Kông Chro: Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng-chống cháy rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Kông Chro có trên 78.401 ha đất có rừng, trong đó có 73.760 ha rừng tự nhiên hơn và hơn 4.640 ha rừng trồng. Để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), ngay từ đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro đã lập kế hoạch kiểm tra công tác PCCCR, đồng thời hướng dẫn phổ biến tình hình PCCCR và quản lý bảo vệ rừng tới các xã, thị trấn và chủ rừng.

Ngay từ đầu mùa khô năm nay, tất cả 4 đơn vị chủ rừng (Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Hdé, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chro, Đội trồng rừng thuộc Công ty MDF-Vinafor Gia Lai) đã xây dựng kế hoạch và phương án PCCCR. Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chro có nhiệm vụ quản lý bảo vệ trên 21.643 ha rừng; trong đó  diện tích rừng tự nhiên trên 16.347 ha, rừng trồng 1.758 ha và đất trống trên 3.441 ha.

 

Khu sản xuất của người dân nhiều nơi nằm xen kẽ với diện tích rừng nên nguy cơ phát cháy rừng tại một số nơi trên địa bàn huyện Kông Chro là rất cao.                                                                                                                                           Ảnh: H.M
Khu sản xuất của người dân nhiều nơi nằm xen kẽ với diện tích rừng nên nguy cơ phát cháy rừng tại một số nơi trên địa bàn huyện Kông Chro là rất cao. Ảnh: H.M

Để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, Công ty đã thực hiện các công tác PCCCR theo thiết kế được Chi cục Kiểm lâm tỉnh phê duyệt. Cụ thể, Công ty phối hợp với các địa phương tổ chức 3 buổi tuyên truyền tại xã Đak Song và Đak Pling với trên 700 lượt người dân tham dự, phát đốt có điều khiển 13,5 km đường ranh… “Tại các trọng điểm cháy, Công ty phân công nhân viên trực 24/24 giờ, mua sắm các dụng cụ phục vụ công tác PCCCR như: bàn dập lửa, rựa, máy thổi gió”-ông Trần Trọng Tấn-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chro cho hay.

Tại 14 xã, thị trấn thuộc huyện Kông Chro, ngay từ đầu mùa khô, công tác củng cố, kiện toàn các Ban Chỉ huy PCCCR và các tổ đội bảo vệ rừng-PCCCR ở cơ sở đã được triển khai. Xã Ya Ma có 4.441 ha diện tích tự nhiên, trong đó diện tích đất lâm nghiệp 1.908 ha, diện tích rừng trồng chiếm 1.113 ha. “Đặc thù diện tích rừng ở xã Ya Ma nằm gần hoặc xen lẫn với khu dân cư, khu đất sản xuất của người dân nên nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao, nhất là trong mùa phát nương làm rẫy. Bởi vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền cho người dân biết về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Ngay từ đầu mùa khô, các tổ bảo vệ rừng đều được trang bị cuốc, xẻng, rựa, xô nước, đồ bảo hộ… và luôn sẵn sàng huy động lực lượng khi có cháy rừng xảy ra”-ông Đinh Văn Thắng-Chủ tịch UBND xã Ya Ma cho biết.

Bên cạnh việc tuyên truyền, Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro rất chú trọng đến công tác sẵn sàng chữa cháy rừng tại chỗ. Huyện bố trí Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện và 18 Ban Chỉ huy PCCCR cấp cơ sở với khả năng huy động lực lượng lên tới 919 người tham gia tại tất cả 14 xã, thị trấn và 4 đơn vị chủ rừng. Toàn huyện có 5 xe ô tô, 6 xe độ chế và 573 xe máy có thể huy động phục vụ công tác chữa cháy rừng cùng một số loại phương tiện khác như: 3 cưa xăng, 1 máy thổi gió, 37 bình chữa cháy, 202 bàn dập lửa và 459 dụng cụ thô sơ các loại… Công tác tổ chức trực Ban Chỉ huy PCCCR ở 14 xã, thị trấn và phân công trực ở các vùng trọng điểm dễ cháy như các xã: Sró, Đak Kơ Ning, Yang Nam, Ya Ma, An Trung, Đak Pơ Pho và Chơ Long luôn được duy trì 24/24 giờ. Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ huy PCCCR các cấp trên địa bàn đã tổ chức 56 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về rừng và PCCCR tại 56 thôn làng với 2.261 hộ tham gia; đồng thời ký cam kết an toàn lửa rừng với 1.242 hộ.

Theo dự báo, tình hình thời tiết mùa khô năm nay sẽ diễn biến phức tạp nên công tác PCCCR đứng trước không ít khó khăn. Nói về công tác phòng-chống cháy rừng trong mùa khô, ông Trần Hùng Anh-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro cho biết: “Đặc thù diện tích rừng trong huyện phân bố rộng và chủ yếu là rừng khộp, lá rụng quanh năm, vào mùa khô, lớp lá dày rất dễ cháy. Để nâng cao ý thức của người dân, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên đi kèm với tuần tra, kiểm soát rừng để phát hiện và xử lý kịp thời những nguy cơ dẫn đến cháy rừng. Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu cho các xã xây dựng các phương án PCCCR ở từng thôn, làng. Đặc biệt, công tác tuần tra, kiểm soát được duy trì thường xuyên trong mùa cao điểm cháy rừng. Đồng thời, các địa phương luôn sẵn sàng lực lượng tại chỗ để xử lý nếu xảy ra cháy và dập tắt các đám cháy nhỏ lẻ, không để cháy lan”.

Hải Minh

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.