Ký ức ngày toàn thắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Toàn thắng rồi! Giải phóng rồi! Độc lập, tự do rồi các đồng chí ơi!”-hàng vạn người lính tham gia giải phóng Sài Gòn hô vang, sung sướng ôm chầm lấy nhau khi nghe tin Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào trưa 30-4-1975. Khoảnh khắc lịch sử ấy cùng những tháng năm trường kỳ kháng chiến đã trở thành một phần ký ức đầy tự hào trong họ mỗi lần nhắc nhớ.

Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch, đặt tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh; thông qua phương án chiến dịch lần cuối. Một lực lượng lớn chủ lực và binh khí kỹ thuật cho chiến dịch được tập hợp. Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định: “Đánh đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc cuộc chiến tranh, giành thắng lợi triệt để”. Ngày 26-4-1975, chiến dịch chính thức bắt đầu. Ta đặt ra 5 mục tiêu chủ yếu trong nội thành Sài Gòn phải nhanh chóng đánh chiếm là: Bộ Tổng tham mưu ngụy, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng nha Cảnh sát và Dinh Độc Lập.

Trận quyết chiến cuối cùng

Qua lời giới thiệu của Hội Cựu chiến binh TP. Pleiku, tôi tìm đến thôn 2 (xã Biển Hồ) để gặp ông Nguyễn Xuân Hòa-người lính lái xe tăng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cách đây 48 năm. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 5-1972, ông Hòa tạm gác bút nghiên rời quê nhà Vĩnh Phúc lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Hoàn thành 3 tháng huấn luyện kỹ thuật lái xe tăng tại Binh chủng Tăng thiết giáp, ông cùng đồng đội nhận phương tiện, củng cố trang bị rồi hành quân thẳng tiến vào chiến trường miền Nam. Tại đây, ông Hòa được biên chế vào Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 273, Quân đoàn 3; trực tiếp góp mặt trong các trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột, Pleiku... Đêm 28 rạng sáng 29-4-1975, thực hiện nhiệm vụ được giao, Tiểu đoàn 2 phối hợp với Tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn 273 theo hướng quốc lộ 1 và 15 thẳng tiến vào Sài Gòn rồi đánh vào căn cứ huấn luyện Quang Trung, tiến đến Bộ Tổng tham mưu ngụy và Sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Hòa hồi tưởng: Trên xe tăng lúc bấy giờ ngoài lái xe là tôi còn có 1 đồng chí chỉ huy và 2 pháo thủ. Xe tăng được trang bị 44 viên đạn pháo, 2.500 viên đạn cho súng máy PKT, 2 thùng đạn tại buồng lái với 500 viên và đổ đầy 812 lít dầu, sẵn sàng chiến đấu. Dưới sự dẫn đường của giao liên, chúng tôi đánh hành tiến theo kế hoạch, thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn. Địch kháng cự vô cùng quyết liệt, dồn dập phục kích bằng đạn, pháo từ trên nhà cao tầng khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn. Khi vào đến ngã tư Bảy Hiền, xe tăng của tôi bị trúng đạn, đứt dây xích không thể di chuyển nữa; đồng chí Hà Văn Sầu-pháo thủ số 2 hy sinh ngay trên xe. Chúng tôi nén đau thương, bàn giao thi thể đồng chí Sầu cho lực lượng bộ binh chuyển về tuyến sau rồi xuống xe cầm súng tiếp tục chiến đấu.

Với ông Nguyễn Xuân Hòa (bìa trái, thôn 2, xã Biển Hồ, TP. Pleiku), thời khắc Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện là ký ức không thể nào quên. Ảnh: Hồng Thi

Với ông Nguyễn Xuân Hòa (bìa trái, thôn 2, xã Biển Hồ, TP. Pleiku), thời khắc Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện là ký ức không thể nào quên. Ảnh: Hồng Thi

Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với tư cách là một người lính của Sư đoàn 324 (Quân đoàn 2), cựu chiến binh Tạ Văn Dũng (tổ 1, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) cũng bồi hồi xúc cảm khi nhắc nhớ về trận quyết chiến cuối cùng của quân và dân ta vào những ngày cuối tháng 4-1975. Theo lời ông Dũng, sau khi cùng với lực lượng Quân khu 5, quân và dân địa phương giải phóng Huế-Đà Nẵng, đơn vị của ông cùng các lực lượng Quân đoàn 2 nhận lệnh tiến về Sài Gòn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Theo 2 đường chính dẫn vào nội đô là xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa và Long Thành-Nhơn Trạch-Thành Tuy Hạ-Sài Gòn, Quân đoàn 2 đã tổ chức đội hình chiến đấu có lực lượng đột kích mạnh gồm xe tăng, pháo binh, pháo phòng không và bộ binh, cùng với quân dân vùng Đông và Đông Nam Sài Gòn tiến công dũng mãnh, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng địch phòng ngự trên hướng này; nhanh chóng đưa lực lượng thọc sâu đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng.

“Trong trận tiến công này, Sư đoàn 324 làm nhiệm vụ dự bị chiến lược cho Quân đoàn 2. Trên đường di chuyển, chúng tôi chủ yếu ngồi trên xe chiến đấu, chỉ xuống xe tản ra đánh khi đến các mục tiêu lớn. Vì đã là sào huyệt cuối cùng nên quân ngụy tử thủ và chống trả quyết liệt. Nhưng, tôi cùng các chiến sĩ của Quân đoàn 2 đã anh dũng chiến đấu, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc ta”-ông Dũng kể.

Cựu chiến binh Tạ Văn Dũng (tổ 1, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) bồi hồi ôn lại những trang sử hào hùng của Quân đoàn 2 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh: Hồng Thi

Cựu chiến binh Tạ Văn Dũng (tổ 1, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) bồi hồi ôn lại những trang sử hào hùng của Quân đoàn 2 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh: Hồng Thi

Người lính của Tiểu đoàn Hỏa lực 24 thuộc Sư đoàn 8 (Quân khu 9) Lưu Ngọc Đang (tổ 2, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) luôn tự hào khi cùng đồng đội tham gia chiến dịch lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông Đang nhớ lại: “Chúng tôi chịu trách nhiệm mũi Tây Nam, khởi hành từ Mỹ Tho rồi đánh theo dọc sông Sài Gòn. Đêm 29-4, chúng tôi áp sát cầu chữ Y rồi tiến công Tổng kho xăng Nhà Bè, nhanh chóng khống chế Sư đoàn 22 của ngụy và tiếp quản nơi này. Quân địch phần lớn bị tiêu diệt, số còn lại đều đầu hàng. Cùng với chiến thắng liên tiếp ở các mũi tấn công khác, chúng tôi ai nấy đều tin tưởng rằng ngày toàn thắng đang đến rất gần”.

Niềm vui giải phóng

“Tôi-Dương Văn Minh-Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam”-lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh trên Đài Phát thanh Sài Gòn vào trưa 30-4-1975 dường như lại vang vọng bên tai những người lính già trong những ngày tháng tư lịch sử.

“Khi đơn vị tôi tiến vào đến Công viên Hoàng Văn Thụ thì đồng chí Đại đội trưởng quay lại hô to: “Anh em ơi, giải phóng rồi! Ngụy đầu hàng rồi”. Vỡ òa cảm xúc, chúng tôi nhảy lên ôm chầm lấy nhau trong niềm vui sướng tột cùng. Nhiều đồng chí đang bị thương nhưng dường như cũng quên hẳn đớn đau trước tin thắng trận. Cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ của quân và dân ta cuối cùng đã kết thúc đầy vẻ vang”-ông Tạ Văn Dũng bày tỏ.

Bức ảnh chụp ngày 1-5-1975 tại Sài Gòn được ông Nguyễn Xuân Hòa (thôn 2, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) gìn giữ như kỷ vật quý. Ảnh chụp lại

Bức ảnh chụp ngày 1-5-1975 tại Sài Gòn được ông Nguyễn Xuân Hòa (thôn 2, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) gìn giữ như kỷ vật quý. Ảnh chụp lại

Còn với cựu chiến binh Nguyễn Xuân Hòa, lúc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và lệnh cho toàn bộ lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ súng là thời khắc mà cả đời này ông không thể nào quên. Giọt nước mắt hạnh phúc cứ lăn dài trên gương mặt lấm lem khói súng của ông cùng đồng đội. Cẩn thận lấy ra bức ảnh đen trắng trong cuốn album đã nhuốm màu thời gian, ông Hòa khoe: “Bức ảnh này của tôi được chụp vào ngày 1-5-1975 tại Sài Gòn. Bao lâu nay, tôi luôn cất giữ cẩn thận và xem nó như kỷ vật quý giá của một thời tuổi trẻ đáng tự hào”.

Trong ký ức của những cựu chiến binh, khung cảnh nội thành Sài Gòn sau sự kiện đầu hàng của ngụy đã dần bớt hỗn loạn vì quân ta đã tiếp quản gần như toàn bộ công sở, kho tàng, bến bãi. Từ chỗ hoảng sợ, người dân bắt đầu hồ hởi ùa ra đường chào đón đoàn quân giải phóng. Nhiều tiếng la lớn trong phấn khởi: “Giải phóng rồi! Độc lập rồi!”; đâu đó, có người còn cất vang câu hát: “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về”. “Những ngày sau đó, cùng với quân và dân địa phương, đơn vị tôi bắt đầu thu dọn chiến trường, vũ khí; đưa những chiếc xe tăng, phương tiện hư hỏng về để sửa chữa. Tuy đã giải phóng nhưng chúng tôi lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu vì tàn dư của ngụy quân, ngụy quyền còn khá nhiều”-ông Hòa cho hay.

Gần nửa thế kỷ đã trôi, thế nhưng, trong lòng các cựu chiến binh vẫn luôn đau đáu mỗi khi nhớ đến những đồng đội đã ngã xuống. “Trong niềm hân hoan mừng ngày toàn thắng, chúng tôi chợt nhìn nhau rồi lặng lẽ khóc. Quân số giảm đi đáng kể bởi không ít đồng đội ngã xuống ở các trận đánh ngay cửa ngõ Sài Gòn, không thể chứng kiến thời khắc giải phóng dẫu chỉ cách đó có vài giờ. Thậm chí, trong chiều 30-4 vẫn còn có những trận đánh nhỏ bộc phát ở chỗ này, chỗ khác và vẫn có người hy sinh. Xót xa hơn, nhiều anh em hy sinh trong trận đánh năm ấy đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt”-ông Đang ngậm ngùi tâm sự, đôi mắt chợt đỏ hoe.

Cựu chiến binh Lưu Ngọc Đang (tổ 2, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) hồi tưởng về trận quyết chiến của đơn vị mình với Sư đoàn 22 của ngụy vào những ngày cuối tháng 4-1975. Ảnh: Mộc Trà

Cựu chiến binh Lưu Ngọc Đang (tổ 2, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) hồi tưởng về trận quyết chiến của đơn vị mình với Sư đoàn 22 của ngụy vào những ngày cuối tháng 4-1975. Ảnh: Mộc Trà

Sài Gòn giờ đây đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành “đầu tàu” phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mỗi khi có điều kiện, ông Hòa, ông Dũng, ông Đang thăm lại chiến trường xưa để hoài niệm về năm tháng hào hùng, ý nghĩa nhất của một thời quân ngũ. Đi qua thời chiến, rồi chứng kiến đất nước đổi thay và phát triển từng ngày, những người lính già ấy không khỏi phấn khởi, tự hào khi từng góp một phần công sức gìn giữ trọn vẹn non sông đất Việt.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.