Kon Tum: Chủ động ứng phó với thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, địa bàn tỉnh Kon Tum bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa năm 2024; trong đó, chịu ảnh hưởng của bão số 3 và số 4, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nơi xuất hiện mưa vừa, mưa to.
Nước lũ trên sông Đăk SNghé chảy qua địa phận huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Dư Toán/TTXVN

Nước lũ trên sông Đăk SNghé chảy qua địa phận huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Dư Toán/TTXVN

Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum yêu cầu các đơn vị, địa phương cần chủ động ứng phó trước mọi tình huống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp nêu rõ, bài học kinh nghiệm từ bão số 3 đã gây thiệt hại nhiều về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc, nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại. Vì vậy để chủ động phòng tránh, ứng phó mưa lũ, bão, lũ ống, lũ quét sạt lở đất và các loại hình thiên tai khác, đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất các thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu UBND các huyện, thành phố theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến thời tiết mưa, lũ, bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm huy động tối đa lực lượng, phương tiện phục vụ tốt công tác phòng, tránh, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả.

Cùng với đó, các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát cụ thể các khu dân cư, các khu vực thấp trũng, khu vực sườn dốc để phát hiện khu vực có nguy cơ, những vết nứt mới hoặc các cung trượt để có ngay biện pháp cảnh báo, xử lý kịp thời khi có mưa lớn; kiên quyết di dời, sơ tán các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm theo thẩm quyền và quy định, chủ động bố trí nơi tạm trú tránh lũ bảo đảm an toàn về người và tài sản cho người dân.

Các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, bão lũ với tinh thần “chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất”, không để bị động, bất ngờ trước những diễn biến phức tạp của thiên tai; chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.

Đặc biệt, các địa phương phải rà soát, cập nhật kịch bản để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm như mưa, lũ lớn diện rộng, bão mạnh “siêu bão”, lũ quét, sạt lở đất; có kế hoạch, phương án chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu, khu vực dễ bị chia cắt, cô lập để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi có thiên tai xảy ra; nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá trên sông, suối, hồ đập khi có mưa lũ; kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở, kiên quyết không để người dân qua lại nếu không bảo đảm an toàn.

Đối với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được phân công thực hiện các giải pháp đã được giao.

Liên quan đến tình hình mưa lũ, do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đã có mưa to đến rất to ở nhiều nơi, gây ra một số thiệt hại ban đầu.

Tại huyện Kon Plông, ngầm tràn thôn Kô Chất có chiều dài 20m (thuộc tuyến đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh) bị ngập cao khoảng 1,5m. Trong thời gian qua trên địa bàn xã có một số trường hợp người dân ốm đau phải đi cấp cứu hoặc bị tử vong ngoại viện được đưa về địa phương bằng xe ô tô nhưng không đi qua ngầm được, gây nhiều khó khăn, vất vả cho người dân. Mặt khác khi nước dâng cao không vận chuyển được hàng hóa lên các thôn gây thiếu thốn lương thực, thực phẩm để cung cấp cho nhu cầu của người dân.

Bà Trần Lan Phương, Bí thư Đảng ủy xã Măng Bút cho biết, chính quyền địa phương cùng người dân đã dùng đã để gia cố ngầm, giúp các phương tiện có thể tạm thời qua lại. Tuy nhiên, về mặt lâu dài, chính quyền địa phương mong muốn được đầu tư xây dựng cầu để người dân và các phương tiện giao thông có thể qua lại an toàn hơn.

Trong khi đó, một số tuyến đường tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei cũng xảy ra tình trạng sạt lở, đất đá tràn xuống gây cản trở giao thông. Lực lượng chức năng các địa phương đã nhanh chóng cử người và phương tiện đến xử lý kịp thời, chưa xảy ra tình trạng ách tắc giao thông.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, tình hình thời tiết, khí hậu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, khả năng có từ 3 - 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Kon Tum có thể gây mưa lớn, gió mạnh, tập trung vào các tháng 9 - 11/2024; khả năng xảy ra các đợt mưa lớn trên diện rộng, với lượng mưa từ 100 - 250mm/đợt.

Theo Dư Toán (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm