(GLO)- Theo thống kê của Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum, hoạt động xuất nhập khẩu tại đơn vị năm 2012 tăng cao nhất từ trước đến nay.
Tính đến trung tuần tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 245 triệu USD, tăng gần gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2011 và tăng gần gấp đôi so với năm 2010; trong đó xuất khẩu đạt gần 117,5 triệu USD, nhập khẩu đạt trên 128,2 triệu USD. Riêng tại địa bàn tỉnh Gia Lai, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 137 triệu USD (trong đó, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lệ Thanh đạt gần 110 triệu USD; Đội Thủ tục TP. Pleiku đạt trên 27,4 triệu USD), tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2011. Kim ngạch tăng mạnh tập trung chủ yếu vào những mặt hàng như gỗ xẻ, năng lượng điện, xăng dầu tái xuất, hàng nông sản và máy móc thiết bị tạm nhập tái xuất.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Bờ Y (Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum). |
Tuy kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao nhưng công tác thu ngân sách nhà nước tại đơn vị gặp nhiều khó khăn. Tính đến giữa tháng 10-2012, tổng số thu nộp ngân sách nhà nước đạt gần 92,4 tỷ đồng (Gia Lai 7,8 tỷ đồng), đạt gần 77% kế hoạch dự toán thu ngân sách trong năm 2012 giảm trên 31% so với cùng kỳ năm 2011. Nguồn thu chủ yếu là thuế VAT nhập khẩu từ mặt hàng gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ đẽo các loại; cao su tự nhiên và cà phê làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và thuế VAT hàng nhập khẩu đầu tư làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Kon Tum.
Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lệ Thanh làm thủ tục cho lượng hàng nông sản nhập khẩu tăng gấp 10 lần so với năm 2011 và tăng gấp 50 lần so với năm 2010, nhưng hầu hết các doanh nghiệp được hưởng thuế suất ưu đãi 0% theo Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (ATIGA) và chính sách ưu đãi đặc biệt giữa Việt Nam và Capuchia. Đó là nguyên nhân khiến kim ngạch tuy tăng rất nhiều nhưng số thu ngân sách không tăng tương ứng.
Trong năm 2012, hoạt động của các doanh nghiệp thuần túy nhìn chung không có các mặt hàng nhạy cảm. Các mặt hàng Nhà nước quản lý, mặt hàng có thuế suất cao và hàng có sự chênh lệch về giá không phát sinh nên tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới giảm so với những năm trước đây. Duy mặt hàng gỗ, các đối tượng là người Việt Nam cư trú tại khu vực cửa khẩu lợi dụng đêm tối hoặc khi các lực lượng chức năng không tuần tra, kiểm soát mới thực hiện vận chuyển bằng xe gắn máy qua 2 bên cánh gà cửa khẩu, nhưng số lượng không nhiều. Kết hợp với lực lượng trinh sát, Đội Kiểm soát Hải quan đã bắt quả tang, xử lý 3 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
“Song song với việc thực hiện chương trình công tác trọng tâm, Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đã đề ra các kế hoạch, định hướng kết hợp với sự chỉ đạo, điều hành đơn vị trên các mặt công tác như: giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng lực lượng… nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực hải quan trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Bên cạnh đó, đơn vị luôn chú trọng công tác cải cách hành chính, nhất là chuẩn bị mọi nguồn lực để triển khai thủ tục hải quan điện tử cũng như triển khai các công việc liên quan đến tiếp cận hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS), triển khai có hiệu quả Tuyên ngôn phục vụ khách hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn”-ông Hà Thái Long-Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum cho biết.
Khó khăn khách quan hiện nay là dù được Tổng cục Hải quan đầu tư thiết bị và hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng kênh truyền mạng WAN nhưng các chương trình ứng dụng nghiệp vụ chạy tập trung tại Tổng cục Hải quan tăng về số lượng dẫn đến việc khai thác sử dụng tại các Chi cục gặp khó khăn do băng thông kênh nhỏ.
Bên cạnh đó, một số chương trình nghiệp vụ chạy tập trung tại Tổng cục khi mới triển khai sử dụng gặp vướng mắc, lỗi, phải nhờ Cục Công nghệ Thông tin và Thống kê Hải quan hỗ trợ xử lý nên mất nhiều thời gian. Thêm nữa, địa bàn đơn vị quản lý trải rộng 2 tỉnh, cán bộ công chức phân tán phần nào ảnh hưởng đến việc lãnh đạo, quản lý và điều hành của lãnh đạo Cục.
Hà Duy