Kỳ vọng tín chỉ carbon từ rừng Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tây Nguyên có khoảng 2,5 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên khoảng 2,2 triệu ha, còn lại là rừng trồng; độ che phủ rừng bình quân là 46,19%. Với diện tích rừng hiện có, Tây Nguyên được đánh giá là nguồn hấp thụ và tích lũy carbon để hình thành khối lượng lớn tín chỉ carbon có thể mua bán, tạo ra tiềm năng kinh tế cho doanh nghiệp cũng như người dân.
Rừng quốc gia Yok Đôn (Tây Nguyên) có tiềm năng rất lớn trong việc xây dựng tín chỉ carbon

Rừng quốc gia Yok Đôn (Tây Nguyên) có tiềm năng rất lớn trong việc xây dựng tín chỉ carbon

Tiềm năng lớn

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Công ty Nam Tây Nguyên) đang quản lý hơn 27.200ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng lá rộng thường xanh ở các trạng thái khác nhau. Với diện tích và hiện trạng hiện có, rừng do Công ty Nam Tây Nguyên quản lý được đánh giá là đang phục hồi, phát triển sau khai thác và tích lũy một lượng carbon lớn hàng năm. Vì vậy, dự báo sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho doanh nghiệp trong việc xây dựng thương mại tín chỉ carbon rừng trong tương lai gần.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Công ty Nam Tây Nguyên, cho biết, diện tích rừng đơn vị đang quản lý bao gồm nhiều trạng thái đang phục hồi, được đánh giá có khả năng tích lũy carbon cao để hình thành tín chỉ carbon. “Hiện đơn vị đã xin chủ trương của UBND tỉnh Đắk Nông và Sở NN-PTNT tỉnh thực hiện thí điểm mô hình xây dựng tín chỉ carbon từ rừng và đã được khuyến khích thực hiện. Chúng tôi đã thuê các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước thực hiện xây dựng tín chỉ carbon trên lâm phần quản lý. Đây là mô hình mới nhưng sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế cho công ty nói riêng và ngành lâm nghiệp nói chung trong tương lai”, ông Bình kỳ vọng.

Tại Đắk Lắk, ông Phạm Tuấn Linh, Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, cho biết, cũng đang tìm hiểu các thủ tục pháp lý để lên kế hoạch xây dựng tín chỉ carbon từ rừng. Theo ông Linh, hiện đơn vị đang quản lý 115.000ha rừng đặc dụng, chủ yếu là rừng khộp với tốc độ tái sinh, sinh trưởng nhanh, là tiềm năng lớn trong hình thành khối lượng lớn tín chỉ carbon. “Việc xây dựng tín chỉ carbon là nhu cầu tất yếu cho các đơn vị lâm nghiệp trong tương lai. Bởi nguồn lợi mà tín chỉ carbon mang lại sẽ phần nào giải quyết bài toán kinh tế cho các đơn vị lâm nghiệp, nâng cao đời sống của những người giữ rừng”, ông Linh nhận định.

Cơ hội để phục hồi rừng

GS Bảo Huy (chuyên gia tư vấn độc lập về quản lý tài nguyên và môi trường rừng) đánh giá, thị trường tín chỉ carbon rừng còn chưa phổ biến ở Việt Nam, chỉ có vài dự án đang thực hiện nhưng cũng chưa thực sự tạo thị trường mua bán. Trong khi đó, các thị trường carbon ở nước ngoài đã hình thành từ lâu, các lĩnh vực, ngành, nhà máy phát thải khí CO2 trên hạn ngạch phải mua tín chỉ carbon vượt hạn ngạch.

Theo GS Bảo Huy, mỗi tín chỉ carbon rừng đại diện cho việc giảm hoặc loại bỏ 1 tấn carbon dioxide hoặc tương đương trong các khí nhà kính khác (CO2e), tùy theo đặc thù từng kiểu rừng, trạng thái mà có khả năng tích lũy carbon khác nhau. Rừng Tây Nguyên hiện nay được đánh giá sẽ tích lũy lượng lớn trữ lượng carbon và dự đoán sẽ mang lại nguồn lợi không nhỏ cho chủ rừng nếu hình thành được tín chỉ carbon và thương mại hóa.

“Hiện nay, nguồn lực để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế, trong khi rừng cung cấp nhiều dịch vụ sinh thái môi trường. Nếu xây dựng được thị trường tín chỉ carbon rừng sẽ tạo nguồn lực kinh tế cho chủ rừng, doanh nghiệp, người dân để đầu tư bảo vệ, phát triển rừng. Nếu thị trường tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam phát triển tốt sẽ là cơ hội để phát triển, phục hồi rừng, hướng đến quản lý rừng bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường. Do đó, ngành chức năng phải tạo điều kiện thuận lợi về các cơ chế, pháp lý, khuyến khích các đơn vị, người dân xây dựng tín chỉ carbon rừng”, GS Bảo Huy nhận định.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp mang tính chất định hướng để xây dựng tín chỉ carbon. Hiện nay, tỉnh Đắk Nông xây dựng phương án quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có, đồng thời phát triển các loại cây rừng mang lại hiệu quả về tín chỉ carbon.

“Tỉnh đang tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp lâm nghiệp xây dựng tín chỉ carbon rừng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai đồng bộ việc phát triển rừng, chống biến đổi khí hậu gắn với dịch vụ môi trường rừng để xây dựng tín chỉ carbon và bán trên thị trường trong tương lai”, ông Lê Trọng Yên cho biết thêm.

Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7-1-2022, năm 2025 sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon; đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để kỳ vọng tín chỉ carbon từ rừng Tây Nguyên.

Tín chỉ carbon rừng đại diện cho việc giảm hoặc loại bỏ 1 tấn carbon dioxide hoặc tương đương trong các khí nhà kính khác (CO2e). Tín chỉ carbon là một công cụ có thể chuyển nhượng được chứng nhận bởi Chính phủ hoặc cơ quan chứng nhận độc lập. Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải khí nhà kính bao gồm: giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường bể hấp thụ carbon từ hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật, và hoạt động tăng cường quản lý rừng.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.