tra đặc biệt Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol

(GLO)- Ngày 10-12, trong một cuộc họp kín của các nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền, ông Han Dong-hoon, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền cho biết sẽ thúc đẩy dự luật riêng kêu gọi một cuộc điều tra đặc biệt đối với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol liên quan đến vụ thiết quân luật.

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

(GLO)- Khuya 9/12, người phát ngôn lực lượng nổi dậy Quân đội Arakan (Myanmar) Khaing Thukha, tuyên bố tổ chức này đã chiếm được căn cứ quân sự lớn ở thị trấn Maungdaw (bang Rakhine), theo trang tin Mint. Chuẩn tướng quân đội Thurein Tun, chỉ huy căn cứ đã bị bắt khi đang tìm cách chạy thoát.