(GLO)- Quyết định chọn 25 xã có 9 tiêu chí trở lên đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) để tập trung đầu tư thành xã NTM trong năm 2014 của UBND tỉnh được xem là giải pháp hữu hiệu để tiến gần tới mục tiêu đến năm 2015 toàn tỉnh có 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra. Căn cứ vào việc lựa chọn các xã cho thấy số tiêu chí đã đạt chuẩn không đồng đều đồng nghĩa với việc số tiêu chí phải xây dựng để đạt chuẩn NTM trong năm 2014 của các xã cũng nhiều-ít khác nhau; trong đó có những tiêu chí mà nông dân-người làm chủ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới không thể tự quyết định được như tiêu chí giảm nghèo; xây dựng công trình thủy lợi, làm đường giao thông; xử lý môi trường;...
Ảnh: Đức Thụy |
Từ thực tế xây dựng NTM đòi hỏi cơ quan chức năng cần có chiến lược phù hợp, nhất là kế hoạch phân khai vốn, huy động vốn đầu tư, phát huy tối đa vai trò làm chủ của nhân dân. Vì, quá trình đạt xã chuẩn NTM, các xã không chỉ tập trung các tiêu chí chưa đạt mà phải tiếp tục bồi đắp các tiêu chí đã đạt chuẩn. Các xã đạt chuẩn rồi cũng cần tiếp tục bồi đắp, đầu tư để duy trì xã chuẩn NTM. Đặc biệt, trong điều kiện Trung ương quyết định không hạ tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo và tiêu chí thu nhập bình quân đầu người thì việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và diện mạo nông thôn mới bền vững là hết sức cần thiết.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Minh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh nhìn nhận khi đời sống nông thôn không ngừng tăng lên, nông dân tự nguyện đóng góp để xây dựng NTM, hạn chế việc địa phương xin nguồn lực đầu tư. Làm được điều này, trước tiên các địa phương phải hoàn thiện quy hoạch chi tiết phát triển nông-lâm-thủy sản theo nguyên tắc người dân làm; từ đó nông dân xác định cần trồng cây gì; nuôi con gì phù hợp; xây dựng công trình thủy lợi nào;… Đẩy nhanh việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp xuống các xã NTM, biến mô hình sản xuất thành mô hình hàng hóa tăng giá trị sản phẩm. Tự thân mỗi xã xây dựng NTM lựa chọn một nghề phù hợp đặc thù địa phương để đào tạo nghề cho lao động tại chỗ góp phần tăng cao thu nhập.
Một trong những tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới là xây dựng công trình thủy lợi, làm đường giao thông. Ảnh: Đức Thụy |
Hiện tại, chưa thể đưa ra con số chính xác nhu cầu vốn của 25 xã được chọn đạt chuẩn NTM năm 2014 là bao nhiêu, song chắc chắn con số này không nhỏ. Lời giải nguồn vốn đầu tư không đến nỗi quá khó vì ngoài vốn lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia khác, năm nay vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vốn trái phiếu Chính phủ phân bổ trên 128 tỷ đồng, chưa tính nguồn lực huy động nhân dân đóng góp xây dựng NTM không hề ít. Cụ thể 3 năm xây dựng NTM vừa qua, nhân dân đóng góp 4.400 tỷ đồng, vốn Nhà nước đầu tư vài trăm tỷ đồng. Đưa ra con số này để thấy rằng vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM đã định hình rõ nét.
Cùng với phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, cơ quan có trách nhiệm tăng cường chủ trì phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư cho 25 xã được chọn đạt xã NTM năm nay; lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào xây dựng NTM. Đặc biệt tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh có chương trình làm việc từng sở, ngành; hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố làm việc với từng sở để đánh giá lại công tác thực hiện xây dựng NTM, nhất là đánh giá các tiêu chí đạt, chưa đạt để đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM năm 2014 đề ra. Các thành viên Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới phát huy trách nhiệm bằng cách hỗ trợ địa phương thực hiện tiêu chí NTM thuộc ngành mình. Củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở gắn với tham mưu cơ quan có thẩm quyền đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức tuyển dụng về xã theo Đề án 03 của Tỉnh ủy, từ đó có giải pháp sử dụng hiệu quả lực lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường, hạn chế tình trạng bỏ việc vì không có biên chế; trong khi địa phương phải bỏ kinh phí đào tạo đội ngũ cán bộ tại chỗ hiện có để sử dụng vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian.
Quang Văn