Đau đáu với rừng Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi được giao nhiệm vụ công tác ở địa bàn Đắk Nông, Đắk Lắk, những tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Mỗi khi có những tuyến bài về đề tài lâm nghiệp thì phóng viên sẽ có những chuyến đi rừng như... “thổ địa”. 
Bên cạnh việc giáp mặt với lâm tặc, phu vàng thì còn phải kể đến những lần vượt suối, băng rừng với quãng đường hơn cả ngàn km. Những chuyến đi rừng dài ngày đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Hành trang mang về chất đầy nỗi ưu tư, đau đáu về cuộc sống khó khăn, vất vả cùng cực của người giữ rừng trên Tây Nguyên.
Giáp mặt với phu vàng
Cuối năm 2020, nhiều người dân trên địa bàn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông truyền tai kể cho nhau về một “ông trùm” điều hành đường dây khai thác vàng trên đất rừng phòng hộ. Họ núp bóng trồng rừng nhưng dựng lán trại, đào hầm và khai thác vàng rầm rộ, thu về bộn của…
Khu vực người dân đồn thổi được mệnh danh là “tam giác vàng” bởi có trữ lượng vàng sa khoáng lớn. Qua nắm bắt thông tin, phóng viên xác định đây là đất rừng phòng hộ ráp ranh giữa 3 xã Quảng Sơn, Đắk R’Măng và Đắk Ha của huyện Đắk Glong. Nhiều đối tượng đã biến nơi đây thành “cấm cung”, cắt cử người canh gác cẩn mật để khai thác vàng trái phép.
Để có thông tin viết bài, phóng viên đã mất nhiều thời gian mới tiếp cận được anh N. một người dân thông thuộc địa bàn này. Khi chiếm được lòng tin, anh N. đã chỉ cho chúng tôi những từ lóng, những mánh khóe để qua mắt các đối tượng khai thác vàng.
Trước khi đi, anh N. cảnh báo, đường vào mỏ vàng phải đi qua nhiều ngọn núi cao, cheo leo, mất nửa ngày trời mới tới. Nơi đó, không sóng điện thoại. Trong đó toàn dân “anh, chị” tứ xứ tập trung về đây. Nếu họ phát hiện là nhà báo thì có thể bỏ mạng ở như chơi…
Sau khi đã tỏ rõ quyết tâm, tờ mờ sáng N. dùng xe máy, quấn xích sắt 2 bánh, chở tôi từ cửa rừng phòng hộ Gia Nghĩa vượt qua những triền đồi cao hun hút. Trời vừa mưa nên đất đồi nhão nhoẹt, một người đi rừng lão luyện như anh N. mà cũng liên tục bị té ngã.
Đặc biệt, có nhiều đoạn dốc dựng đứng, chiếc xe gắn máy được độ chế, đôn nòng liên tục gầm rú mới vượt lên được các con dốc dựng đứng. Sau hơn 4 giờ đồng hồ băng rừng, chúng tôi đã đến vị trí khai thác vàng.
 
Vào mùa mưa, chỉ có những xe “độ chế” mới vượt qua thử thách những chặng đường lầy lộ, bùn đất nhão nhoẹt.
Vào mùa mưa, chỉ có những xe “độ chế” mới vượt qua thử thách những chặng đường lầy lộ, bùn đất nhão nhoẹt.
Tại đây, chúng tôi chứng kiến những đường hầm khai thác vàng đã ngừng hoạt động và cả những nơi đang vừa mới khai thác chưa lâu. Cũng tại đây, chúng tôi gặp một người xưng tên S, tỏ vẻ hoài nghi, liên tục chất vấn. Thế nhưng, với những kịch bản đã chuẩn bị từ trước chúng tôi nhanh chóng vượt qua được “thử thách”. Chuyện trò, S giới thiệu mình là chủ mỏ vàng và đã hoạt động nghề này nhiều năm.
Thấy chúng tôi giống như con mồi đang khát vàng, S lấy thanh đá màu trắng to bằng bắp chân để lên trên bàn rồi quảng cáo “ở đây ngoài vàng còn có cả đá Thạch Anh. Cái này tụi tôi đào xuống và thấy cả tảng dài, nhiều vô số kể… Các anh mua mỏ này được bao nhiêu, hợp lý tôi bán hết...”.
Lúc này, chúng tôi nói sẽ cử người trong nghề vào đánh giá trữ lượng, giá trị rồi mới thương lượng để thoát ra khỏi bãi vàng. Khi phóng viên về viết  bài thì các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã vào cuộc và xử lýt dứt điểm vụ việc. 
Truy vết lâm tặc phát hiện vỏ rừng, ruột rẫy
Một ngày đầu tháng 6.2021, thời tiết ở tỉnh Đắk Nông đã bước hẳn vào mùa mưa. Khi những cơn mưa nặng hạt xuất hiện thì cũng là thời điểm người dân xuống giống các loại cây trồng. Thời điểm này, ở các vựa cây giống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xuất hiện một số người lạ tìm mua cây cà phê với số lượng lớn để gieo trồng.
Những người mua cây giống này khá bí ẩn và khó hiểu, họ không để lộ bất cứ thông tin gì khi đi mua hàng. Có người đội mũ bảo hiểm kín mít. Sau khi mua hàng xong, người dân chỉ thấy họ đi về phía những cánh rừng tự nhiên…
Xâu chuỗi với một số vụ việc phá rừng gần đây được cơ quan chức năng phát hiện, chúng tôi nghi ngờ những cây giống này sẽ được trồng ở trong vùng lõi của những cánh rừng tự nhiên, khả năng cao là ở địa bàn xã Quảng Sơn.
Trong mùa mưa, để vào rừng, chúng tôi phải mua những bộ xích, gắn vào lốp xe máy để chống trơn trượt thì mới có thể vào rừng. Địa điểm phóng viên nhắm tới là những cánh rừng tự nhiên nằm ở tiểu khu 1644, 1645. Đây là những cánh rừng do Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Hợp Tiến, ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong quản lý.
Sau gần 1 tiếng đồng hồ chúng đã ở ngay bìa rừng. Thoạt nhìn bên ngoài thì tưởng chừng như những cánh rừng ở đây khá yên bình. Tuy nhiên, len lỏi qua một số lớp vỏ bọc bên ngoài có chiều dài 200 mét chúng tôi đã chứng kiến cảnh rừng bị phá hết sức tan thương.
Cảnh tượng lộ ra là những ngôi nhà lợp tôn, thưng ván gỗ, những vườn rẫy cà phê trồng cũ, trồng mới rộng bạt ngàn… bên những gốc cây bị đốt cháy trơ trụi. Thực ra, nhiều diện tích ở đây bên ngoài là rừng tự nhiên, nhưng bên trong lại là vườn rẫy được nhiều người dân canh tác, trồng cây công nghiệp.
 
Phóng viên Báo Lao Động thâm nhập hiện trường một vụ phá rừng.
Phóng viên Báo Lao Động thâm nhập hiện trường một vụ phá rừng.
Trước thông tin Báo Lao Động phản ánh, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã vào cuộc, chẩn chỉnh những hành vi vi phạm của Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Hợp Tiến. Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông cũng thu hồi dự án của Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Hợp Tiến và bàn giao cho cơ quan có năng lực quản lý. 
Đau đáu với người làm nhiệm vụ giữ rừng
Không chỉ có “đột nhập” rừng mới vất vả, khổ cực. Cuối năm 2021, khi thực hiện loạt bài 3 kỳ “góc khuất giữ rừng ở Tây Nguyên” phóng viên đã  di chuyển hơn 1.000km ở các đơn vị để có tư liệu viết bài.
Những chuyến đi rừng dài ngày đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Hành trang mang về chất đầy nỗi ưu tư, đau đáu về cuộc sống khó khăn, vất vả cùng cực của người giữ rừng trên Tây Nguyên. Rừng được ví như vàng, nhưng bấy lâu nay người giữ rừng đang “bạc mặt” với nghề.
Để hiểu về nổi khổ của người làm trong ngành lâm nghiệp, một ngày cuối năm 2021, phóng viên đã trực tiếp cùng với các nhân viên, cán bộ Vườn Quốc gia Tà Đùng ở tỉnh Đắk Nông mang theo gạo, cá khô, nước uống… tuần tra rừng suốt 1 tuần lễ.
5h sáng, chúng tôi xuất phát trong thời tiết lạnh cắt gia, cắt thịt, nhưng sau khi lội bộ vài trăm mét đường rừng đã phải đổ mồ hôi hột. Đường đi tuần tra rừng vô cùng trắc trở. Một cơ mưa nhỏ có thể biến những con đường mòn trơn như đổ mỡ. Hai bên đường đi là những vách núi cheo leo, chỉ cần sơ sẩy nhỏ là bỏ mạng như chơi...
Ở nơi rừng thiêng nước độc, những các nhân viên, cán bộ quản lý bảo vệ rừng phải nằm lại giữa rừng, uống nước suối, muỗi đói, vắt rừng, thú rừng nhăm nhe tấn công.  
Một chuyến “thăm rừng” thôi đã cơ cực đến vậy. Không hiểu bằng cách nào những người bảo vệ rừng tận gốc có thể miệt mài với công việc thường nhật suốt từ ngày này qua năm khác. Xem ra chỉ có lòng yêu nghề hoặc vất vả quá rồi cũng thành quen.
Gánh trên vai khối lượng công việc khổng lồ, áp lực thường trực đè nặng nhưng quyền lợi chính đáng của họ dường như bị “lãng quên”. Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách bố trí công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, không có ngày làm 8 tiếng, thứ 7, chủ nhật… Thế nhưng, ngoài lương bổng chỉ được vài triệu đồng/tháng thì người giữ rừng không có thu nhập gì tăng thêm, thậm chí nhiều đơn vị còn không đủ tiền trả lương cho người lao động.
Khó khăn vô vàn không thể kể ra hết được nên đã có rất nhiều người xót phận đã bỏ nghề, người mới tuyển chẳng ai giám vào. Nghề lâm nghiệp suy thoái nên các ngành đào tạo lâm sinh tuyển cũng chẳng có người học. Cứ đà này không biết mai này còn có ai giữ rừng Tây Nguyên.
Những nỗi ưu tư đó đã được phóng viên đăng tải kể về hành trình bảo vệ rừng gian khó, cán bộ “xin hàng”... Trước thực tế này, các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đã có những đề xuất Trung ương cải cách chế độ cho ngành lâm nghiệp. 
Theo Phan Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm