(GLO)- Krông Pa, Gia Lai hôm nay đã có nhiều đổi khác. Những thôn, buôn “thay áo mới”, diện mạo ngày một khang trang, tươi đẹp hơn. “Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhân dân Krông Pa luôn ý thức nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực chung tay xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh, văn minh”-bà Võ Thị Đan Trinh-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa-cho biết.
Chuyện buôn Bhă Nga
Buôn Bhă Nga (xã Ia Rmok) hiện có 214 hộ với 1.184 khẩu (98% là đồng bào Jrai). Thu nhập của bà con trong buôn hầu hết dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống còn gặp không ít khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 38%. Trong điều kiện đó, Ban Nhân dân thôn cùng người dân luôn nỗ lực xây dựng buôn ngày càng ổn định, từng bước phát triển. Ông Ksor Phunh-Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Bhă Nga-phấn khởi chia sẻ: “Hiện nay, 90% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, 75% số hộ trong buôn tham gia vào việc xây dựng làng nông thôn mới và thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn hóa trong khu dân cư. Nhờ luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên”. Cũng theo ông Phunh, năm 2019, buôn Bhă Nga có 152/214 hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, trong đó có 5 gia đình văn hóa tiêu biểu. Năm tới, buôn đề ra mục tiêu phấn đấu 80% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa trở lên, 100% người dân được tuyên truyền, phổ biến về pháp luật và khoa học kỹ thuật, 95% người dân không vi phạm Luật Giao thông Đường bộ...
Các hộ gia đình buôn Bhă Nga ký cam kết xây dựng gia đình văn hóa. Ảnh: L.H |
Ông Ksor Ơng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rmok-cho biết: Chính quyền xã và các cơ quan, đoàn thể cũng thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước như: Luật Giao thông Đường bộ, Luật Phòng-chống ma túy, Luật Lâm nghiệp và tuyên truyền bài trừ các hủ tục “ma lai”, “thuốc thư”… để nâng cao nhận thức cho người dân. “Nhờ vậy, trong năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại buôn Bhă Nga luôn được đảm bảo, không có án hình sự”-ông Ơng đánh giá. Mới đây, buôn Bhă Nga đã vinh dự được chọn tổ chức điểm Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2019 và đón lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Krông Pa về dự, chung vui.
Đoàn kết-động lực để phát triển
Huyện Krông Pa có 14 xã, thị trấn với hơn 86 ngàn dân sinh sống, chủ yếu là người Kinh và người Jrai. Công tác xây dựng khối đại đoàn kết luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng. Đây là nền tảng tạo nên tính thống nhất trong thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. “Ở các thôn, buôn, Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện luôn chú trọng phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn, người uy tín trong cộng đồng. Họ là cầu nối, là những người gần dân, sát dân, được nhân dân tin tưởng và có tầm ảnh hưởng sâu rộng”-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa cho biết.
Một góc huyện Krông Pa (ảnh internet) |
9 tháng năm 2019, toàn huyện Krông Pa vận động xây dựng quỹ “Vì người nghèo” được trên 100 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 6 căn nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở (tổng trị giá 240 triệu đồng); tặng quà hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó (trị giá 42,5 triệu đồng). Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cũng đã xuất 60 triệu đồng từ quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ 10 hộ nghèo tại buôn Prong (xã Ia Mlah) mua bò, dê sinh sản và phân bón đầu tư cho sản xuất để vươn lên thoát nghèo… |
Bên cạnh đó, để tạo sự đoàn kết sâu rộng đến từng hộ dân, từng khu dân cư, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã chú trọng đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tính đến hết tháng 9-2019, toàn huyện Krông Pa có 15.341/18.386 hộ đăng ký gia đình văn hóa, 65/79 khu dân cư đăng ký khu dân cư văn hóa, 107/134 cơ quan, đơn vị, trường học đăng ký cơ quan, đơn vị văn hóa. Trên địa bàn huyện có 8/14 xã, thị trấn có nhà văn hóa xã, 79/79 khu dân cư có nhà sinh hoạt cộng đồng…
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa cũng phối hợp với các tổ chức thành viên và chính quyền cùng cấp triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Từ đầu năm đến nay, Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện đã tổ chức tuyên truyền được trên 200 buổi với trên 12.000 lượt người tham dự. Nội dung tuyên truyền xoay quanh những vấn đề bức thiết phát sinh trong đời sống như: hoạt động “tín dụng đen”, tai nạn đuối nước ở trẻ em, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng-chống dịch bệnh (sốt xuất huyết, sốt rét, tay-chân-miệng), phòng-chống dịch tả heo châu Phi, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới… “Qua đó phát huy tinh thần lao động, sáng tạo, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với việc chung tay góp sức xây dựng địa phương mình; góp phần nâng cao ý thức người dân và cộng đồng trước các vấn đề phức tạp nảy sinh, ứng phó dịch bệnh, bài trừ hủ tục… Ngoài ra, một bộ phận người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết chi tiêu và tích lũy để vươn lên cùng bắt nhịp phát triển kinh tế gia đình”-bà Võ Thị Đan Trinh đánh giá.
LÊ HÒA