Kỳ 1-Thương trò như thể thương thân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khắc ghi lời dạy của Bác “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, những năm qua, các cấp, ngành ở Gia Lai luôn chú trọng chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, nhất là ở vùng khó khăn. Nhiều mô hình hay, sáng tạo được các trường xây dựng và triển khai; không ít thầy-cô giáo sẵn sàng vượt qua gian khổ để nâng bước trò nghèo. Qua đó, chất lượng giáo dục ở vùng khó của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, không ngừng được nâng cao.
Thấu hiểu sự thiệt thòi của học sinh vùng khó, nhiều giáo viên đã tình nguyện gắn bó và đem đến cho các em những điều tốt đẹp nhất. Dù rằng, nghịch cảnh có bất ngờ ập đến hay đứng trước ranh giới của lợi danh, họ vẫn kiên định lựa chọn được tiếp tục song hành với trò nghèo bằng cả tình yêu thương vô bờ bến.
“Cô giáo một tay” dạy nhạc
Những ngày giữa tháng 11, khu vực phía Đông tỉnh mưa như trút nước do ảnh hưởng của bão. Không khí lạnh tràn về bao trùm khắp mọi nơi. Thế nhưng, phòng học của lớp 4A Trường Tiểu học và THCS Đak Hlơ (xã Đak Hlơ, huyện Kbang) trong giờ dạy của cô Trần Thị Bá Tiền vẫn ấm áp với tiếng cười đùa, ca hát hồn nhiên, trong trẻo của cô và trò. 
Có lẽ, cái tên Trần Thị Bá Tiền không mấy xa lạ với nhiều người. Hơn 1 năm trước, “cô giáo ở Gia Lai gặp tai nạn trên đường đi dạy” đã trở thành từ khóa tìm kiếm phổ biến trên mạng internet. Vụ tai nạn xảy ra trên cung đường từ nhà đến trường dạy học đã vĩnh viễn cướp đi cánh tay trái của cô Tiền, khi ấy đang là giáo viên Âm nhạc của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hà Đông (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa).
“Lúc gặp nạn là vừa tròn 5 năm tôi về giảng dạy tại Hà Đông. Dù thời gian không dài nhưng tình cảm giữa tôi và học sinh nơi đây rất gắn kết. Những giây phút cô trò cùng học, cùng chơi, cùng múa hát và tâm sự... với tôi đều thật đáng nhớ. Vì thế, chuỗi ngày nằm trên giường bệnh, tôi chỉ quẩn quanh trong lòng duy nhất nỗi lo lắng: Liệu rằng với khiếm khuyết hiện tại, mình có thể tiếp tục lên lớp để truyền cảm hứng âm nhạc đến với học trò nữa hay không?”-cô Tiền xúc động nói.
Cô Trần Thị Bá Tiền (Trường Tiểu học và THCS Đak Hlơ, huyện Kbang) giảng bài cho học sinh. Ảnh: Hồng Thi
Cô Trần Thị Bá Tiền (Trường Tiểu học và THCS Đak Hlơ, huyện Kbang) giảng bài cho học sinh. Ảnh: Hồng Thi
Thời điểm bị tai nạn, gia đình cô Tiền cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Ngoài mẹ già đau ốm, cô còn 2 con nhỏ dại cần chăm sóc. Chồng làm nông, thu nhập bấp bênh. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành và nhà hảo tâm, cô và gia đình mới có thể vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Đáng mừng hơn, cô vẫn có thể tiếp tục đứng trên bục giảng khi 2 huyện Đak Đoa và Kbang thống nhất tạo điều kiện chuyển cô về dạy học gần nhà tại Trường Tiểu học và THCS Đak Hlơ.
Tháng 10-2019, cô Tiền chính thức quay lại bục giảng với một tâm thế mới. Thời gian đầu, cô gặp không ít khó khăn bởi Âm nhạc là môn học đặc thù, bên cạnh giọng hát còn đòi hỏi rất nhiều kỹ năng minh họa bằng cả hai tay. “Tôi trở nên luống cuống với những động tác mà trước kia mình vốn thuần thục; càng dở khóc dở cười hơn khi học sinh cứ làm theo bằng một tay hoặc vỗ tay vào vai. Có bạn nhìn thấy tay tôi như vậy lại ngây ngô hỏi chừng nào thì tay cô mới mọc ra lại... Nhiều xúc cảm buồn-vui cứ thế đan xen, nhưng lòng yêu nghề đã khiến tôi thật mạnh mẽ vững bước”-cô Tiền chia sẻ.
Để mang đến những tiết dạy chất lượng, hiệu quả, cô Tiền không ngừng khắc phục hạn chế của bản thân, nỗ lực tìm tòi phương pháp giảng dạy phù hợp với điều kiện thực tế của cả cô và trò. Cô còn tự bỏ tiền trang bị dụng cụ học tập cho học sinh nhằm giúp giờ học trở nên sinh động, lôi cuốn hơn.
Em Bùi Thị Phương Anh (lớp 4A) vui vẻ nói: “Em rất thích học môn Âm nhạc của cô Tiền. Cô hát hay, dạy dễ hiểu và thường xuyên gần gũi trò chuyện với chúng em. Em rất thương cô vì không may bị tai nạn chỉ còn một tay. Mong cô luôn khỏe để dạy chúng em”.
Thầy Nguyễn Thanh Quang-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đak Hlơ-cho hay: Cô Trần Thị Bá Tiền là giáo viên có năng lực chuyên môn tương đối tốt và đầy tâm huyết với nghề. Vượt lên những khó khăn của bản thân, thời gian qua, cô Tiền luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy môn Âm nhạc ở bậc tiểu học, được nhiều đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh thương quý. Với nhà trường, cô Tiền chính là tấm gương sáng về nghị lực và lòng yêu nghề, mến trẻ để mọi người học tập.
Thầy giáo như... “mẹ hiền”
Không khó để nhận ra tình cảm mà các học trò nhỏ của Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng (xã An Thành, huyện Đak Pơ) dành cho thầy Trương Công Hương-giáo viên Tổng phụ trách Đội. Từ ánh mắt, nụ cười đến lời nói, cử chỉ, các em đều hướng về thầy Hương với sự yêu kính. Đến nỗi, nhiều giáo viên trong trường còn “ganh tỵ” nói vui rằng: “Trong mắt, trong tim học sinh Trường Kim Đồng dường như chỉ có mỗi thầy Hương mà thôi!”.
Quả không ngoa khi nói thầy Trương Công Hương chính là “mẹ hiền” thứ 2 của học sinh nghèo, nhất là học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã An Thành. Bởi lẽ, suốt hơn 10 năm công tác tại Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng, bên cạnh hoạt động chuyên môn, phần lớn thời gian còn lại, thầy Hương đều dành để mang đến cho học trò những điều kiện tốt nhất có thể trong học tập lẫn cuộc sống.
Thầy Hương chia sẻ: “Trường có gần 80% học sinh là người Bahnar thuộc 4 làng: 12 Bếp (nay thuộc thôn 5) và làng Buk, Kuk Kôn, Kuk Đak đang theo học. Gia đình các em đa phần đều khó khổ, thu nhập phụ thuộc vào nông nghiệp. Một số em còn phải sống trong nhà tạm bợ, hàng tháng không đủ gạo để ăn. Khi cái bụng chưa no thì chuyện học hành với các em cũng chẳng còn quan trọng nữa. Chính vì thế, tình trạng học sinh bỏ học để theo cha mẹ đi làm thuê kiếm sống vẫn diễn ra. Chứng kiến những điều ấy, tôi tự nhủ phải làm điều gì đó để giúp các em có cuộc sống đỡ vất vả hơn và yên tâm đến lớp”.
Thầy Trương Công Hương (Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng, huyện Đak Pơ) hướng dẫn học sinh tập văn nghệ chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam. Ảnh Hồng Thi
Thầy Trương Công Hương (Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng, huyện Đak Pơ) hướng dẫn học sinh tập văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Hồng Thi
Bằng mối quan hệ sẵn có, thầy Hương kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ gạo, quần áo, sách vở, xe đạp, nhu yếu phẩm... cho học sinh. Nhiều giáo viên cũng chung tay hưởng ứng cùng thầy Tổng phụ trách Đội, tạo thành một phong trào lan tỏa trong toàn trường.
Ngoài ra, với thế mạnh sẵn có về lĩnh vực văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao, thầy Hương thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động phong trào bổ ích, ý nghĩa theo sở thích, nhu cầu của học sinh để lôi cuốn các em đến trường; trong đó có việc mở lớp võ Vovinam miễn phí do mình trực tiếp giảng dạy. Những mô hình sáng tạo như: “Đàn gà đến trường”, “Vườn rau em chăm”... được thầy Hương triển khai mang lại hiệu quả tích cực, góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn cho gần 30 học sinh từ lớp 5 đến lớp 9 ở bán trú tại trường.
Chính nhờ sự gần gũi, đồng hành với học sinh mà thầy Hương được nhiều học trò yêu thương, coi như người thân trong gia đình. Đây cũng là lợi thế cho thầy Hương khi tiếp cận, vận động học sinh ra lớp. Không ít trường hợp khó, các giáo viên chủ nhiệm trong trường đã phải tìm đến sự giúp đỡ của thầy Tổng phụ trách Đội và đều thành công.
“Nhà em nghèo lắm nên em muốn nghỉ học ở nhà đi làm thuê phụ giúp cha mẹ. Mỗi ngày chặt mía, tụi em kiếm được 200-300 ngàn đồng. Em với anh trai nghỉ khoảng 10 ngày thì đi học lại vì giáo viên chủ nhiệm và thầy Hương thường xuyên tới nhà động viên, giúp đỡ. Em cũng hứa với thầy cô sẽ cố gắng học, không nghỉ ở nhà nữa”-em Đinh Thị Gái (lớp 6B) thủ thỉ.
Không chỉ giúp duy trì sĩ số học sinh, thầy Hương còn góp công lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của nhà trường. Liên tiếp nhiều năm liền, Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng đều có học sinh đạt giải cao ở môn Lịch sử trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện; phong trào văn nghệ-thể thao của trường cũng luôn nằm trong tốp 3 của huyện Đak Pơ. Với năng lực của mình, thầy Hương được nhiều người ghi nhận.
“Không ít lời ngỏ muốn tôi chuyển nơi công tác để thuận lợi phát triển sự nghiệp, song tôi đều từ chối khéo. Đơn giản, tôi chỉ muốn gắn bó và tiếp tục giúp học trò nghèo có một tương lai tươi sáng hơn”-thầy Hương bày tỏ.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Sró (xã Sró, huyện Kông Chro), thầy Trần Thanh Tuyến cũng được biết đến là người tận tâm với học trò. Đặc thù của lớp học vùng đồng bào dân tộc thiểu số là có cả học sinh người Kinh lẫn Bahnar nên không tránh khỏi một số em có lực học hạn chế bị tụt lại phía sau. Vì thế, thầy Tuyến đã tình nguyện dành thời gian ngoài giờ lên lớp để kèm cặp, phụ đạo cho các em. Đặc biệt, kể từ năm học 2018-2019, đều đặn vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, thầy còn xin phép phụ huynh chở học trò về nhà mình để củng cố thêm kiến thức cho các em.
Thầy Tuyến chia sẻ: “Nhờ sự kiên trì và nỗ lực của cả thầy và trò, sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh mà 2 em học sinh người Bahnar học yếu trong lớp đã có những tiến bộ đáng kể. Không chỉ hoàn thành chương trình học để lên lớp mà cả 2 đều quyết tâm tiếp tục đến trường. Với tôi, niềm vui ấy thật khó tả!”.
Ngồi bên cạnh thầy Tuyến, em Đinh Tân (lớp 6A) bộc bạch: “Em rất thích học thầy Tuyến. Nhờ thầy mà em tiếp thu bài được tốt hơn. Giờ lên bậc THCS rồi, em sẽ cố gắng chăm chỉ học hành để không phụ công lao của thầy chỉ dạy”. Nói rồi Tân cười ngại ngùng. Ẩn chứa đằng sau nụ cười ấy là lòng biết ơn vô bờ bến mà cậu trò nhỏ dành cho người thầy đáng kính của mình...
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.