Krông Pa: Đất, người và nắng…

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- “Chảo lửa”, “Vùng đất khát”-những mệnh danh cho vùng đất ngỡ chỉ một bề khắc nghiệt giờ đang đảo chiều. Đến Krông Pa (tỉnh Gia Lai) những ngày này, tôi có cảm giác một cuộc sống mới đang được kiến tạo trên cái mạch nguồn của tính cách con người nơi đây: lãng mạn và quả cảm.
1. Sông Ba mùa cạn, từng doi cát nổi như vệt thời gian trên mái tóc ai dập dờn giữa đôi bờ cổ tích. Trong cái nắng chát nhợt cả màu cây cỏ, chỉ cánh đồng thuốc lá ven sông là vẫn giữ được sắc xanh. Có cảm giác đấy là cái sắc xanh biệt nhãn của nắng dành cho một thứ cây ngẫu nhiên đến đất này rồi khai mở cho hàng ngàn con người nguồn sống đã hơn ba chục năm nay.
Đến Chư Gu-rốn trồng cây thuốc lá của huyện Krông Pa, tôi vẫn giữ ấn tượng thời điểm 1984. Bấy giờ, hơn 400 hộ dân kinh tế mới miền Bắc, chủ yếu là Thái Bình đến đất này lập nghiệp. Từng nổi tiếng với “quê hương 5 tấn”, không dưng họ bị mắc cạn bởi cây lúa rẫy phập phù trên đất nóng.
Với cảm giác bị “mang con bỏ rừng”, thay vì tìm cách khắc phục khó khăn, người ta đua nhau phá phách. Cứ ở đâu có gỗ quý là có “lâm tặc Chư Gu”. Gỗ cạn thì xoay sang đãi vàng. Buồn thay chẳng thấy ai khấm khá mà họa sốt rét thì theo về ám khắp mọi nhà. Bất mãn mãi rồi cũng cùng đường, nhiều người nghĩ: Kéo dài cuộc sống tạm bợ này là tự sát. Chỉ “vắt đất” mà sống mới mong tồn tại. Nhưng “vắt đất” với cây lúa rẫy thì cũng có nghĩa là đi tiếp con đường vô vọng.
Năm 1992, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đến vận động trồng nguyên liệu cho nhà máy. Lờ mờ một tia sáng cuối đường hầm, 14 hộ tiên phong nhận trồng thử và rồi… Tôi còn nhớ, thời điểm cách nay hơn 10 năm, Chư Gu đã có 95% dân kinh tế mới làm nghề trồng cây thuốc lá với khoảng 250 hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/hộ/năm.
Còn bây giờ, theo Phó Chủ tịch UBND xã Ksor Thép, hơn 95% số hộ dân của xã cùng trồng loại cây này với tổng diện tích hơn 300 ha. Nhẩm tính, với diện tích trên, sản lượng thuốc lá của Chư Gu cũng phải trên 1.000 tấn. Với giá cả hiện tại, riêng nguồn thu từ cây thuốc lá cũng ngót 50 tỷ đồng.
Hôm làm việc với tôi, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng lại nói về cây thuốc lá. Ông Duyên cho hay: Vụ này diện tích toàn huyện đạt trên 2.000 ha. Thường, năng suất chỉ tầm 2,4-2,5 tấn/ha nhưng năm nay một số diện tích có thể đạt tới 3,5 tấn/ha. Tạm tính, với tổng sản lượng trên 5.000 tấn và với giá cả hiện tại, cây thuốc lá đã mang về cho nông dân Krông Pa trên 250 tỷ đồng. Nguồn thu này chỉ xếp sau cây mì mà thôi.
Biết đến cây thuốc lá thời bén rễ đất Krông Pa, vậy mà có điều này giờ tôi mới biết: Thực ra năng suất thuốc lá Krông Pa không phải cao nhất nhưng phẩm chất của nó thì lại hiếm nơi có được: tỷ lệ cuống thấp, lượng nicotine thấp. Đây là điều các nhà máy rất chuộng để chế biến ra các loại thuốc lá cao cấp.
Phẩm chất hiếm này có được là nhờ thổ nhưỡng. Đất Krông Pa là thứ đất rất giàu kali và nắng-một cái nắng thật cá biệt: không oi đặc như nắng hè miền Bắc; không rát bỏng như mùa gió Lào Bắc miền Trung nhưng lúc nào cũng cứ ngôn ngốt, ran rả bên mình, se cho cỏ cây chỉ còn là tinh chất. Ví dụ sau cây thuốc lá là cây mì. Mì trồng trên đất này, tỷ lệ tinh bột được coi vào hàng nhất. Chẳng thế mà Krông Pa hiện có tới 2 nhà máy chế biến tinh bột. Với diện tích lên đến 20.000 ha, hằng năm, cây mì mang về nguồn thu cho nông dân trên dưới 600 tỷ đồng.
 Thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐỨC MẠO
Thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) nhìn từ trên cao. Ảnh: Đức Mạo
Một thứ nông sản khác cũng rất đậm chất Krông Pa, đấy là điều. Từ lâu, Krông Pa đã có tiếng là xứ điều, không phải bởi năng suất hay diện tích mà là phẩm chất. Hạt điều Krông Pa to, vị bùi và hương thơm không lẫn.
Kể đến thực phẩm tất nhiên phải nói đến bò. Ở Krông Pa, những gia đình có trên trăm con bò không phải là quá hiếm, nhưng đáng nói ở đây là chất lượng thịt. Thịt bò Krông Pa ngọt, béo mà không ngậy; là nguyên liệu làm nên thịt bò một nắng Krông Pa đã thành thương hiệu.
Đến cây cỏ trong thiên nhiên cũng phân định thành một phẩm chất Krông Pa. Gỗ hương chẳng hạn. Tôi chắc chẳng đâu sánh được gỗ hương Krông Pa: sắc đỏ màu huyết, vân đẹp như mây…
Giờ thì tôi tin dường như vẫn có sự bù trừ bí ẩn nào đó trong quy luật sinh tồn của tạo hóa, hay như người xưa vẫn luôn tin rằng “trời sinh voi ắt sinh cỏ”. Cái đáng nói ở đây là qua rồi cái thời chỉ biết thuận theo phần tạo hóa dành cho để sinh tồn, con người trên vùng đất này giờ đang biến cái nghịch thành cái thuận, cái lợi thế…
2. Xuống Krông Pa, một con người khiến tôi luôn nhớ là cố nhạc sĩ Nhật Lai. Quê ông ở Tuy An (TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) nhưng lại có một quãng đời gắn bó với vùng đất Krông Pa. Theo lời kể của bà Hồ Thị Khai-vợ ông, do cha làm nghề bán thuốc Bắc nên cậu bé Nguyễn Tuân (tên thật của nhạc sĩ Nhật Lai) thường theo chân lên chợ Phú Túc.
Năm 13 tuổi, ông đã được giác ngộ cách mạng rồi thoát ly gia đình và lên hoạt động ở Krông Pa. Ông hòa mình vào cuộc sống của đồng bào như một người bản địa thực thụ. Một bức ảnh chụp ông đóng khố, cởi trần, đi chân đất đã chứng tỏ điều đó. Ông nói thạo tiếng Jrai, Ê Đê. Sự nhập cuộc đích thực đã giúp ông khám phá ra cái “mỏ vàng” trong tâm hồn con người và vùng đất Krông Pa.
Năm 1954, Nhật Lai tập kết ra Bắc và được giao lãnh đạo Đoàn Văn công Tây Nguyên. Lúc này, ông mới có 18 tuổi. Tài năng âm nhạc của ông bắt đầu thăng hoa nở rộ; sáng tác đủ thể loại: múa, ca kịch, nhạc kịch và hàng chục ca khúc… Cảm hứng của hầu hết các tác phẩm đều cháy lên từ đất và người Krông Pa.
Điều khiến ta ngạc nhiên hơn là Nhật Lai không qua một trường lớp âm nhạc chính quy nào. Từ người thầy đầu tiên là nhạc sĩ Vân Đông, sau đó ông nỗ lực học… đồng bào là chính. Năm 1982, ông và nhạc sĩ Hoàng Vân được bầu chọn đi dự hội trại sáng tác tổ chức tại Ivanova (Liên Xô). Đây là hội trại có nhiều cường quốc âm nhạc như Ba Lan, Đức, Anh, Italia với nhiều tên tuổi tầm cỡ thế giới. Đề tài “Các làn điệu dân ca của các dân tộc Tây Nguyên do nhạc sĩ Hoàng Vân diễn giải và phần minh họa của nhạc sĩ Nhật Lai kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ (quy định 40 phút) đã gây ấn tượng mạnh mẽ. Giới âm nhạc phương Tây đã nhận ra sự khác biệt không hề có trong âm nhạc Trung Quốc, Triều Tiên, Indonesia.
Một vị giáo sư thán phục hỏi: “Chắc là ông đã học âm nhạc một nước nào đó ở phương Tây?”, nhạc sĩ Nhật Lai cười: “Vâng, tôi đã học ở Tây nhưng mà là... Tây Nguyên!”.
Gần như đã thành nếp, nghĩ về con người Krông Pa xưa nay, người ta chỉ nghĩ đến phẩm chất quả cảm, mưu trí của họ trong đánh giặc. Thực sự là cả Tây Nguyên chắc chỉ Krông Pa là huyện sinh được 2 tướng: Thiếu tướng Nay Phao và Thiếu tướng Rơ Ô Cheo. Tướng Nay Phao thì tôi mới chỉ nghe tên, còn Rơ Ô Cheo thì tên tuổi đã trở nên thân thuộc. Đó là chưa kể 6 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây có lẽ cũng là con số kỷ lục của một huyện trên vùng đất Tây Nguyên này. Và như vậy, chuyện người ta dễ lướt qua phẩm chất tâm hồn thường ẩn trong cái vẻ thô mộc bên ngoài của con người xứ nắng này có lẽ cũng là điều dễ hiểu.
Không phải đất nào cũng nên nhạc, nên thơ. Càng không phải đất nào cũng sinh-dưỡng nên nghệ sĩ. Krông Pa thực sự là vùng đất cho con người sức mạnh vật chất lẫn tinh thần để đối diện với mọi thử thách của lịch sử. Có được mạch nguồn quý giá đó, dù hôm nay còn là huyện nghèo nhưng Krông Pa không thể mãi là huyện nghèo. Hãy nhìn vào gương mặt thị trấn Phú Túc hôm nay để thấy tâm thế đang lên của vùng đất nóng: đường sá được quy hoạch rộng rãi, bài bản; vỉa hè nào cũng lát gạch, trồng cây xanh và rất sạch sẽ. Có cảm giác thị trấn huyện như chàng trai đang lớn, đã đến lúc phải cởi bỏ tấm áo cũ kỹ, chật chội năm nào…
3. Ngày cuối cùng ở huyện, tôi về buôn Prông (xã Ia Mlah) thăm Ma Hoa-người từng giữ ngôi đầu xã làm ăn giỏi. Nghe ông kể về buôn Prông mà thấy nức lòng: Prông có 227 hộ nhưng chỉ còn 4 hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm. Người giàu nhất buôn, ông Ksor Xoan có hơn 100 con bò, canh tác trên 20 ha đất.
Có ai ngờ cái buôn sắp thành “nông thôn mới” này từng một thời khổ nghèo, lạc hậu đến thế nào. Ấy vậy mà chỉ trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, nhờ những cán bộ như Ma Hoa, Ma Xoan làm nòng cốt, Prông đã đổi thay như có phép lạ...
Mừng bạn lâu ngày lại gặp, một tiệc rượu nho nhỏ được Ma Hoa bày trước sân nhà rẫy. Ngọn lửa men thức dậy dịu êm trong tôi rồi bùng cháy. Trong mơ màng, tôi nghe như Ma Hoa đang kể cho mọi người nghe sự tích hồ Tăng Túc, đèo Tô Na. Giọng ông lúc gần lúc xa, vương vít trong làn gió đồng trong lành, mát rượi. Có cảm giác là đã thật lâu rồi mình mới có một giấc ngủ giữa thiên nhiên thanh khiết. Chợt ngẫm vì sao Tướng Rơ Ô Cheo về hưu lại về buôn. Cứ gì “thành phố đáng sống”, ở đâu cuộc sống có ý nghĩa với ta thì đấy chính là “miền đáng sống”…
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.