(GLO)- Mới đây, P.V Báo Gia Lai có dịp tiếp cận một văn bản quý đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, đó là Quyết định số 108/QĐ của UBND cách mạng tỉnh Gia Lai-Kon Tum về việc thành lập Trường Nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh không nơi nương tựa của tỉnh vào năm 1976. Qua nỗ lực tìm kiếm nhân chứng liên quan, chúng tôi đã ghi nhận nhiều thông tin lý thú về ngôi trường chuyên biệt ra đời cách đây gần nửa thế kỷ. Tuy thời gian hoạt động chỉ kéo dài 11 năm nhưng trường đã để lại những dấu ấn khó quên.
Vừa bước ra khỏi 2 cuộc trường kỳ kháng chiến với bao bộn bề, gian khó, Trường Nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh không nơi nương tựa của tỉnh là minh chứng cho một chính sách hết sức nhân văn của chính quyền cách mạng khi đó. Tuy nhiên, việc lần tìm dấu tích, thông tin về ngôi trường mang ý nghĩa lịch sử này lại không hề dễ dàng, bởi hiện giờ còn rất ít người nhớ đến sự tồn tại của nó.
Từ những dấu tích mờ nhạt
Theo Quyết định số 108/QĐ của UBND cách mạng tỉnh Gia Lai-Kon Tum, Trường Nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh tỉnh Gia Lai-Kon Tum được thành lập ngày 20-6-1976. Cụ thể, UBND cách mạng tỉnh giao Ty Thương binh và Xã hội thành lập trường với số lượng học sinh từ 100 đến 150 cháu trở lên. Tổ chức bộ máy của trường gồm: hiệu trưởng, hiệu phó, 3 giáo viên, 7 cán bộ công nhân viên phục vụ nuôi dạy, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho các cháu theo kinh phí sự nghiệp. Trong quá trình thực hiện, nếu tỷ lệ học sinh tăng lên trên mức quy định thì sẽ nghiên cứu bổ sung.
Quyết định ghi rõ: “Ty Thương binh và Xã hội tỉnh trực tiếp lãnh đạo trường mọi mặt, bên cạnh đó cần phối hợp chặt chẽ với Ty Giáo dục tỉnh để có kế hoạch, biện pháp tổ chức và chỉ đạo cụ thể, kịp thời triển khai đảm bảo cho việc nuôi dạy các cháu tốt, đạt chất lượng hiệu quả cao. Văn phòng UBND cách mạng tỉnh, Phòng Tổ chức Ủy ban tỉnh, Ty Tài chính tỉnh, Ty Thương binh và Xã hội tỉnh, Trường Nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh tỉnh có trách nhiệm thi hành quyết định này”. Người ký quyết định là ông Ngô Thành-Phó Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Gia Lai-Kon Tum, sau này là Phó Bí thư Tỉnh ủy.
|
Tổng Bí thư Lê Duẩn (thứ 7 từ trái sang) đến thăm thầy và trò Trường Nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh tỉnh Gia Lai-Kon Tum vào tháng 7-1977 (ảnh tư liệu). |
Chúng tôi đã tìm gặp ông Ngô Thành để làm rõ thêm những thông tin về Trường Nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh tỉnh. Vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn ở tuổi 95, ông Ngô Thành hồi tưởng: Sau ngày giải phóng, công tác chăm lo con liệt sĩ, thương binh được lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm. Khi đó, tỉnh có thành lập 2 trường vừa học vừa làm đặt tại huyện Đak Tô và Kbang; các trường này đều có những ưu tiên đặc biệt dành cho con em gia đình thương binh, liệt sĩ. Song, đáng tiếc là dù đã dành nhiều thời gian gợi nhớ, tâm trí ông không còn lưu lại thông tin gì về ngôi trường đặc biệt được thành lập cách đây gần nửa thế kỷ.
Lần tìm một số chi tiết về lãnh đạo Ty Giáo dục, Ty Thương binh và Xã hội thời kỳ sau giải phóng, chúng tôi được biết, phần lớn họ đã qua đời hoặc quá già yếu. Cuối cùng, chúng tôi cũng liên hệ được qua điện thoại với ông Nguyễn Thanh Bình-thời điểm năm 1976 là Phó Trưởng ty Giáo dục Gia Lai-Kon Tum, sau này là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai. Ông Bình năm nay 88 tuổi, đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Khi được hỏi về ngôi trường này, ông kể: Trường nằm ở thị xã Kon Tum, cơ sở vật chất tận dụng từ một khu tập thể và sửa sang lại để thực hiện nhiệm vụ tỉnh giao. Số lượng học sinh lúc đó khoảng 150 em. Ông đã đến thăm trường nhiều lần và ghi nhận: Dù gặp không ít khó khăn song cán bộ, giáo viên nhà trường luôn nỗ lực trong việc nuôi dạy con em liệt sĩ, thương binh không nơi nương tựa. Tuy nhiên, khi được hỏi về thời gian tồn tại của nhà trường thì ông không nhớ rõ.
Một chính sách nhân văn
Theo tìm hiểu của P.V, liên quan đến chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước, ngày 5-4-1976, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 60-CP “Về việc bổ sung một số điểm về chính sách đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ”. Ở mục “Chăm sóc, giáo dục con liệt sĩ”, Quyết định nêu rõ: “Chăm sóc, giáo dục con liệt sĩ là vừa để thể hiện đền ơn trả nghĩa những người đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vừa nhằm bồi dưỡng, đào tạo các con liệt sĩ thành những con người mới xã hội chủ nghĩa, những người lao động có văn hóa, có chuyên môn kỹ thuật giỏi, những cán bộ có đạo đức và tài năng để xây dựng đất nước”.
Để thực hiện chủ trương này, quyết định trên yêu cầu: “Đối với con liệt sĩ mồ côi cả cha mẹ mà không có người thân thuộc trực tiếp săn sóc, nuôi dưỡng, thì chính quyền và đoàn thể ở địa phương có trách nhiệm trước hết phải tích cực vận động Nhân dân đảm nhiệm việc nuôi dạy các cháu, bằng các hình thức như giao cho từng gia đình, hợp tác xã, cơ quan, xí nghiệp nhận nuôi hoặc đỡ đầu các cháu; tập trung các cháu vào một xã có phong trào khá về chấp hành chính sách thương binh liệt sĩ để giao cho các gia đình tốt nhận nuôi các cháu, các cháu học tại trường của địa phương, có sự theo dõi, kèm cặp giúp đỡ của nhà trường, chính quyền và các đoàn thể Nhân dân ở trong xã. Sau khi đã tích cực giải quyết theo hướng trên đây, mà vẫn còn một số con liệt sĩ chưa có nơi đảm nhiệm việc nuôi dạy, thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể tổ chức các trại để nuôi dạy tập trung các cháu và cho các cháu học tại trường của địa phương. Trại có một số giáo viên và nhân viên để quản lý trông nom, kèm cặp, dạy dỗ các cháu học tập ngoài giờ học tập ở trường”.
|
Quyết định thành lập Trường Nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh tỉnh do UBND cách mạng tỉnh Gia Lai-Kon Tum ban hành ngày 20-6-1976. |
Bà Trịnh Thị Thu Hương-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh: “Chúng tôi, những người làm công tác lưu trữ đã không khỏi xúc động khi lật từng trang tài liệu này. Những cống hiến và hy sinh của thương binh, liệt sĩ cùng thân nhân của họ không bao giờ là vô nghĩa và sẽ mãi được khắc ghi, đền đáp bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhất”. |
Tiếp đó, ngày 24-7-1976, nhằm hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 60, Liên bộ Giáo dục-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 16-TT/LB “Về việc tăng cường chăm sóc và giáo dục con liệt sĩ trong tình hình mới”. Đáng nói là không chờ thông tư hướng dẫn, UBND cách mạng tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã “đi trước” 1 tháng khi ra quyết định thành lập một ngôi trường nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh (không chỉ là trại) với quy mô lên đến 150 em vào ngày 20-6-1976. Như vậy, khi đó, lãnh đạo tỉnh đã lĩnh hội rất sát tinh thần của Quyết định số 60, song cũng đầy trách nhiệm và quyết tâm khi đưa ra quyết định trên trong điều kiện địa phương đang phải đối mặt với không ít tổn thất, gian nan thời hậu chiến.
Trong lúc nỗ lực tìm kiếm thêm thông tin và dấu tích ngôi trường hết sức chuyên biệt này, được sự giới thiệu của bà Trịnh Thị Thu Hương-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, chúng tôi được tiếp cận thêm một tài liệu khác cũng đang bảo quản tại Trung tâm, đó là Quyết định số 75/UBND ngày 28-7-1988 của UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum “Về việc chuyển Trường Nuôi dạy con liệt sĩ Kpă Kơ Lơng thành Trường Phổ thông trung học nội trú dân tộc trực thuộc Sở Giáo dục Gia Lai-Kon Tum”. Người ký quyết định là ông Sô Lây Tăng, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh. Băn khoăn lớn nhất của chúng tôi là: Trường Nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh không nơi nương tựa của tỉnh và Trường Nuôi dạy con liệt sĩ Kpă Kơ Lơng có phải là một? Có bao nhiêu người đã trưởng thành, cống hiến nhờ sự nuôi dạy tận tâm của các thầy-cô giáo nơi đây?
Và rồi, như một cơ duyên kỳ lạ, chúng tôi đã may mắn liên lạc được với các thầy-cô giáo từng công tác tại Trường Nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh không nơi nương tựa tỉnh Gia Lai-Kon Tum thông qua sự chỉ dẫn, kết nối của một số nhân chứng. Từ đây, nhiều câu chuyện lý thú về ngôi trường chuyên biệt “có một không hai” ở Bắc Tây Nguyên đã được mở ra.
PHƯƠNG DUYÊN