(GLO)- Hoàn thành sứ mệnh lịch sử sau 11 năm tồn tại, Trường Nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh không nơi nương tựa tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã chắp cánh cho một thế hệ học trò bay cao, vươn xa trên các cương vị công tác sau này hoặc chí ít cũng trở thành những công dân tốt. Đó là niềm tự hào của cả thầy và trò nhà trường trong những cuộc hội ngộ xúc động.
“Có 2 lý do để trường giải thể: Một là năm 1987 đất nước bước vào giai đoạn đổi mới nhưng còn nhiều khó khăn. Hai là trường cũng hết nguồn học sinh”-nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Công Khóa chậm rãi chuyện trò. 37 học sinh còn lại khi đó được chuyển sang học ở trường nội trú.
Những “hạt giống đỏ” nảy mầm
Cầm trên tay danh sách hơn 200 học trò của trường kết nối lại và giữ liên hệ trong nhiều năm trở lại đây, thầy Khóa nhắc đến những cái tên làm nên niềm tự hào của ngôi trường đặc biệt này. Ở Kon Tum có bà Nguyễn Thị Ven-nguyên Giám đốc Sở Y tế, hiện là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh; ông Rơchâm Giáo-nguyên Bí thư Huyện ủy Sa Thầy; ông Mai Ngọc Chinh-Phó Giám đốc Agribank-Chi nhánh Kon Tum; ông Rơchâm Long-Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; ông Đỗ Sum-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Glei… Ở Gia Lai cũng có không ít học trò cũ của trường đang nắm giữ những cương vị quan trọng trong hệ thống chính trị tỉnh như ông Hồ Văn Điềm-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh… Không thể không tự hào bởi trường đã hoàn thành lời nhắn nhủ, gửi gắm của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, đó là nuôi dạy để học sinh trở thành lớp cán bộ kế cận của Tây Nguyên.
|
Ngôi trường xưa giờ là Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Kon Tum. Ảnh: Phương Duyên |
Thầy Khóa cũng chia sẻ một thông tin thú vị: Từ năm 1985, ông Nguyễn Văn Hạnh-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh Gia Lai-Kon Tum khi ấy đã có một chính sách riêng dành cho học sinh nhà trường, đó là đỡ đầu bằng cách tài trợ chi phí ăn ở, đi lại và học phí cho học sinh có nguyện vọng theo ngành Ngân hàng ngay từ khi học THPT đến lúc hoàn thành chương trình đại học; ra trường là có sẵn biên chế. Với chính sách này, ông Hạnh (nay đã mất) là người có công đào tạo rất nhiều cán bộ ngân hàng cho cả 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum hiện nay. Ngoài ra, các ngành Công an, Quân đội, Sư phạm... cũng được học sinh chọn học khá nhiều. “Còn các em làm trưởng thôn hoặc công tác ở cấp xã thì nhiều lắm!”-ánh mắt thầy Khóa tỏa niềm hạnh phúc như thể đang nói về sự thành đạt của những đứa con trong gia đình.
“Trường đã cho tôi nên người”
Một trong những người trưởng thành từ mái trường và từ lòng nhân ái của ông Hạnh là ông Lâm Văn Nhàn-nguyên Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Agribank-Chi nhánh Mang Yang Đông Gia Lai. “Nếu không có ngôi trường đó thì chưa chắc tôi được ăn học đến nơi đến chốn và nên người”-ông Nhàn tâm tình.
Sau khi cha hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, ông Nhàn được đưa vào học ở trường trong thời gian khá dài, từ 1976 đến 1983. Hết lớp 9, ông theo học Trường THPT Kon Tum nhưng vẫn ăn ở tại trường. Những năm tháng ấy mãi tươi xanh trong tâm trí ông, như một khu vườn ký ức. Ông Nhàn hồi nhớ: Dù khó khăn nhiều mặt song các thầy cô rất tình cảm, lo từng miếng ăn giấc ngủ, nhất là với các em nhỏ. Ngoài kiến thức, thầy cô còn dạy cho học sinh những bài học sâu sắc về giá trị của lao động. Sau này, được ông Hạnh tài trợ, ông Nhàn thi đỗ Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, ra trường thì về làm việc ngay ở ngân hàng. “Phải nói tôi là người may mắn. Nhà trường đã cho tôi bước đệm quá tốt. Vì vậy, sau này, tôi bước vào cuộc sống vững vàng hơn, tin tưởng hơn. Làm ngân hàng thời bao cấp nhiều vất vả, nhưng do được dạy tự lập từ nhỏ nên tôi luôn nghĩ, khó khăn nào mình cũng vượt qua”-ông Nhàn chia sẻ.
|
Cuộc hội ngộ của thầy và trò Trường Nuôi dạy con liệt sĩ Kpă Kơ Lơng vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm 2022 (ảnh nhân vật cung cấp). |
Cũng dành cho trường bao dòng hồi tưởng khó quên là ông Rơchâm Giáo-nguyên Bí thư Huyện ủy Sa Thầy. Trong bức ảnh quý của trường, ông là chàng thanh niên đội mũ ca lô, đứng phía tay trái Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ông Giáo cho hay, sau khi cha mẹ qua đời, 3 anh, chị ruột lên đường tham gia cách mạng và đều hy sinh. Ông từng chới với khi mất đi những điểm tựa vững chắc. Vậy nên giờ đây khi ngoái nhìn, ông không ngần ngại nhận định: “Nếu không có ngôi trường này, nhiều con em cán bộ, công nhân viên, người dân, trong đó có tôi sẽ bơ vơ lắm”.
Trước khi vào trường, ông Giáo làm liên lạc tại huyện H67 (nay là huyện Sa Thầy) những năm 1969-1973. Sau đó, ông theo học Trường Quân chính Mặt trận B3 (thuộc Quân đoàn 3). Đầu năm 1976, trường giải thể. Ở tuổi 17, ông được đưa vào Trường Nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh không nơi nương tựa của tỉnh để học tiếp… lớp 5. Lớn tuổi, có kinh nghiệm thực tế nhờ đã trải qua nhiều môi trường nên ông được giao làm công tác Đoàn, tập hợp học sinh. Với sự chỉ bảo của thầy cô cộng với trách nhiệm bản thân, ông đã trở thành “người anh cả” trong trường. Với học sinh cá biệt, ngang ngạnh, ông gọi ra tâm sự, giảng giải, phê bình có lý có tình.
Năm 1980, khi học xong lớp 9 tại trường, ông Giáo đăng ký học sư phạm hệ 9+2 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai-Kon Tum. Ra trường đi dạy một thời gian, ông tiếp tục trải qua các vị trí công tác tại Kon Tum như: Phó Bí thư, Bí thư Huyện Đoàn Sa Thầy; Trưởng phòng Phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh; Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Trưởng ban Dân tộc tỉnh; Bí thư Huyện ủy Sa Thầy và đến năm 2020 thì về hưu. Quãng đời ấy không phai mờ kỷ niệm năm tháng học tập tại ngôi trường đặc biệt, nơi từ đó ông mau chóng trưởng thành và cống hiến.
Nụ cười, nước mắt ngày gặp lại
Sau ngày Trường Nuôi dạy con liệt sĩ Kpă Kơ Lơng giải thể, mỗi người một phương, thêm vào đó là những lo toan cuộc sống nên hầu như giáo viên và học sinh rất ít cơ hội gặp lại nhau. Ôm trong lòng niềm thương nhớ mái trường thân yêu mỗi khi nhắc nhớ, năm 2010, ông Trần Ngọc Tuấn (hiện đang sinh sống tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) quyết tâm kết nối lại với những người bạn thuở thiếu thời.
Quê gốc Quảng Nam nhưng ông Tuấn sinh ra, lớn lên ở huyện Đak Đoa. Bố là liệt sĩ, năm 1976, ông được đưa vào trường. Sự tận tâm của thầy cô đã chắp cánh cho tình yêu con chữ trong ông.
Ông Tuấn hồi nhớ: Năm 1978, là học sinh giỏi nên ông được đi cùng đoàn học sinh của trường ra thăm Lăng Bác. Với một học sinh Tây Nguyên, đây là mơ ước lớn lao. Năm 1981, sau khi ra trường, ông về lại quê hương Quảng Nam. Cuộc sống có những thăng trầm riêng và ông an phận làm chủ quán mì Quảng. Những khi khó khăn, ông nghĩ về tình thầy trò ấm áp ở trường xưa, như một chốn quay về của tâm tưởng. Ngày gặp mặt đầu tiên vào dịp 27-7-2011 của thầy và trò nhà trường tại TP. Kon Tum có sự góp công rất lớn của ông. Ông Tuấn bùi ngùi: “Chúng tôi ôm nhau khóc sau hàng chục năm gặp lại...”. Từ đây, ngày gặp mặt hàng năm được tổ chức luân phiên giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Năm nào, ông Tuấn cũng trở về để được khóc cười với bè bạn.
|
Bà Trương Thị Hổ và cô giáo Trịnh Thị Minh (thứ 3, 4 từ trái sang) trong niềm hạnh phúc ngày hội ngộ (ảnh nhân vật cung cấp). |
“Vẫn được chăm sóc, thương yêu như ngày nào”-đó là cảm xúc của bà Trương Thị Hổ (trú tại thôn An Điền Nam, xã Cửu An, thị xã An Khê) sau mỗi cuộc hội ngộ. Là bởi, bà là một trong những học sinh khuyết tật của trường khi xưa. Năm 1968, khi mới vài tuổi đầu, bà cùng mẹ và 2 anh chị bị địch bắt giam vì có cha theo cách mạng. Trong tù, bà chẳng may bị sốt bại liệt khiến 2 chân teo dần. Thấy cô bé nhỏ tuổi, ốm yếu phải chật vật dùng nạng di chuyển, thầy cô ai cũng thương, nhất là cô Trịnh Thị Minh. Bà Hổ xúc động kể: “Hồi lớp 5, khi làm chủ nhiệm, cô Minh lúc nào cũng yêu thương tôi hết mực, chăm sóc từng ly từng tí. Những khi buồn, cô ở cạnh bên an ủi, động viên như người mẹ thứ hai”. Còn cô Minh cũng chưa bao giờ quên cô trò nhỏ: “Con bé tuy tật nguyền nhưng học giỏi lắm. Tôi cứ lấy đó làm gương để động viên các bạn khác trong lớp”.
Năm 1983, học hết lớp 9, bà Hổ quay về An Khê học tiếp. Có cái chữ nhưng phận không may đeo bám từ nhỏ nên bà gặp nhiều khó khăn. Cuộc sống riêng cũng đơn chiếc, lẻ loi. Bà chia sẻ: “Tôi được giúp đỡ rất nhiều. Năm nào gặp mặt, tôi và những bạn học có hoàn cảnh khó khăn đều được tặng phần quà. Cảm động đến rơi nước mắt”.
Năm 2022 là lần đầu tiên cô giáo Trịnh Thị Minh từ Hà Nội trở về trong ngày hội ngộ thầy-trò. Cô Minh nhắc lại chuyện cũ: Đầu năm 1985, cô xin chuyển về Bắc dạy học do gia đình neo người, cha mẹ già yếu. Đau đáu về nơi mình gắn bó một thời tuổi trẻ, cô luôn mơ một lần quay lại xem Gia Lai-Kon Tum giờ thế nào, học trò của mình trưởng thành ra sao. Sau gần 40 năm xa cách, cô vẫn nhận ra ngay cô bé Hổ ngày nào, cô cũng nhớ từng học sinh và cá tính mỗi em. “Ấm áp, thân thương, gần gũi quá! Như mới hôm qua”-cô Minh trải lòng.
Nhưng cô không dễ nhận ra những con đường, những buôn làng từng in dấu chân mình khi về thăm lại. Kon Plông, đèo Măng Đen, Biển Hồ... tất cả đều đã khác xưa. Ngôi trường cũ giờ là Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Kon Tum (số 115 đường Bắc Kạn, TP. Kon Tum). Vùng đất này đã đổi thay và phát triển nhanh. Khi chúng tôi nói rằng, thành quả ấy có sự góp sức không nhỏ của giáo dục, trong đó có ngôi trường cô từng công tác, cô Minh khiêm tốn bày tỏ, mình chưa làm được gì nhiều. Và, cô giáo dành phần lớn tuổi thanh xuân gắn bó với mái trường hết sức đặc biệt ấy đoạn chắc: “Nếu còn sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục trở về”.
PHƯƠNG DUYÊN