Kỳ cuối: Hạnh phúc trong những ngôi nhà mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngôi nhà mới của các gia đình người có công trên địa bàn toàn tỉnh đã bắt đầu rộn rã tiếng nói cười, đượm hơi ấm. Rồi đây, từ những ngôi nhà vững chãi này, các thành viên trong gia đình có thêm động lực để vươn lên.

Nhà mới-tinh thần mới

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Bra (làng Klah 2, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) vào một ngày cuối tháng 6. Khi chúng tôi đến, mọi người đang ngồi quanh một ghè rượu cần và nói cười rôm rả. Đây là ghè rượu còn lại của lễ cúng nhà mới diễn ra trước đó. Ngôi nhà mới của gia đình bà Bra được hoàn thiện từ cuối tháng 5-2017. Tuổi già khiến bà Bra không còn nhanh nhẹn. Đôi mắt bà đã mờ. Thế nhưng khi được hỏi về ngôi nhà mới, bà Bra nở nụ cười tươi, ngập tràn hạnh phúc. Chị Dờ-con dâu bà Bra, chia sẻ: “Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, vợ chồng tôi cố gắng gom góp thêm cho mẹ 2,7 triệu đồng nữa để lát gạch nền. Nếu không có Nhà nước giúp đỡ thì chẳng bao giờ chúng tôi được ở nhà mới. Nhà tôi không có ruộng đất gì cả nên quanh năm suốt tháng chỉ biết đi làm thuê để kiếm sống”.

 
 Ngôi nhà mới đem đến niềm vui cho các gia đình người có công trên địa bàn tỉnh. Ảnh: P.L
Ngôi nhà mới đem đến niềm vui cho các gia đình người có công trên địa bàn tỉnh. Ảnh: P.L

Nằm nghỉ trưa trong ngôi nhà mới khang trang, thoáng mát xây phía sau ngôi nhà sàn cũ, ông Đinh Kri (làng Hway, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) rất vui khi thấy chúng tôi đến thăm. Qua khảo sát của UBND xã Hà Tam, ông Kri được hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa lại ngôi nhà đang ở. Thay vì sửa nhà, ông Kri quyết định làm nhà mới. Với số tiền thêm vào hơn 50 triệu đồng cùng với sự giúp đỡ ngày công của bà con trong làng, ngôi nhà mới của ông Kri nhanh chóng hoàn thiện. Ngoài phần trệt với 2 phòng ngủ và gian tiếp khách, ông Kri còn làm thêm tầng 2, có cầu thang nối với nhà sàn cũ. Ông Kri bày tỏ: “Nhờ Nhà nước hỗ trợ mà ngôi nhà của mình được rộng rãi hơn, đẹp hơn. Mình cảm ơn Nhà nước nhiều lắm”.

Nhìn ngôi nhà mới của cha mình được lát gạch hoa sạch sẽ, có cả phần mái hiên che mát, ánh mắt chị Siu Bế-con gái ông Rơ Châm Kreng (làng Roh Nhỏ, xã Al Bá, huyện Chư Sê) lấp lánh niềm hạnh phúc. Chị chia sẻ: “Cha mẹ tôi đông con lắm, lại không có nhiều đất để trồng trọt. Nhà lại nhỏ nên rất chật chội. Tôi đã lập gia đình, cũng phải đi làm thuê mới đủ ăn nên không biết bao giờ mới giúp được cha xây nhà mới. Bây giờ được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà mới, tôi vui lắm”.

Thêm niềm tự hào

Những ngôi nhà mới là sự động viên vô cùng to lớn đối với các gia đình người có công trên địa bàn toàn tỉnh. Ngồi hóng mát bên hiên ngôi nhà vừa được sửa chữa, ông Puih Mlông (làng Roh Nhỏ, xã Al Bá, huyện Chư Sê) lần lượt chỉ cho chúng tôi xem những vết thương trên cơ thể. Ông Mlông tâm sự: “Bây giờ tôi vẫn còn mấy mảnh đạn trong người, mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức lắm”. Chỉ tay về phía ngôi nhà tôn ọp ẹp bên cạnh, ông Mlông nói: “Đấy là nhà thằng con đầu của tôi, nó ra ở riêng rồi, nghèo lắm”. Còn ngôi nhà ông đang ngồi, trước kia chỉ rộng bằng một nửa ngôi nhà mới, nóng bức, chật chội. Khi có chính sách hỗ trợ sửa chữa nhà ở, gia đình ông được hỗ trợ 20 triệu đồng. Với số tiền ấy, ông cải tạo lại ngôi nhà rộng rãi, khang trang hơn. “Ngoài được hỗ trợ sửa nhà, mình còn được hưởng đầy đủ các chế độ của Nhà nước dành cho thương binh. Mình cảm ơn sự quan tâm, chăm sóc của Đảng và Nhà nước”-ông Mlông xúc động nói.

Ông Nguyễn Xuân Chiêm (thôn Tiên Sơn 2, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) đã bao lần vào sinh ra tử nơi chiến trường. Ông bị thương ở mắt trong một trận đánh. Bây giờ, một bên mắt của ông đã hỏng hẳn, con mắt còn lại cũng đã bắt đầu mờ dần. Trở về với cuộc sống đời thường, ông Chiêm lại chật vật làm kinh tế để nuôi 9 người con ăn học. Khó khăn kéo dài nên ngôi nhà của gia đình ông xây dựng từ năm 1995 đến nay vẫn chưa một lần được sửa chữa. Vì thế, khi được Thành Đoàn Pleiku hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa nhà, ông Chiêm rất phấn khởi. Ông chia sẻ: “Khi được hỏi về nhu cầu làm nhà ở cho gia đình chính sách, tôi thấy nhà mình cơ bản vẫn còn rộng rãi và vững chãi hơn so với nhiều gia đình khác nên chỉ mong được hỗ trợ để sửa lại phần mái. Bởi lẽ, phần mái qua hơn 20 năm sử dụng cũng đã bắt đầu hư hỏng rồi”. Ông Chiêm rất xúc động khi nhận được sự quan tâm, sẻ chia của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với những người từng tham gia chiến đấu như ông. Điều ấy cũng khiến ông cảm thấy tự hào hơn vì đã góp một phần máu thịt để bảo vệ Tổ quốc.

 Đinh Yến-Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.