(GLO)- Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đảng mạnh là do các chi bộ tốt, chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt”. Thực tiễn đã chứng minh nơi nào sinh hoạt chi bộ lỏng lẻo hoặc không có nội dung chính trị tư tưởng cụ thể, thiết thực, không thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu kiểm tra, giám sát, không kịp thời khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, buông lỏng vai trò lãnh đạo, đảng viên thiếu rèn luyện thì nơi đó chất lượng hoạt động của chi bộ kém, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu không còn.
Chi bộ là tế bào của Đảng và Đảng chỉ mạnh khi có các chi bộ mạnh. Sinh hoạt chi bộ là một trong những nội dung cơ bản của công tác xây dựng Đảng, là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của Đảng và là chế độ được quy định rõ trong Điều lệ Đảng. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, làm cho sinh hoạt chi bộ thực sự phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn đảng viên tham gia, khắc phục sự nhàm chán, xơ cứng, bệnh hình thức trong sinh hoạt là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Để làm được điểu này thì chi ủy, đứng đầu là bí thư chi bộ vừa phải nắm vững nguyên tắc, vừa phải linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, tổ chức sinh hoạt; mỗi đảng viên cần thể hiện sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của mình để cuộc sinh hoạt chi bộ diễn ra sôi nổi, có chất lượng, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của chi bộ, cơ quan, đơn vị.
Sinh hoạt chi bộ là một trong những hoạt động chủ yếu của chi bộ, có tác động trực tiếp đến quá trình lãnh đạo của Đảng và quá trình nhận thức của mỗi đảng viên. Do đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thực chất là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng, trình độ mỗi đảng viên và là cơ sở, môi trường để phát huy dân chủ trong Đảng. Chi bộ không sinh hoạt thường kỳ xem như ngừng hoạt động. Chất lượng sinh hoạt chi bộ thấp thì chi bộ không thể hoàn thành nhiệm vụ.
Những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Prông luôn coi trọng việc xây dựng và củng cố chi bộ, trong đó tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đặc biệt là chi bộ thôn, làng, tổ dân phố. Đồng thời, xem đây là khâu đột phá trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên nhằm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc, chấp hành chế độ và chất lượng sinh hoạt Đảng trong các cơ quan, đơn vị.
Qua theo dõi, giám sát đối với Đảng ủy và trực tiếp dự sinh hoạt chi bộ một số thôn, làng, tổ dân phố cho thấy, việc sinh hoạt chi bộ tại cơ sở thời gian qua thể hiện một số mặt ưu điểm: Hầu hết các chi bộ đều duy trì nền nếp sinh hoạt đều đặn, tuân thủ theo quy trình hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Thường vụ Huyện ủy. Nội dung sinh hoạt chi bộ được đổi mới theo hướng thiết thực, cụ thể hơn, sát với chức năng, nhiệm vụ của từng chi bộ; gắn nội dung sinh hoạt chi bộ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng đã xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các chi bộ trực thuộc về nội dung, cách thức sinh hoạt nhằm tập trung thảo luận sâu các mặt công tác hoặc một vấn đề bức xúc đang đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, qua đó, giúp buổi sinh hoạt chi bộ thêm sinh động, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đảng viên. Một số cấp ủy quan tâm phân công cấp ủy viên, bí thư, phó bí thư Đảng ủy trực tiếp dự sinh hoạt với các chi bộ; thực hiện tốt việc họp chi ủy để thống nhất nội dung trước khi sinh hoạt chi bộ; bí thư chi bộ chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt, công tác điều hành đảm bảo đạt yêu cầu; đảng viên dự sinh hoạt chi bộ nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng trong các buổi sinh hoạt. Việc ghi chép biên bản sinh hoạt chi bộ cũng dần đi vào nền nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên.
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chư Prông khóa XVII. Ảnh: Anh Huy |
Qua sinh hoạt chi bộ đã giúp cho cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tổ chức cơ sở Đảng. Đồng thời, cấp ủy các cấp xác định rõ nguyên nhân cơ bản của những khuyết điểm, hạn chế, tồn tại của cấp ủy, chi bộ mình, từ đó có biện pháp cụ thể để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, của chi bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh.
Ngoài việc duy trì sinh hoạt định kỳ, nhiều chi bộ đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về nâng cao năng lực, kỹ năng công tác cho cán bộ, đảng viên; những vấn đề cán bộ, đảng viên đặc biệt quan tâm như việc đấu tranh phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội ở cơ quan, đơn vị; các giải pháp xây dựng nông thôn mới… Nội dung sinh hoạt được cấp ủy, bí thư chi bộ và đảng viên được phân công chuẩn bị chu đáo nên trong sinh hoạt cơ bản đã tập trung vào nội dung cần thảo luận.
Tuy nhiên, việc tổ chức sinh hoạt chi bộ ở cơ sở vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số ít chi bộ chưa thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt Đảng; một số ít chi bộ duy trì chế độ sinh hoạt không đều. Việc lãnh đạo, chỉ đạo trong sinh hoạt chi bộ chưa thể hiện rõ nét; tinh thần tự phê bình và phê bình, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao nên chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Một số chi bộ chưa làm tốt việc lựa chọn nội dung dẫn đến nội dung sinh hoạt nghèo nàn, hình thức; việc thông tin thời sự và phổ biến văn bản chỉ đạo của cấp trên còn dàn trải, không xác định rõ trọng tâm, trọng điểm. Hầu hết các chi bộ chưa quan tâm đánh giá việc đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tập thể và cá nhân; chưa quan tâm tổ chức sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề, nhiều chi bộ còn lúng túng trong việc chọn nội dung, chủ đề sinh hoạt chuyên đề. Nội dung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tháng chưa nêu rõ vai trò lãnh đạo của chi bộ, còn liệt kê công việc chuyên môn của cơ quan, đơn vị; không đề cập đến khuyết điểm, tồn tại và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đó. Nhiều chi bộ thảo luận không tập trung, khó khăn cho việc kết luận và ra nghị quyết. Nhiệm vụ của chi bộ đề ra trong tháng tới còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa bám sát nhiệm vụ trọng tâm của chi bộ; việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên chưa cụ thể, rõ ràng; một số chi bộ hình thức sinh hoạt còn rập khuôn, đơn điệu, không khí sinh hoạt còn trầm lắng, nặng về phổ biến, quán triệt, triển khai nhiệm vụ. Một số đảng viên còn thụ động, ngại phát biểu ý kiến, thiếu tinh thần tự phê bình và phê bình, không có trách nhiệm, quan điểm, chính kiến riêng. Một số đảng viên chưa tham gia sinh hoạt đều đặn. Một số chi bộ chưa thực hiện việc lấy ý kiến nhận xét của đảng viên về buổi sinh hoạt Đảng theo Công văn số 2096-CV/TU ngày 22-11-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ hàng năm.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở thời gian tới, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức cho cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ theo tinh thần Công văn số 2096-CV/TU ngày 22-11-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ hàng năm; tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 18-KL/TW, Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương, Kế hoạch số 176-KH/TU ngày 28-12-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới.
Hai là, trên cơ sở đánh giá, xếp loại chất lượng sinh hoạt chi bộ, các cấp ủy, tổ chức Đảng căn cứ vào những hạn chế, yếu kém để đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa, xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh; đồng thời, cấp ủy cấp trên quan tâm phân công cấp ủy viên về tham dự, giúp đỡ, hướng dẫn để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Ba là, củng cố, kiện toàn chi ủy đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, hạn chế việc luân phiên, luân chuyển. Bí thư chi bộ phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên theo quy định, đồng thời phải nhiệt tình, tâm huyết, có kinh nghiệm nhất định về công tác xây dựng Đảng, được quần chúng và đảng viên trong địa phương, đơn vị tín nhiệm. Chi ủy và bí thư chi bộ phải gương mẫu, phải làm tốt công tác quản lý đảng viên, phân công nhiệm vụ cụ thể, phù hợp cho đảng viên.
Bốn là, duy trì nền nếp sinh hoạt định kỳ của chi bộ; bí thư chi bộ phải nghiên cứu nắm vững nội dung, yêu cầu sinh hoạt chi bộ, phải vận dụng sáng tạo, linh hoạt công tác quản lý đảng viên vào điều kiện cụ thể của chi bộ. Nội dung sinh hoạt chi bộ cần báo trước để đảng viên biết và chuẩn bị ý kiến tham gia. Thời gian sinh hoạt phải phù hợp để tạo điều kiện cho đảng viên tham dự và thực hiện tốt nhiệm vụ của đơn vị.
Năm là, công tác chuẩn bị cho mỗi kỳ sinh hoạt của chi bộ phải chu đáo từ nội dung, lựa chọn hình thức, chương trình, địa điểm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của chi bộ ở từng thời điểm cụ thể, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo thực hiện. Quan tâm tổ chức sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng ở chi bộ; đồng thời, nâng cao tính hấp dẫn, tính giáo dục, tính lãnh đạo, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện kết luận, nghị quyết của chi bộ, kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, chấn chỉnh các chi bộ không thực hiện tốt việc sinh hoạt định kỳ, có giải pháp chỉ đạo các chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt.
ĐINH VĂN DŨNG
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chư Prông