Kon Tum phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Ðảng bộ và chính quyền tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút các nguồn lực, doanh nghiệp trên cả nước đầu tư vào lĩnh vực này. Sau hơn bốn năm, tỉnh đã xây dựng hiệu quả một số mô hình sản xuất tiêu biểu và hướng đi bền vững cho nền nông nghiệp công nghệ cao.
Vườn lan của Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao Măng Ðen.
Vườn lan của Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao Măng Ðen.
Nhiều chính sách ưu đãi, đa dạng mô hình
Nhận thức ý nghĩa quan trọng của chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC), trong những năm qua, tỉnh Kon Tum tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch sử dụng đất; rà soát toàn bộ diện tích đất đã quy hoạch phát triển nông nghiệp và dự kiến các vùng có điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2016 - 2020) nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ và cơ giới vào sản xuất; tổ chức thực hiện kế hoạch tích tụ, dồn đổi đất đai để xây dựng "cánh đồng lớn" phục vụ NNƯDCNC; kiên quyết thu hồi diện tích đất giao cho các đơn vị, hộ gia đình để sản xuất nông nghiệp đã quá thời hạn theo quy định nhưng không sử dụng.
Ðể thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) trên cả nước, tỉnh Kon Tum ban hành nhiều chính sách như: Khuyến khích và ưu tiên bố trí quỹ đất cho các DN có dự án NNƯDCNC. Nhà đầu tư có hoạt động đầu tư, sản xuất NNƯDCNC tại Trại thực nghiệm giống cây trồng Ðăk La, huyện Ðăk Hà được miễn tiền thuê hạ tầng trong ba năm và giảm 50% tiền thuê cho hai năm tiếp theo. DN có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành. Mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng Nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ. Thời gian hỗ trợ lãi suất đối với dự án của DN nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập là tám năm; đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư là sáu năm; đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư là 5 năm; hỗ trợ khởi nghiệp các nhà đầu tư có sản xuất NNƯDCNC hệ thống nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt; đầu tư, sản xuất NNƯDCNC trong khu NNCNC được miễn tiền thuê nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt trong thời hạn ba năm và giảm 50% tiền thuê cho hai năm tiếp theo…
Hiện tại tỉnh Kon Tum đã thành lập khu NNƯDCNC Măng Ðen, huyện Kon Plông và tiếp tục thành lập thêm hai khu NNƯDCNC tại huyện Ðăk Hà và TP Kon Tum. Ngoài ra, tỉnh cũng xác lập được hai vùng NNƯDCNC gồm vùng rau hoa củ quả Măng Ðen và vùng C cà-phê Ðăk Hà. Ðồng thời, công nhận hai doanh nghiệp NNƯDCNC là Công ty TNHH Việt Khang Nông (huyện Kon Plông) và Công ty TNHH sản xuất, chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát (huyện Ðăk Hà).
Từ việc tập trung triển khai đồng bộ đề án NNƯDCNC, đến nay tỉnh Kon Tum xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu: Dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty cổ phần Dược liệu và Thực phẩm Măng Ðen với tổng vốn 5.100 tỷ đồng; Trang trại chăn nuôi dê sữa Măng Ðen được triển khai tại xã Măng Cành, huyện Kon Plông áp dụng CNC với quy mô gần 10.000 con, chiếm 55,56% tổng đàn dê toàn tỉnh; Dự án xây dựng vùng sản xuất rau hữu cơ Nico Nico Yasai theo tiêu chuẩn của Nhật Bản với quy mô 1 ha; Dự án nông trại ứng dụng CNC Brosfarm tại xã Ðăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy với quy mô 5.000 m2 nhà lưới trồng dưa lưới trên giá thể xơ dừa, mùn cưa áp dụng tưới nhỏ giọt bằng hệ thống tự động theo công nghệ của I-xra-en; Dự án trồng cây ăn quả CNC theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại tiểu khu 320, 321 xã Ðăk Pxi, huyện Ðăk Hà của Công ty TNHH sản xuất, chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát trên diện tích 265 ha; Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Hương Ðất sản xuất được 1,8 ha rau các loại theo tiêu chuẩn hữu cơ, sản lượng 102 tấn/năm... Ngoài ra, một số DN lớn đầu tư vào NNƯDCNC tại Kon Tum như: Dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco Kon Tum - Măng Ðen của Công ty TNHH Ðầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco với tổng vốn 1.000 tỷ đồng đang đầu tư xây dựng với quy mô 511,23 ha; Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại tỉnh Kon Tum của Công ty cổ phần bò sữa nông nghiệp công nghệ cao Kon Tum (Tập đoàn TH) với tổng vốn 2.544 tỷ đồng; Dự án trồng cây ăn quả và nhà máy chế biến hoa quả kết hợp du lịch trang trại tại tỉnh Kon Tum của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Tây Nguyên (Tập đoàn TH) với tổng vốn 1.284 tỷ đồng…
Giúp người dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Nằm ở độ cao trung bình 1.000 đến 1.500 m so mực nước biển, có khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình hằng năm dao động từ 16 đến 20oC, độ ẩm trung bình 82 đến 84%, Kon Plông là huyện đầu tiên của tỉnh được chọn triển khai, đẩy mạnh ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện hiện có 47 dự án nông nghiệp. Tổng diện tích đất đã giao, cho thuê là 3.169,6 ha. Tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư của các dự án là 7.471,7 tỷ đồng, đến cuối năm 2019, huyện huy động nguồn vốn đầu tư NNƯDCNC hơn 734 tỷ đồng.
Ðến nay, huyện Kon Plông đã thực hiện thành công nhiều mô hình NNƯDCNC đạt hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất các loại rau, quả ứng dụng CNC theo tiêu chuẩn hữu cơ của Hợp tác xã Thanh niên Măng Ðen, năng suất trung bình đạt 56 tấn/ha/năm, doanh thu trung bình khoảng 2,4 tỷ đồng/ha/năm; mô hình ớt chuông sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ứng dụng CNC của Công ty TNHH Việt Khang Nông cho năng suất đạt 80 tấn/ha, doanh thu khoảng 2,8 tỷ đồng/ha/năm; mô hình sản xuất cà chua bi ứng dụng CNC của Công ty TNHH nông nghiệp xanh Măng Ðen, năng suất đạt 150 tấn/ha/năm, doanh thu trung bình khoảng 4,5 tỷ đồng/ha/năm; mô hình trồng cam của trang trại anh Nguyễn Quang Ðông ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho năng suất khoảng 12 tấn/ha, doanh thu trung bình khoảng 180 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng cây sâm đương quy ứng dụng công nghệ tưới phun sương năng suất đạt 20 tấn/ha, thu nhập 500 triệu đồng/ha…
Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Lê Ðức Tín cho biết: Với những mô hình NNƯDCNC tiêu biểu đã cho hiệu quả kinh tế cao, huyện sẽ từng bước chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng đến nông dân. Cụ thể, hướng dẫn một số hộ dân trồng thử nghiệm giống bí Nhật Bản sử dụng CNC, trong đó, hỗ trợ khoảng 35 triệu đồng/300 m2 bao gồm giống, nhà kính… để kiểm soát sâu bệnh. Ðầu ra tiêu thụ cây bí Nhật Bản hiện có bao nhiêu bán bấy nhiêu, giá mua tại vườn là 22 nghìn đồng/kg, doanh thu khoảng 200 triệu đồng/sào. Khoảng hơn ba tháng thì thu hoạch một vụ. Huyện cũng phối hợp Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tập huấn sản xuất dược liệu ƯDCNC cho tám lớp học với 480 người tham dự.
Tại thôn Vi Pờ Ê, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, vườn bí Nhật Bản của hộ ông A Thấp được hơn ba tháng tuổi, sắp đến mùa thu hoạch. Ông A Thấp cho biết, đang trồng 300 m2 bí Nhật Bản. Huyện hỗ trợ giống, nhà màng, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật chăm sóc... cho nên cây bí phát triển rất tốt, giá thu mua cao. Từ mô hình hiệu quả này, ông vận động người dân trong thôn cùng làm NNƯDCNC để tăng thu nhập, tự thân vận động thoát nghèo, không ỷ lại vào Nhà nước.
Thực tế triển khai NNƯDCNC ở tỉnh Kon Tum thời gian qua cho thấy, đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về NNƯDCNC, nông nghiệp sạch, từng bước thay đổi tập quán sản xuất và tư duy, cách làm cũ của người dân. Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ðoàn Năng Rường, cho biết: Kon Tum có địa hình dốc và bị chia cắt nhiều cho nên khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất thành cánh đồng lớn. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn là sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất chưa cao. Tuy nhiên, đề án NNƯDCNC đã dần khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún. Số DN đầu tư vào NNƯDCNC tăng về số lượng, cải thiện về chất lượng, nguồn vốn đầu tư ngày càng tăng. Tỉnh cũng triển khai hiệu quả mối liên kết năm nhà "Nhà nước - nhà khoa học - nhà DN - nhà nông - nhà ngân hàng", góp phần giúp người dân đưa tiến bộ kỹ thuật vào thúc đẩy sản xuất; DN và nông dân có cơ hội hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo PHÚC THẮNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm