(GLO)- Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng phát huy vai trò người uy tín trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.
Già làng Đinh Văn Lên (tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro) cho biết: “Tổ dân phố có 463 hộ với 2.215 khẩu, trong đó hơn 86% là người dân tộc thiểu số (DTTS). Do tập tục lạc hậu, trước đây, bà con cứ cho rằng khi người nhà đau bệnh, chết bất thường là do “ma lai”, “thuốc thư”. Có những trường hợp bị vu khống là “ma lai”, có “thuốc thư” rồi bị người khác xa lánh, nói xấu hoặc đề nghị phạt vạ dẫn đến mất an ninh trật tự tại địa phương”.
Hơn 7 năm làm già làng, ông Lên là chỗ dựa vững chắc của người dân mỗi khi có mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng. Bằng sự uy tín, kỹ năng giải quyết thấu tình đạt lý, ông Lên đã giải quyết hàng trăm vụ mâu thuẫn phát sinh và tích cực cùng chính quyền vận động bà con xóa bỏ các tập tục lạc hậu như: tảo hôn, nạn tự tử, mê tín, “ma lai”, “thuốc thư”... Đơn cử là trường hợp vợ chồng anh Đ.V.G. Năm 2019, sau khi lấy vợ, anh G. sống cùng vợ tại xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa. Tuy nhiên, vì mâu thuẫn gia đình nên anh G. thường xuyên nhậu nhẹt, nghĩ quẩn rồi tự tử. Một thời gian sau, vì mắc bệnh nên vợ anh G. cũng đột ngột qua đời. Chứng kiến chuyện không hay liên tiếp xảy ra, gia đình vợ anh G. cứ thế đổ vấy cho bố mẹ ruột của anh có “thuốc thư” để làm chuyện xấu nên đòi phạt vạ. Biết chuyện, ông Lên phối hợp với Mặt trận, người uy tín của 2 địa phương đến tận nhà để giải quyết. Sau quá trình vận động, giải thích, 2 bên gia đình đã hiểu rõ, không còn mâu thuẫn.
Già làng Đinh Văn Lên vận động người dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ảnh: R’Ô HOK |
Không chỉ giúp bà con xóa bỏ tập tục lạc hậu, ông Lên còn tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Như hồi năm 2019, có 6 đối tượng ở xã Ya Ma thường xuyên trộm cắp tài sản, phá phách chòi rẫy của dân làng. Nắm được tình hình, ông cùng người dân tổ chức vây bắt các đối tượng trên bàn giao cho lực lượng Công an xử lý. Anh Đinh Văn Him (cùng làng) chia sẻ: “Già làng Lên là người uy tín, rất được dân làng tôn trọng, quý mến. Ông tích cực tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, giúp người dân yên tâm sản xuất”.
Với những đóng góp của mình, ông Lên 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư giai đoạn 2014-2018 và 2018-2020. Năm 2019, ông được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Kế hoạch số 1840/KH-UBND của UBND tỉnh về phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tương tự, ông Đinh Gar (tổ dân phố Plei Pyang, thị trấn Kông Chro) thường xuyên đi đầu trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương đến với người dân; tích cực tham gia hòa giải các mâu thuẫn trong cộng đồng. Gần đây nhất, ông phối hợp với hệ thống chính trị tổ dân phố hòa giải thành công vụ tranh chấp đất đai giữa bà Đinh Thị Tiơh và em ruột là ông Đinh Chrek. Chuyện là sau khi bố mẹ qua đời để lại một mảnh đất rộng 1.500 m2, ông Chrek tự ý bán đất mà không bàn bạc với bà Tiơh dẫn đến xích mích, cãi vã. Nắm bắt sự việc, ông Gar mời 2 bên để phân tích đúng sai. Bà Tiơh và ông Chrek sau khi hiểu ra đã đồng ý chia đôi số tiền bán đất, bắt tay làm hòa. Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Gar bộc bạch: “Trước khi hòa giải, mình phải tìm hiểu, xác minh nguyên nhân sự việc. Khi hòa giải phải khách quan, không thiên vị ai cả. Để bà con tin tưởng, mình phải sống gương mẫu, nói được, làm được”.
Ông Đinh Gar là người uy tín của tổ dân phố Plei Pyang (thị trấn Kông Chro). Ảnh: R'Ô HOK |
Từ đầu năm đến nay, ông Gar phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn 3 trường hợp tảo hôn. Phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp dân tộc, ông vận động bà con giữ gìn các nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm và bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng. Nhờ vậy, đến nay, tổ dân phố vẫn giữ 9 bộ chiêng phục vụ các lễ hội của cộng đồng. Năm 2016, ông Gar được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Theo thống kê, huyện Kông Chro hiện có 64 người uy tín. Hàng năm, Phòng Dân tộc phối hợp với Mặt trận, các ban ngành, đoàn thể, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện tổ chức các buổi tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ người uy tín; đồng thời tổ chức gặp mặt, biểu dương người uy tín tiêu biểu. Qua đó, đội ngũ người uy tín ngày càng phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Năm 2021, toàn huyện có 60/74 thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, 7.683 hộ đạt gia đình văn hóa.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Súy-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-thông tin: Người uy tín có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương; là cầu nối để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Do đó, hàng năm, huyện có các chính sách biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những người uy tín tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
R’Ô HOK