Krông Pa: Nhùng nhằng tranh chấp đất tái định cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 12 năm qua, hàng trăm hộ dân ở các làng tái định cư xã Ia Hdreh (huyện Krông Pa) vẫn chưa có cuộc sống ổn định tại nơi ở mới. Nguyên nhân là bởi diện tích đất ở mà chính quyền bố trí cho họ bị các chủ đất cũ tranh chấp.

Phần lớn diện tích đất mà các hộ dân 8 làng tái định cư xã Ia Hdreh đang ở là rẫy cũ của người dân buôn Sai (xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa) trước đây khai hoang, lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, thay vì vận động các chủ rẫy nhường đất và ra quyết định thu hồi phần diện tích này rồi cấp lại cho những hộ tái định cư thì Krông Pa lại để người dân tự thỏa thuận với nhau khi giao đất. Đây chính là nguyên nhân xảy ra việc nhùng nhằng tranh chấp giữa chủ đất cũ và người dân tái định cư.

 

Trung tâm xã Ia Hdreh có đường Trường Sơn Đông đi qua nên giá đất tăng cao. Ảnh: N.S
Trung tâm xã Ia Hdreh có đường Trường Sơn Đông đi qua nên giá đất tăng cao. Ảnh: N.S

Nhùng nhằng tranh chấp

Thực hiện chương trình tái định canh, định cư, chính quyền huyện Krông Pa đã vận động những hộ dân ở các làng trước đây sống dọc bờ sông Ba về nơi ở mới để thành lập cụm dân cư trung tâm xã Ia Hdreh. Để làm được điều này, chính quyền huyện và xã Ia Hdreh đã vận động các hộ dân có đất nương rẫy ở khu vực trung tâm xã bây giờ nhường cho những hộ dân mới chuyển đến sinh sống và hình thành các làng tái định cư. Đây là đất sản xuất của người dân từ lâu đời, do người dân tự phát dọn, khai hoang đất rừng làm rẫy. Nhưng vì phần đất này chưa có văn bản pháp lý rõ ràng nên chính quyền huyện Krông Pa để người dân tự thỏa thuận đền bù với nhau. Hậu quả là dù đã hơn 12 năm trôi qua nhưng đến nay, những chủ rẫy cũ vẫn đòi lại đất. Sự việc càng phức tạp hơn khi giá đất nơi đây ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, khi xây dựng một số công trình như: trụ sở  UBND xã, trường học… ở xã Ia Hdreh, huyện có hỗ trợ chi phí thu hồi đất. Từ đây dẫn đến tình trạng nhùng nhằng tranh chấp đất, nhưng về bản chất là tranh giành quyền lợi từ khoản tiền đền bù, tiền bán đất hoặc cho thuê đất của các hộ dân tái định cư. Các chủ rẫy cũ trước đây cho rằng, họ nhường đất chỉ để các hộ tái định cư làm nhà ở. Nhưng vì những hộ này cắt đất bán, cho người khác thuê hoặc nhận được tiền từ các dự án xây dựng trụ sở, trường học thì phải trả họ công khai hoang trước đây.

Theo ông Nay Blá-Bí thư chi bộ buôn Djrông, cả 165 hộ dân trong buôn đều sinh sống trên phần đất rẫy của người dân buôn Sai (xã Chư Ngọc) trước đây nhường lại. Ngay phần đất gia đình ông Blá đang ở ngày trước cũng thuộc quyền sở hữu của ông Nay Thăm (buôn Sai). Nhiều năm nay, gia đình ông Blá liên tục bị chủ đất cũ đến yêu cầu dời nhà đi chỗ khác để trả lại đất. Ông Blá cho biết, người dân buôn Sai và buôn Djrông nảy sinh mâu thuẫn vì việc tranh chấp đất. Ngay bản thân ông Blá có họ hàng bên buôn Sai nhưng khi có việc không dám qua đó. “Ngày trước, người dân các buôn rất đoàn kết nhưng nay thì chửi bới, từ mặt nhau chỉ vì tranh chấp đất. Thậm chí, đất của người dân buôn Sai trước đây được xã Ia Hdreh quy hoạch làm khu nghĩa trang nhưng nay họ đòi trả tiền đền bù và không cho người dân các làng tái định cư chôn cất người chết. Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo lên xã nhưng chưa được giải quyết”-ông Blá bức xúc.

Buôn Tring có 173 hộ, trong đó có 70 hộ dân tái định cư, cũng không tránh khỏi việc tranh chấp này. Trưởng thôn Ksor Bai dẫn chứng: Ông Kpă Két khi bán một phần đất của mình đang ở cho người khác thì bị chủ đất cũ sang đòi chia tiền. Nhưng vì lỡ tiêu xài hết nên ông Két đồng ý cho người này bán nốt phần đất còn lại. Gia đình ông Két đành phải dọn nhà sang phần đất khác cách xa trung tâm xã để ở. Hay việc ông Nay Siêng cho người khác thuê 200 m2 đất để làm quán bán tạp hóa thì chủ rẫy cũ cũng tìm đến đòi chia tiền nên xảy ra tranh cãi. Cuối cùng, ông Siêng phải đồng ý đưa tiền thì mới giải quyết được mâu thuẫn.

Sẽ giải quyết trong năm 2018?

Trao đổi với P.V, ông Ksor Jú-Chủ tịch UBND xã Ia Hdreh, xác nhận: Hiện nay, đất ở của hơn một nửa trong tổng số gần 1.000 hộ ở xã Ia Hdreh chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) do chưa phân định rõ ràng quyền sở hữu. Điều này khiến nhiều hộ dân các làng tái định cư bị thiệt thòi về quyền lợi. Việc cấp bìa đỏ không thực hiện được và kéo dài đến bây giờ là do vấp phải phản ứng quá gay gắt của các chủ đất cũ. Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều hộ và khối đoàn kết cộng đồng, an ninh trật tự trên địa bàn xã Ia Hdreh. “Nghiêm trọng hơn, nhiều hộ dân bên buôn Sai còn sang Ia Hdreh khóa cửa trường học chỉ vì những hộ dân ở đây nhận tiền hỗ trợ phần đất Nhà nước thu hồi xây dựng trường học mà không chia cho họ”-ông Jú nêu dẫn chứng.

Theo ông Ksor Yni-cán bộ địa chính xã Ia Hdreh, ông cũng liên tục “bị làm phiền” bởi nhiều người dân là chủ đất cũ nhờ giải quyết tranh chấp đất đai. Đặc biệt, khi các hộ dân ở đây được nhận tiền hỗ trợ đền bù từ các dự án xây dựng công trình công cộng; bán hoặc cho thuê đất thì mới xảy ra tranh chấp. Tất cả đều xuất phát từ việc phát sinh lợi ích cá nhân. Đối với những lô đất mặt tiền có giá như dọc đường Trường Sơn Đông đi qua trung tâm xã thì việc tranh chấp càng diễn ra gay gắt. Do vậy, việc để các chủ rẫy cũ và hộ đang sinh sống trên đất đó tự thỏa thuận với nhau về quyền sở hữu đất là phương án không khả thi.

Trong khi đó, ông Tạ Chí Khanh-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, thừa nhận: Nguyên nhân sâu xa là do lịch sử để lại. Những năm trước đây, đất mênh mông thì người dân cứ định canh, định cư nhưng giờ đất có giá nên sinh chuyện. Một phần cũng là do việc triển khai các dự án xây dựng công trình công cộng của Nhà nước, trong dự án có tính tiền bồi thường diện tích đất thu hồi nên có sự so sánh, xảy ra tranh chấp quyền lợi. “Trong năm 2017, UBND huyện đã thành lập các đoàn vận động thực hiện việc hỗ trợ cho người dân hơn 700 triệu đồng. Hiện UBND huyện đã giao kinh phí cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thực hiện công tác đo đạc trong năm 2018 để giải quyết dứt điểm việc cấp đất cho các buôn xã Ia Hdreh theo kế hoạch. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo chủ đất mới thỏa thuận mua lại đất của chủ cũ để ổn định các khu tái định cư”.

Nguyễn Sang

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.