Chỉ định thầu hàng trăm ngàn m3 gỗ rừng
Trong hai năm (2007-2008), tỉnh Gia Lai bắt đầu triển khai việc chuyển đổi rừng sang trồng cao su, trong số hơn 73.000 ha giao cho các doanh nghiệp tiến hành khảo sát có 14.900 ha đất đã tạm giao cho thuê. Năm 2008, trong số gần 6.400 ha rừng nghèo khai hoang, tổng khối lượng gỗ, củi tận thu, tận dụng được là 37.786 m3 gỗ và hơn 22.680 ster củi. Việc khai thác gỗ củi trong năm này thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, khai hoang đến đâu tận thu gỗ củi đến đó và chủ rừng bán đấu giá gỗ. Tổng số tiền qua bán đấu giá gỗ là 48,378 tỷ đồng, bình quân mỗi khối gỗ bán hơn 1,28 triệu đồng. Tuy nhiên cuối năm 2008, UBND tỉnh Gia Lai đã cho một số doanh nghiệp trúng đấu giá được nợ tiền mua gỗ, đến nay nhiều doanh nghiệp chây ỳ không trả nợ số tiền chưa thu được hơn 9 tỷ đồng. Mặc dù UBND tỉnh có văn bản cho các doanh nghiệp mua gỗ nợ tiền, song khi không đòi nợ được lại yêu cầu các ban quản lý rừng phòng hộ, những chủ nợ bất đắc dĩ đi đòi và khởi kiện hầu tòa, mong thu lại gần chục tỷ đồng này.
Nhiều con đường bị cày nát khi các doanh nghiệp vào vùng dự án trồng cao su. Ảnh: H.K |
Năm 2011, Gia Lai chuyển đổi 8.119 ha rừng nghèo sang trồng cao su cho các doanh nghiệp, khối lượng gỗ theo thiết kế là 190.321 m3 (gỗ lớn 95.930 m3, gỗ nhỏ 83.299 m3, gỗ tận dụng 11.091 m3) và củi 29.700 ster. Giá bán gỗ bình quân chỉ có 390.000 đồng/m3, trong số này không ít gỗ chủng loại cao từ nhóm I đến nhóm V theo giá thị trường hàng chục triệu đồng mỗi mét khối.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Đức-Phó Giám đốc Sở Tài chính Gia Lai-đơn vị tham mưu cho tỉnh giá bán gỗ, cho rằng: Do áp lực phải chuyển nhanh rừng cho doanh nghiệp kịp tiến độ trồng cao su, nếu bán đấu giá sẽ có nhiều người vào tranh mua, khai thác gỗ không kịp, doanh nghiệp sẽ trễ thời vụ. Về giá gỗ, tỉnh đã tham khảo các chủ rừng và cộng với 7% giá tăng trong đấu giá qua các thời kỳ.
Nhiều mục tiêu chưa đạt
Việc trồng mới hàng trăm ngàn ha cao su ở Tây Nguyên đồng nghĩa với giao một lượng lớn tài nguyên đất của quốc gia thành tài sản của các doanh nghiệp. Mỗi ha đất trồng cao su ở Gia Lai có giá từ 60 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng, song khi giao cho doanh nghiệp ngân sách không thu đồng nào. Một số chủ trương của tỉnh gắn liền việc phát triển dự án cao su các doanh nghiệp như: Phải tuyển dụng đồng bào dân tộc tại chỗ vào làm công nhân, xây dựng hạ tầng vùng dự án… cho đến nay, qua khảo sát của chúng tôi nhiều nơi không đạt được.
Trong khi nhiều địa phương không thu tiền khi chuyển hàng ngàn ha rừng cho doanh nghiệp trồng cao su thì ở tỉnh Kon Tum thống nhất thu tiền mỗi ha rừng giao doanh nghiệp. Trước đây mỗi ha thu 12 triệu đồng, đến nay HĐND tỉnh biểu quyết thu 16 triệu đồng/ha. Theo ông Nguyễn Hữu Hải-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum, số tiền này được tính khoa học, là tiền tăng thêm từ phần chênh lệch giá trị tăng trưởng rừng. Các doanh nghiệp trồng cao su đều vui vẻ nộp tiền bởi tính ra họ vẫn thấy có hiệu quả khi đầu tư. |
Sau gần 5 năm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay mục tiêu về diện tích tăng thêm 90-100 ngàn ha cao su trên địa bàn Tây Nguyên đến năm 2010 đã không đạt. Chỉ có một số doanh nghiệp được giao rừng chuyển sang trồng cao su là có được nguồn tài nguyên hời bởi không phải bỏ tiền ra mua đất.
Việc chuyển hàng trăm ngàn ha rừng sang trồng cao su về tương lai sẽ tạo ra một vùng chuyên canh rộng lớn, tận dụng được nguồn tài nguyên đất góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở Tây Nguyên. Đặc biệt nếu làm tốt công tác giãn dân, phân bố lại dân cư sẽ là cơ hội để các tỉnh xây dựng thành những vùng nông thôn mới trong tương lai. Cùng với phát triển hàng trăm ngàn ha cao su sẽ giải quyết việc làm cho gần trăm ngàn lao động, đồng thời với đó là hạ tầng xã hội phát triển. Nếu không có chế tài ngay từ bây giờ ràng buộc các doanh nghiệp thì vì yếu tố lợi nhuận chắc chắn tương lai vùng dự án cao su sẽ gây gánh nặng xã hội bởi rất dễ sau khi trồng xong được cấp bìa đỏ chủ dự án sẽ chuyển nhượng hoặc cổ phần hóa doanh nghiệp để hưởng lợi từ quỹ đất.