Kỳ 1: Hạnh phúc trên quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đại dịch Covid-19 khiến hàng ngàn lao động quê Gia Lai tại khu vực phía Nam bị mất việc làm. Khó khăn chất chồng, họ buộc phải quay trở về quê nhà. Cuộc “hồi hương” bất đắc dĩ của hàng ngàn lao động đã tạo ra những áp lực không nhỏ cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phòng-chống dịch lẫn công tác an sinh xã hội trước mắt và lâu dài. 
Trong đời mỗi con người luôn có những chuyến đi xa rồi trở về. Song có lẽ không ai hình dung được mình sẽ phải trở về quê nhà trong vội vã, cơ cực như vừa qua. Ngoại trừ 463 lao động có hoàn cảnh khó khăn, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… được tỉnh đón về thì còn hàng ngàn người băng qua đêm tối, mưa gió tìm về cố hương bằng những phương tiện cá nhân để tránh dịch, tìm chốn nương náu yên bình.
Các công dân có hoàn cảnh khó khăn, thai phụ, trẻ em vui mừng khi được tỉnh đón về an toàn bằng đường hàng không. Ảnh: Như Nguyện
Các công dân có hoàn cảnh khó khăn, thai phụ, trẻ em vui mừng khi được tỉnh đón về an toàn bằng đường hàng không. Ảnh: Như Nguyện
“Cảm ơn sự nhiệt tình của y-bác sĩ”
“Người mắc dịch” là cảm giác mà chị T.T.M. (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) cảm nhận được ngay khi hoàn thành quá trình điều trị Covid-19. Nhiều người nhìn chị với ánh mắt nghi ngại. Thậm chí, sau khi hoàn thành cách ly theo dõi tại nhà, chị vẫn ngại ra ngoài, tránh tiếp xúc với mọi người xung quanh. “Mình hiểu tâm lý chung. Ai cũng biết Covid-19 rất đáng sợ, huống chi mình từng là F0”-chị M. trải lòng.
Cuối năm 2020, chị M. dẫn theo con gái 7 tuổi vào tỉnh Bình Dương để đoàn tụ cùng chồng, mẹ chồng. Chồng chị làm công nhân, còn mẹ chồng bán trái cây dạo quanh một khu công nghiệp ở thị xã Tân Uyên. Cuộc sống xa nhà nhưng cũng tạm ổn. Khi dịch bệnh bùng phát, thông qua mạng xã hội, chị và con gái xin đi nhờ xe máy của người quen và đến Gia Lai vào trưa 29-7. Sau đó, mẹ con chị được đưa đi cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng Nghề số 21. Một ngày sau, chị M. có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. “Mình vào khu điều trị dành cho bệnh nhân mắc Covid-19, con gái vẫn ở lại khu cách ly. Trong khó khăn mới thấy tình người thật ấm áp. Nhờ được quan tâm, chăm sóc của mọi người mà cháu đã hoàn thành thời gian cách ly”-chị M. bộc bạch.
Trước khi trở về Gia Lai, chị M. đã trải qua 5 lần xét nghiệm SARS-CoV-2 và đều cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, những ngày sau đó, chị cảm nhận rõ vài thay đổi, đó là mất dần vị giác, khứu giác. Đã tìm hiểu các kiến thức liên quan đến triệu chứng của Covid-19 nên chị không quá bất ngờ khi biết mình nhiễm bệnh. Chị kể: “Những ngày tiếp theo trong khu điều trị, mình thường xuyên bị ho ra máu, khắp người nổi mẩn đỏ. Nhưng mình không thấy sợ vì xung quanh luôn có y-bác sĩ, chỉ cần gọi hoặc đề nghị gì thì đều được quan tâm giải quyết. Khi sức khỏe ổn hơn, mình còn khuấy động phong trào để mọi người thư giãn bằng những tiết mục văn nghệ”. Hiện tại, sức khỏe của chị đã ổn định. Tuy nhiên, chị vẫn canh cánh nỗi lo vì chồng và mẹ chồng còn mắc kẹt tại Bình Dương. “Chồng mình sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, công ty yêu cầu “3 tại chỗ”, phòng trọ chỉ còn mình mẹ”-chị M. lo lắng.
Nhiều thai phụ từ các tỉnh, thành phía Nam đã được tỉnh đón về an toàn trong sáng 15-9-2021. Ảnh: Huy Bắc
Nhiều thai phụ từ các tỉnh, thành phía Nam đã được tỉnh đón về an toàn trong sáng 15-9-2021. Ảnh: Huy Bắc
Cũng không may trở thành “người mắc dịch” là anh N.A.C. (thôn 4, xã Gào, TP. Pleiku), công nhân từ tỉnh Bình Dương trở về. Ở khu cách ly tập trung đến ngày thứ 4, anh C. có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ban đầu, anh không tin mà tự trấn an rằng, có thể do chạy xe máy đường dài, lại dầm mưa nên cơ thể mệt mỏi, cảm cúm. Và rồi anh đối diện thực tại bằng tâm lý hoang mang, lo sợ. Anh chia sẻ: “Mình xem ti vi thấy nhiều trường hợp bị mắc Covid-19 triệu chứng trở nặng rất nhanh. Có nhiều người còn không qua khỏi. Lúc đó, mình chỉ nghĩ bản thân còn trẻ lại không có bệnh nền, chắc sẽ ổn. Mình được y-bác sĩ quan tâm, thăm hỏi thường xuyên. Họ theo dõi từng thay đổi của người bệnh để có phác đồ điều trị phù hợp. Vài ngày sau, mình đã có kết quả âm tính”. Vượt qua những trở ngại của “người mắc dịch”, anh C. quay trở lại với cuộc sống thường nhật, phụ giúp gia đình chăm sóc vườn cà phê và tìm việc làm gần nhà. “Mình mới xin vào làm ở công ty chế biến gỗ gần nhà nhưng việc cũng chưa đều”-anh C. cho hay.
An toàn khi ở quê hương
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2021 đến nay, hơn 17.000 lao động từ các tỉnh, thành trong cả nước đã trở về Gia Lai. Những địa phương có số người trở về đông gồm: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đak Đoa…
Trở về quê nhà yên ổn đã hơn 2 tháng, gia đình chị Phạm Thị Vui (làng Tung Blai, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) vẫn chưa hết vui mừng, hạnh phúc khi được tỉnh đón về tránh dịch. Chị kể: “Vợ chồng tôi vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp đã 14 năm. Tôi làm việc ở Công ty TNHH Hyogo Shoes chuyên sản xuất giày thể thao, chồng thì chở hàng thuê cho các chợ đầu mối, con gần 1 tuổi gửi nhà trẻ. Ngỡ dịch bệnh sẽ nhanh chóng được kiểm soát như những đợt trước, thế nhưng, số ca nhiễm mới liên tục tăng, đường sá phong tỏa, thành phố thực hiện Chỉ thị 16, vợ chồng tôi rơi vào cảnh thất nghiệp. Tiền trọ, tiền ăn, tiền sinh hoạt hàng ngày trở thành gánh nặng khó kham nổi. Khó khăn bủa vây, vợ chồng tôi mong muốn được trở về quê hơn bao giờ hết”.
Sau khi có thông tin UBND tỉnh Gia Lai tổ chức đón người dân trở về, chị Vui nhờ bố chồng đến trụ sở UBND xã Ia Dreng đăng ký. Thật may, gia đình chị nằm trong danh sách được đón về đợt đầu tiên bằng đường hàng không. Đây là lần đầu gia đình chị trải nghiệm một hành trình về quê thật đặc biệt. “Khi đăng ký, tôi vẫn lo lắm, không biết có về được không vì thấy mọi người đăng ký đông quá. Ngày nhận tin có tên trong danh sách được tỉnh đưa về, tôi mừng đến phát khóc”-chị Vui xúc động nhớ lại.
Chị Phạm Thị Vui (bìa trái, làng Tung Blai, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) vui mừng khi được tỉnh đón về quê an toàn, vơi bớt nỗi lo dịch bệnh. Ảnh: Phan Lài
Chị Phạm Thị Vui (bìa trái; làng Tung Blai, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) vui mừng khi được tỉnh đón về quê an toàn. Ảnh: Phan Lài
Về đến Gia Lai ngày 23-7, gia đình chị Vui được bố trí cách ly ở Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Trong thời gian cách ly, mỗi người trong gia đình chị chỉ đóng 80.000 đồng/ngày tiền ăn uống. Sau khi hoàn thành cách ly tập trung, chị Vui tiếp tục thực hiện thêm 14 ngày cách ly tại nhà. “Nhiều năm bươn chải mưu sinh nơi đất khách, chúng tôi không nghĩ ngày trở về lại đặc biệt như thế. Xa quê lâu rồi, giờ chúng tôi chỉ muốn ở lại đây để ổn định cuộc sống. Chúng tôi đã vay mượn một ít tiền để đầu tư trồng 80 cây chanh dây, 150 cây cà phê và nuôi 30 con gà. Buổi đầu cứ như thế đã ”-anh Nguyễn Văn Thắng (chồng chị Vui) bày tỏ.
Gia đình anh Rơ Mah Cya (làng Tào Roòng, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) cũng sẽ chẳng bao giờ quên cái ngày 10-7-2021. Đó là ngày gia đình anh rời tỉnh Bình Dương bằng xe máy để về quê. Anh Cya trải lòng: “Thấy con trai cả vào làm việc cho một công ty chế biến gỗ ở huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương) có thu nhập ổn định, tháng 3-2021, mình cùng vợ là Rơ Lan Nem và con trai thứ cũng vào làm với hy vọng đổi đời. Nhà có 2 sào ruộng, 50 cây cà phê và 1 con bò gửi qua ông bà ngoại nhờ trông giúp”.
Vợ chồng anh Rơ Mah Cya (làng Tào Roòng, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) quyết định ở lại quê hương để phát triển kinh tế. Ảnh: Phan Lài
Vợ chồng anh Rơ Mah Cya (làng Tào Roòng, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) quyết định ở lại quê hương để phát triển kinh tế. Ảnh: Phan Lài
Vào đến nơi chưa kịp ổn định thì dịch Covid-19 bùng phát khiến gia đình anh Cya lao đao. Công ty đóng cửa, cả nhà thất nghiệp. Không còn cách nào khác, họ lại rồng rắn về quê. Sau khi test nhanh Covid-19 có kết quả âm tính, gia đình anh rời phòng trọ và bắt đầu chuyến hành trình dài hàng trăm cây số. Anh Cya cho biết: “Dọc đường về, chúng tôi may mắn được người dân giúp đỡ. Người cho cơm, nước uống, người tiếp tế xăng xe, đường về vì vậy cũng vơi bớt khó khăn. May mắn nữa là cả 2 chiếc xe máy đều không gặp trục trặc gì”.
Mặc dù cuộc sống trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn song với gia đình anh Cya, được trở về làng, về nhà bình an, khỏe mạnh là may mắn và hạnh phúc. “Nếu tiếp tục ở lại trong đó, chúng tôi không biết phải xoay xở ra sao. Trong thời gian cách ly tại nhà, chúng tôi được bà con trong làng hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm để yên tâm thực hiện quy định phòng-chống dịch. Về làng, có anh em, bà con hàng xóm, dẫu không dư dả tiền bạc nhưng không thiếu tình thương, đặc biệt là giảm mối lo dịch Covid-19 bao vây”-anh Cya cảm kích.
-----------------------------
Kỳ 2: Mưu sinh nơi đất khách
PHƯƠNG DUNG - PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.