(GLO)- Kết luận giám định pháp y thể hiện rành rành, trên cơ thể nạn nhân có 5 nhát đâm và nguyên nhân cái chết là do mất máu cấp/vết thương thấu ngực gây thủng tim do vật sắc nhọn. Tuy nhiên, 2 hung thủ được cho là trực tiếp gây án lại khai trước tòa là chỉ đâm nạn nhân tổng cộng 4 nhát vào bụng(?). Vậy, người trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân là ai?
Khiêu vũ hay khiêu khích?
Người đi cùng nạn nhân Nguyễn Đăng Tuấn vào quán bar Wonder lúc 21 giờ ngày 9-10-2014 là anh Đặng Chương (SN 1993, trú phường Yên Đổ, TP. Pleiku) kể lại: Thời điểm trên, hai người vào quán bar, anh Tuấn đứng đối diện với bàn VIP 3-nơi nhóm bị cáo ngồi. Trong tiếng nhạc xập xình, anh Tuấn đã hòa theo bằng cách khoa chân múa tay và có chỉ tay về phía bàn VIP 3. “Tôi khẳng định, anh Tuấn không có hành vi khiêu khích bàn đối diện bởi cả hai đều không hề quen biết ai trong số họ. Một lát sau, có một người phụ nữ ở bàn VIP 3 qua nói chuyện với anh Tuấn, tuy nhiên vì nhạc quá to nên tôi không nghe được nội dung. Chỉ thấy, một lúc sau, anh Tuấn yêu cầu cô này về lại bàn, không hề có chi tiết xô đẩy.
Hiện trường vụ án mạng. Ảnh: Ngọc Linh |
Sau đó, một số người ở bàn VIP 3 ra về, anh Tuấn chạy theo nhưng nhân viên bảo vệ quán đã ra can ngăn. Khi Quyết, Phương đánh anh Tuấn, tôi đã cầm ly đáp trả song đối phương rút dao lê ra thì tôi bỏ chạy. Phương đã đuổi theo tôi ra ngoài nhưng vì không kịp nên đã quay lại. Nếu tôi không nhanh chân thì hôm nay chắc cũng sẽ trở thành người quá cố”-anh Chương kể lại.
Nhân viên bảo vệ quán bar, nhân viên phục vụ ngồi cùng bàn với các bị cáo đều khai, anh Tuấn vừa nhảy vừa chỉ tay về bàn VIP 3. Đặt giả thiết, anh Tuấn có cầm ghế khiêu khích thật, thế thì tại sao trong hồ sơ tố tụng, không hề thấy cơ quan chức năng đề cập đến việc thu giữ chiếc ghế để làm vật chứng vụ án.
Thu thập chứng cứ hời hợt
Trong vụ án, anh Tuấn bị giết chết rất nhanh trong điều kiện ánh sáng đèn điện giới hạn, ở nơi đông người và do nhiều người cùng thực hiện. Vụ án được cho là phức tạp khi các bị cáo thực hiện xong hành vi đều bỏ trốn, Công an phải phát lệnh truy nã, song việc thu thập chứng cứ của Cơ quan Điều tra được cho là… hời hợt, dễ dãi. Đơn cử, chứng cứ cực kỳ quan trọng là thiết bị camera đặt tại quán bar đã ghi lại không gian, thời gian, địa điểm, hình ảnh và diễn biến hành vi phạm tội của các bị cáo, cũng như ghi lại nguyên nhân dẫn đến cái chết của bị hại vào tối 9-10-2014. Vào ngày 10-10-2014, khi khám nghiệm hiện trường, Cơ quan Điều tra chẳng hiểu sao lại không làm thủ tục thu giữ, niêm phong, bảo quản để giữ nguyên hiện trạng camera nhằm phục vụ công tác điều tra, làm sáng tỏ sự thật vụ án. Phải đến 10 ngày sau, tức ngày 20-10-2014, anh Nguyễn Thái Anh-nhân viên quản lý quán bar tự sao chép dữ liệu vào USB rồi mang nộp cho Cơ quan Điều tra. Vấn đề này, luật sư Võ Thị Tiết cho rằng, Cơ quan Điều tra đã vi phạm Luật Tố tụng Hình sự bởi, camera quan sát là một trong những dữ liệu điện tử hình thành tự động dưới dạng tín hiệu và thời gian tồn tại có giới hạn (phụ thuộc vào thiết bị và phần mềm lưu trữ). Dữ liệu camera dễ bị tác động, như bị làm nhòe, bị xóa, bị cắt ghép, chỉnh sửa, thay đổi... do cố ý hoặc vô ý.
Đồng thời việc sao chép dữ liệu camera phải đảm bảo tính nguyên trạng của dữ liệu gốc và có sự chứng kiến của những thành phần đã ký vào biên bản niêm phong ban đầu. Trong trường hợp cần thiết thì phải kèm theo biên bản lời khai, biên bản hỏi cung của bị cáo-là người thực hiện hành vi phạm tội đã được ghi lại trong dữ liệu… Như vậy, USB do anh Nguyễn Thái Anh tự sao chép rồi nộp cho Cơ quan Điều tra ai dám đảm bảo tính xác thực, do đó không có giá trị pháp lý. Ngoài ra, trong hồ sơ tố tụng còn thể hiện, khám nghiệm hiện trường thu giữ chiếc dép xốp có dính máu. Để có căn cứ khẳng định đúng là máu của nạn nhân, Cơ quan Điều tra đã gửi dép xốp đi giám định. Song, kỳ lạ thay, Bản kết luận giám định số 256 ngày 13-11-2014 lại đưa ra kết quả là… chiếc dép da.
Bị cáo Dũng giữ vai trò gì?
Qua nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, chúng tôi thấy rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã bộc lộ rất nhiều mâu thuẫn. Tại các Bút lục số 127, 128, 137, 138, Quyết và Phương khai rằng các bị cáo đâm vào bụng anh Tuấn; kết luận giám định pháp y xác định trên cơ thể anh Tuấn có 5 nhát đâm (phần đầu 1 vết, 2 vết ở ngực và 2 vết ở lưng). Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai buộc tội bị cáo Quyết với số nhát dao đâm là “2-3 nhát dao” vào người Tuấn; kết luận điều tra khẳng định bị cáo Quyết đâm “3 nhát dao” vào người anh Tuấn; cáo trạng cho rằng bị cáo Phương đâm 1 nhát vào người anh Tuấn, sau đó thì Quyết mới dùng dao đâm anh Tuấn.
Cha mẹ bị hại bức xúc phản ánh với phóng viên. Ảnh: N.L |
Tại phiên tòa, Quyết khai chỉ đâm 2 nhát vào bụng anh Tuấn và bị cáo thực hiện hành vi đâm, đập anh Tuấn trước Phương. Bên cạnh đó, cáo trạng chỉ nêu chung chung là các bị cáo đâm vào người bị hại, không nêu cụ thể đâm vào vị trí nào trên cơ thể. Như vậy, vấn đề đặt ra là 2 vết đâm ở ngực, 2 vết đâm ở lưng của anh Tuấn là do ai gây ra. Đáng lưu tâm nhất là vết đâm thủng tim khiến nạn nhân tử vong do ai thực hiện, liệu còn có người thứ 3?
Theo luật sư Võ Thị Tiết-Viện Kiểm sát truy tố bị cáo Dũng với tội danh “Che giấu tội phạm” theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự là chưa đúng tội danh. Bởi, dấu hiệu của tội này là người thực hiện hành vi biết sự việc sau khi hành vi phạm tội đã thực hiện xong. Trong vụ án này, lời khai của nhiều nhân chứng thể hiện, Vũ Việt Dũng có rút dao và cũng có mặt lúc Quyết, Phương thực hiện hành vi giết anh Tuấn. Từ đầu chí cuối, bị cáo Dũng biết Quyết, Phương thực hiện hành vi đánh, đâm anh Tuấn. Bị cáo Dũng hay tin anh Tuấn chết trước rồi mới thông báo cho Phương và Quyết biết và đề nghị bỏ trốn. Về nhân thân, bị cáo Dũng là người có trình độ học thức, hiểu biết pháp luật đương nhiên phải cao hơn hẳn Phương và Quyết do đã từng đi du học nước ngoài. Khi thấy Phương, Quyết cầm những con dao dính máu trên tay, Dũng đáng ra phải can ngăn thế nhưng ngược lại anh ta còn tiếp thêm sức mạnh, tinh thần hung hăng, côn đồ cho bị cáo bằng cách quát tháo, đe dọa các nhân viên trong quán, mặc dù lúc này anh Tuấn đã nằm bất động trên sàn (Bút lục 89, 90, 275, 276, 277).
Còn nữa, trước đó Phương và Quyết đều khai, do bị Vũ Việt Dũng khởi xướng, xúi giục nên các bị cáo mới đánh anh Tuấn. Sau đó, các bị cáo thay đổi lời khai và nhận hết trách nhiệm giết anh Tuấn. Tuy nhiên, những lời khai của Phương, Quyết lại mâu thuẫn với lời khai của người làm chứng. Anh Hoàng Việt Dũng khẳng định, Vũ Việt Dũng có tham gia đánh nhau với anh Tuấn. Tại Bút lục số 204, 205, 208, 209, anh Dũng khai: Tôi thấy Vũ Việt Dũng, Quyết, Phương cầm dao đánh nhau với Tuấn. Dũng, Phương và Quyết sau đó đi ra nhưng đã nhanh chóng quay vào trong quán bar. Lời khai của anh Hoàng Việt Dũng rất đáng lưu tâm, bởi anh này có quan hệ bạn bè, làm ăn với bị cáo Vũ Việt Dũng, giữa bị cáo Dũng và anh Hoàng Việt Dũng không có mâu thuẫn nhau.
Và, điều quan trọng là thời điểm xảy ra vụ án, anh Hoàng Việt Dũng ngồi chung bàn VIP 3 với bị cáo Dũng. Còn anh Phạm Kim Quy-nhân viên quán bar khai rằng, anh này thấy sau khi một số người bạn ra về, bàn VIP 3 còn 3 thanh niên ngồi lại. Lúc này, 3 thanh niên rút 3 con dao ra. Khi anh Tuấn nằm xuống đất thì 3 người này bỏ đi. Theo mô tả của anh Quy thì 3 người rút dao ra là Vũ Việt Dũng, Quyết và Phương (Bút lục 258, 264, 271).
Qua lời khai trên cùng với việc liên tục cấp nhiều tiền cho Quyết, Phương bỏ trốn khiến dư luận băn khoăn, bị cáo Dũng có nhiều biểu hiện, thái độ và hành động liên quan đến hành vi của Quyết, Phương và liên quan đến cái chết của bị hại. Vậy, vai trò của anh này là gì, khởi xướng, xúi giục hay đồng phạm hoặc giúp sức? Câu hỏi trên rất cần nhà chức trách nhanh chóng làm rõ để dư luận được tỏ tường!
Ngọc Linh