Mục tiêu có tính chất chung là vậy nhưng để đạt được những nội dung cụ thể theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới là một vấn đề không đơn giản. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với một số cán bộ cơ sở về vấn đề này, được biết hiện sau khi khảo sát bước đầu cho thấy, không ít xã không đạt một tiêu chí nào theo quy định. Tất nhiên trong số 45 xã chọn để tiến hành xây dựng và sẽ hoàn thành theo 19 tiêu chí vào năm 2015, theo chúng tôi chắc hẳn là những xã có điều kiện, hiện đã là những nơi có nhiều thuận lợi về mọi mặt…
Làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Bích Hà |
Và theo đó, Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy đã đề ra những nhiệm vụ cần thực hiện, trước mắt đối với 45 xã trong gian đoạn đầu xây dựng đến năm 2015. Đó là, 45/45 xã có đường trục xã, liên xã nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa; 35% xã đạt chuẩn giao thông thôn, xóm và cũng tỷ lệ chừng đó đạt chuẩn kiên cố hóa kênh mương… về lĩnh vực kết cấu hạ tầng xã hội, Nghị quyết 03 yêu cầu: “100% xã có hệ thống điện… và 98% số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; 45% xã có trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia…”; về các lĩnh vực như: Nhà văn hóa, khu thể thao, chợ nông thôn, điểm bưu chính viễn thông, internet đến thôn… cũng phấn đấu đạt được ở mức từ 30-100%, tùy tiêu chí cụ thể. Những nội dung khác trong Bộ tiêu chí cũng được xây dựng ở các mức đòi hỏi đến khi hoàn thành là khá cao. Đó là mục tiêu đề ra, nhưng quan trọng hơn là nhiệm vụ cụ thể và những giải pháp chủ yếu nhằm tổ chức thực hiện đạt kết quả.
Ảnh: Đức Thụy |
Đặc điểm và những khó khăn của nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Gia Lai như phần trước đã đề cập, vì vậy công việc điều tra, khảo sát, nắm chắc tình hình thực trạng để xây dựng quy hoạch theo hướng khoa học và phù hợp thực tiễn các ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đầu tư sản xuất và xây dựng các kết cấu hạ tầng ở nông thôn là một trong những việc làm tối cần thiết; đồng thời với đó, là có những chính sách cả cho phát triển sản xuất và vấn đề xã hội, dân sinh.
Trong thực tế nông nghiệp của chúng ta, một chu kỳ “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ lặp đi lặp lại là vì nông dân đầu tư sản xuất theo kiểu “phong trào”, loại cây trồng, vật nuôi nào năm trước được giá thì năm sau mọi người, mọi nơi ùn ùn đầu tư phát triển, không tính đến thực trạng nhu cầu của thị trường đến đâu, và hậu quả thất bại là điều khó tránh. Xây dựng cho nông dân và doanh nghiệp lấy “chữ tín” làm đầu trong cam kết làm ăn cũng là điều nên làm.
Cơ chế, chính sách để thực hiện xây dựng nông thôn mới, trong Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy nêu: “… Tập trung vào các cơ chế, chính sách như: Chính sách thu hút, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội; hỗ trợ tín dụng để nông dân vay vốn phát triển sản xuất; khuyến khích cán bộ kỹ thuật, quản lý về công tác ở các xã; huy động đóng góp của nhân dân; chính sách thúc đẩy liên kết kinh tế giữa các loại hình kinh tế ở nông thôn; chính sách khuyến khích xây dựng và phát triển các ngành nghề thủ công; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác; chính sách phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu xây dựng nông thôn mới; chính sách khuyến khích đầu tư các dự án nông nghiệp vào địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Mặt khác động viên các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phải có trách nhiệm xây dựng kết cấu hạ tầng cho địa phương và hỗ trợ nhiều hơn cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn”. |
Trách nhiệm của doanh nghiệp cũng cần cao hơn, không chỉ có mục tiêu lợi nhuận mà ở nông thôn cần lắm có “người đỡ đầu” này, thực tế đã cho thấy doanh nghiệp phát triển đến đâu đời sống của nông dân, bộ mặt nông thôn ở đó thay đổi theo chiều tích cực đến đó- người lao động có việc làm ổn định, thu nhập khá hơn, hạ tầng sản xuất và dân sinh được đầu tư phát triển… Tương tự, trong lĩnh vực đời sống văn hóa cũng vậy, cải tạo cái cũ cần đi đôi xây dựng hình thành cái mới và ngược lại. Nông thôn và nông dân, “… ở đó giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…”- Nghị quyết TƯ 26 đã nêu như vậy. Biết gạn đục khơi trong thì văn hóa nông thôn sẽ trở thành bản sắc dân tộc, còn ngược lại hậu quả sẽ khôn lường, điều này trong những năm trở lại đây, khi kinh tế thị trường phát triển, theo nó “văn hóa thị trường” một phần đã làm băng hại nền văn hóa, đạo đức ở không ít vùng nông thôn mà chúng ta đã chứng kiến!
Chưa đủ, nhưng thiết nghĩ những vấn đề chúng tôi mạo muội bàn đến mong muốn góp một phần cho công cuộc xây dựng nông thôn mới mà hiện là một trong những nhiệm vụ cả nước đang tích cực triển khai nhằm đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững, đời sống ở nông thôn, và người nông dân ngày càng phát triển, mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh sớm trở thành hiện thực.