(GLO)- Tốc độ tăng dân số của TP. Pleiku kéo theo yêu cầu sử dụng nước sinh hoạt thường ngày càng tăng, trong khi đó hệ thống cấp nước hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực tế này đã đặt ra yêu cầu phải nâng cấp, mở rộng quy mô, xây dựng mới hệ thống cấp nước để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của người dân thành phố.
Thực trạng cấp nước
Phối cảnh dự án. |
Theo dự báo của cơ quan quản lý, đến năm 2015, dân số TP. Pleiku là 224.701 người và tăng lên 267.995 người vào năm 2020. Đi liền với tốc độ tăng dân số thì nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cũng tăng lên, dẫn đến khả năng xuất hiện độ chênh lệch lớn giữa nhu cầu sử dụng nước và khả năng cấp nước của Công ty cấp nước sạch ngày càng cao. Dự lường được vấn đề này, báo cáo điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Pleiku đến năm 2020 đặt ra yêu cầu phát triển hệ thống cấp nước đảm bảo cung cấp lượng nước 49.000 m3/ngày vào năm 2015 và đến giai đoạn 2015-2020 đạt chỉ số 86.000 m3/ngày. Định hướng phát triển đã có, song thực tế hoạt động cung cấp nước sinh hoạt của đơn vị cấp nước hiện nay rất khó đáp ứng mục tiêu cấp nước đề ra. Nguyên nhân xuất phát từ thực tế nguồn nước cung cấp nhu cầu người sử dụng nước lấy từ hồ chứa nước Biển Hồ với trữ lượng nước trên 20 triệu m3, song quy trình cấp nước lại gặp khó khăn. Bởi lẽ, hệ thống cấp nước của thành phố đưa vào vận hành hơn 15 năm đã và đang trong giai đoạn xuống cấp. Tiếp đến, nhà máy nước được xây dựng với công suất thiết kế 20.000 m3/ngày nhưng chưa phát huy hết công suất thiết kế dẫn đến thời gian cấp nước không liên tục...
Có nhiều cách lý giải hạn chế này nhưng cơ bản là mạng lưới ống dẫn nước phân phối chưa đồng bộ và chưa kết nối được với khu vực dân cư vùng xa; trong khi đơn vị được giao nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt lại thiếu kinh phí đầu tư hạ tầng cấp nước để khắc phục hạn chế trên. Tính đến thời điểm này, TP. Pleiku vẫn còn khoảng 50% đến 60% dân số phải sử dụng giải pháp khoan-đào giếng để tận dụng nguồn nước ngầm giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt thường ngày. Thực trạng ấy không chỉ làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm dự trữ, mà chất lượng nước cũng không được kiểm soát chặt chẽ. Hơn nữa, quy trình cấp nước sinh hoạt không liên tục nên việc khởi động hệ thống bơm cấp nước cung cấp cho người sử dụng làm thay đổi áp lực, các lớp bám vào thành trong ống dẫn nước bị bong tróc ảnh hưởng đến chất lượng nước.
Hy vọng vào dự án cấp nước mới
Pleiku xứng tầm là trung tâm kinh tế-chính trị-văn hóa và xã hội của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Giác |
Dự án xây dựng mới hệ thống cấp nước tại xã Biển Hồ, công suất giai đoạn đầu là 30.000 m3/ngày, giai đoạn đến năm 2020 là 40.000 m3/ngày, tổng vốn đầu tư trên 231,5 tỷ đồng do Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku làm chủ đầu tư chính thức khởi công ngày 8-3-2014. Dự án sẽ hoàn thành đưa vào vận hành vào tháng 3-2015. Đề cập quy mô của dự án này, Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku-ông Nguyễn Trường Sơn cho biết: Hạng mục chính của dự án gồm cụm công trình thu và trạm bơm nước thô; tuyến ống chuyển tải nước thô; nhà máy xử lý bao gồm hạng mục cụm xử lý với ngăn phân chia lưu lượng-bể phản ứng có lớp cặn lơ lửng-bể tuyển nổi-bể lọc nhanh, nhà hóa chất, trạm bơm cấp 2 và nhà điều hành, các công trình phụ trợ khác như hồ lắng bùn…; mạng lưới chuyển tải phân phối và trạm bơm tăng áp. Đặc biệt, hệ thống tuyến ống chuyển tải và phân phối nước dài gần 20 km được đấu nối với hệ thống cấp nước hiện hữu của Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai thông qua đồng hồ tổng, tạo kết cấu cấp nước mạng vòng đảm bảo việc cấp nước được an toàn, liên tục đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho TP. Pleiku.
Cùng với nhà máy cấp nước hiện có, dự án sẽ góp phần nâng tỷ lệ số hộ của thành phố được sử dụng nguồn nước an toàn, liên tục, nhất là khu vực dân cư phía Đông-Tây thành phố, xã Trà Đa và khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bên cạnh đó, hệ thống cũng sẽ cung ứng nguồn nước sạch cho hoạt động dịch vụ, thương mại, sản xuất công nghiệp tại Khu Công nghiệp Trà Đa. Cũng theo ông Nguyễn Trường Sơn, dự án tạo tiền đề vững chắc để cải thiện điều kiện sống, đảm bảo sức khỏe của nhân dân. Đồng thời thúc đẩy kinh tế-xã hội, du lịch của thành phố phát triển, góp phần đưa TP. Pleiku phát triển văn minh-hiện đại, xứng tầm là trung tâm kinh tế-chính trị-văn hóa và xã hội của tỉnh Gia Lai. Ông Sơn mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện để dự án được triển khai đúng tiến độ.
Quang Văn