Kỳ vọng cao tốc Quy Nhơn-Pleiku: Kỳ 1-Quốc lộ 19 "oằn mình" vì quá tải

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trước thực trạng quốc lộ 19 xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu vận tải kết nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng Duyên hải miền Trung, đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum và Bình Định đã ký tờ trình chung gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét cho xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku. Nếu được xây dựng, tuyến cao tốc này sẽ góp phần giảm tải cho quốc lộ 19, tăng khả năng kết nối giữa Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực. 
Quốc lộ 19 được khởi công xây dựng từ thời Pháp thuộc. Tuyến đường này có tổng chiều dài 240 km (Gia Lai 169,5 km, Bình Định 70,5 km), có điểm đầu là Cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), điểm cuối là Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai). Đây là con đường huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng Duyên hải miền Trung. Sau năm 1975, cùng với sự phát triển của đất nước, quốc lộ 19 đã làm tốt sứ mệnh kết nối và mở ra cơ hội giao thương hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, do phải gánh chịu lượng phương tiện lớn, tuyến đường ngày càng xuống cấp, không đáp ứng đủ nhu cầu vận tải.
Quốc lộ 19-đoạn qua xã Hà Tam (huyện Đak Pơ) có bề mặt khá hẹp. Ảnh: T.D
Quốc lộ 19-đoạn qua xã Hà Tam (huyện Đak Pơ) có bề mặt khá hẹp. Ảnh: T.D
Huyết mạch giao thông xuống cấp
Trước sự xuống cấp của quốc lộ 19, Nhà nước đã nhiều lần đầu tư sửa chữa. Đặc biệt, đầu năm 2016, Bộ Giao thông-Vận tải phối hợp cùng 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định đã tổ chức lễ thông xe 2 đoạn quốc lộ 19 (đoạn Km 108+00 đến Km 131+300 thuộc tỉnh Gia Lai và đoạn Km 17+027 đến Km 50+00 thuộc tỉnh Bình Định) sau 2 năm đầu tư cải tạo, nâng cấp theo hình thức hợp đồng BOT. Việc hoàn thành dự án này có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và tăng thu ngân sách cho 2 tỉnh Gia Lai, Bình Định nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Tuy nhiên, tuyến quốc lộ 19 qua địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn chưa được đầu tư đồng bộ nên qua thời gian sử dụng cùng với nhu cầu vận tải ngày càng cao, một số đoạn đã bị hư hỏng. Đặc biệt, đoạn từ thị trấn Đak Pơ đến đèo Mang Yang đã xuống cấp, ảnh hưởng lớn tới việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân. Sinh sống lâu năm bên tuyến quốc lộ này, ông Nguyễn Văn Thép (thôn 1, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) cho rằng: “Quốc lộ 19 hiện nay đã trở nên quá chật hẹp so với mật độ xe cộ qua lại. Nhiều đoạn qua xã Hà Tam bị trũng, mưa xuống là nước tràn vào nhà dân. Chúng tôi vẫn luôn kỳ vọng về một con đường rộng lớn và an toàn hơn để đi lại, vận chuyển hàng hóa”. Còn ông Nguyễn Văn Tình (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) thì cho biết: “Quốc lộ 19 dù đã qua nhiều lần nâng cấp, sửa chữa nhưng những năm gần đây, lưu lượng phương tiện lưu thông đông đúc khiến con đường bị quá tải, ảnh hưởng lớn tới độ an toàn của người dân khi tham gia giao thông”.
Quốc lộ 19-đoạn qua đèo An Khê khá hẹp, gây nhiều khó khăn cho phương tiện lưu thông. Ảnh: Duy Lê
Quốc lộ 19-đoạn qua đèo An Khê khá hẹp, gây nhiều khó khăn cho phương tiện lưu thông. Ảnh: DUY LÊ
Theo nhiều tài xế ô tô, họ thường rất mệt mỏi khi lái xe trên quốc lộ 19. Anh Nguyễn Thanh Hùng-tài xế xe tải ở Gia Lai-chia sẻ: “Vì công việc nên tôi thường phải đi qua quốc lộ 19. Dù điều khiển xe với tốc độ trung bình nhưng nhiều lúc vẫn nơm nớp lo sợ bởi đường hẹp, lại có nhiều khúc cua, trong khi lưu lượng xe qua lại thì rất đông”. Còn tài xế Đặng Kim Hoàng (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cho hay: “Mỗi ngày, tôi phải vận chuyển 1 hoặc 2 chuyến hàng từ Bình Định lên Gia Lai. Việc lưu thông trên cung đường này khiến tôi rất áp lực”.
Ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương
Việc con đường huyết mạch kết nối vùng bị quá tải đang ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng như khu vực Tây Nguyên. Bởi lẽ, quốc lộ 19 là tuyến giao thông quan trọng có tác dụng thúc đẩy kinh tế-xã hội Gia Lai phát triển mạnh mẽ. Mặt khác, quốc lộ 19 còn có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia qua Cảng Quy Nhơn. Tuyến đường này đi qua một vùng đất rộng lớn, có nhiều tiềm năng lợi thế về rừng, thủy điện, khoáng sản, cây công nghiệp dài ngày; qua những vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời, đời sống văn hóa đặc sắc, có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… thuận lợi trong phát triển nhiều loại hình dịch vụ du lịch.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ 19 đoạn qua huyện Đak Pơ , nguyên nhân do mặt đường hẹp. Ảnh: N.M
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ 19 đoạn qua huyện Đak Pơ , nguyên nhân do mặt đường hẹp. Ảnh: N.M
Theo Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Thị Thanh Lịch, quốc lộ 19 có vai trò đặc biệt trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của thị xã. Tuy nhiên, cũng chính bởi vai trò đặc biệt ấy đã khiến con đường trở nên quá tải và đang trong tình trạng xuống cấp, gây khó khăn trong lưu thông. Điều này đã gây nhiều trở ngại cho sự phát triển của các địa phương có tuyến quốc lộ chạy qua, trong đó có thị xã An Khê. “Đây là tuyến giao thông rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như của thị xã, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng Quy Nhơn. Tuy nhiên, do đưa vào khai thác, sử dụng khá lâu, dù nhiều lần được đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhưng tuyến quốc lộ 19 vẫn còn nhiều hạn chế, không đáp ứng được lượng xe lưu thông không ngừng tăng cao. Đồng thời, nhiều đoạn quốc lộ 19 đi qua khu vực nội thị và khu dân cư trên địa bàn tỉnh nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông”-Bí thư Thị ủy An Khê thông tin.
Ông Nguyễn Văn Tình (ở giữa-sinh năm 1934, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) kỳ vọng vào một con đường đảm bảo an toàn. Ảnh: T.D
Ông Nguyễn Văn Tình (ở giữa-sinh năm 1934, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) kỳ vọng vào một con đường đảm bảo an toàn. Ảnh: T.D
Còn theo ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ, tuyến quốc lộ 19 đi qua địa bàn huyện có nhiều đoạn bị hư hỏng nghiêm trọng. Nguyên nhân là do lượng xe di chuyển nhiều, phần khác là do tuyến đường đã sử dụng lâu năm. Hiện nay, hầu hết các mặt hàng nông-lâm sản của địa phương đều vận chuyển qua tuyến quốc lộ 19 để xuất khẩu qua Cảng Quy Nhơn. Trong khi lượng hàng hóa, nông sản… ngày càng nhiều thì tình trạng quốc lộ 19 xuống cấp đang ảnh hưởng không nhỏ trong việc giao thương, buôn bán. Việc hình thành một con đường cao tốc sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh không chỉ cho riêng Đak Pơ mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm như Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên.
Có thể khẳng định rằng, việc xây dựng một tuyến đường mang tầm vóc lớn hơn để gánh vác “sứ mệnh” cùng quốc lộ 19 là hết sức cần thiết. Tuyến đường mới này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và là “đường băng” để Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung “cất cánh” trong tương lai.
NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.