Kiến tạo phát triển từ tầm nhìn quy hoạch - Kỳ 4: Khai thác các loại hình du lịch đặc trưng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phát triển du lịch cần gắn với đặc trưng riêng mới có thể tạo nên “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe” như Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vậy đặc trưng đó là gì, tỉnh tập trung phát triển những sản phẩm nào, định hình thị trường khách trọng điểm ra sao để có chiến lược dài hạn trong phát triển ngành “công nghiệp không khói”?

Từ 2 di sản thế giới

Gia Lai sở hữu 2 di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, đó là Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Cùng với đó, Gia Lai đã định hình những vùng chuyên canh nông nghiệp từ hàng thế kỷ trước và có nhiều sản vật nông nghiệp. Đó cũng là tài nguyên để phát triển du lịch bền vững, nhất là 4 nhóm sản phẩm chính: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp và du lịch thể thao.

Cắm trại giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Cắm trại giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Trên thực tế, Gia Lai đã khẳng định được sức hút với điểm đến mới, hấp dẫn trên bản đồ du lịch cả nước với một số tour đặc thù gắn với kỳ quan núi lửa Chư Đang Ya, chinh phục đỉnh Chư Nâm-nóc nhà phía Tây của tỉnh hay thác K50 trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Gắn với di sản văn hóa, Gia Lai có các tour trải nghiệm du lịch cộng đồng, tìm hiểu không gian văn hóa cồng chiêng với hệ giá trị đặc sắc.

Nếu du lịch văn hóa, sinh thái đã hình thành các sản phẩm đặc trưng thì 2 loại hình nhiều dư địa trong phát triển ngành “công nghiệp không khói” hiện nay của tỉnh là du lịch nông nghiệp và thể thao. Trong đó, du lịch nông nghiệp gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là loại hình du lịch đang có sự lan tỏa trong nước và toàn cầu với xu hướng quay về với những giá trị nguyên bản, tự nhiên.

Trong các chuyến “Xuyên Việt farmstay” năm 2023 và 2024, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng-Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Du lịch nông nghiệp đánh giá rất cao dư địa phát triển du lịch nông nghiệp của Gia Lai so với các địa phương trong khu vực.

Ông cho rằng: “Quan trọng nhất là cần giáo dục, đào tạo để người nông dân không phá vỡ thiên nhiên, môi trường sinh thái đặc thù vùng nông thôn, giúp họ hiểu bản chất thực sự của du lịch nông nghiệp. Không cần đầu tư quá nhiều vào cơ sở vật chất, sự nghỉ dưỡng mà phải chú trọng vào hoạt động trải nghiệm. Đó là trải nghiệm đời sống nông thôn, ăn uống như nông dân, làm việc như nông dân trong không gian nông nghiệp đặc thù”.

cao nguyên sinh thái, Gia Lai cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển loại hình du lịch gắn với thể thao. Loại hình du lịch này có sự chuyển động qua việc tổ chức thành công một số giải thể thao gắn với địa hình đặc trưng cao nguyên. Cuối năm 2023, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tổ chức cuộc thi leo núi “Chinh phục đỉnh Đá Trắng” mở rộng lần thứ I với hy vọng khai phá tiềm năng du lịch từ tài nguyên rừng già.

Trong khi đó, “Gia Lai City Trail 2023-Giấc mơ đại ngàn” là giải chạy địa hình đầu tiên được tổ chức tại Gia Lai vào cuối năm 2023 thu hút trên 4.000 chân chạy cả nước tham gia. Mới đây nhất là Giải chạy bán Marathon Kon Chư Răng-Khám phá viên ngọc xanh giữa đại ngàn Trường Sơn. Đây cũng là giải chạy bán Marathon lần đầu tiên được tổ chức trong những cánh rừng ở Gia Lai, thu hút trên 600 vận động viên trong và ngoài tỉnh tham gia.

Giải chạy bán Marathon Kon Chư Răng-Khám phá viên ngọc xanh năm 2024 được tổ chức với hy vọng khai thác tiềm năng du lịch từ tài nguyên rừng. Ảnh: Văn Ngọc

Giải chạy bán Marathon Kon Chư Răng-Khám phá viên ngọc xanh năm 2024 được tổ chức với hy vọng khai thác tiềm năng du lịch từ tài nguyên rừng. Ảnh: Văn Ngọc

Vận động viên Nguyễn Văn Long là người “vẽ” đường chạy của “Giấc mơ đại ngàn” cho rằng: “Cung đường chạy Gia Lai City Trail là một trong những cung đường đẹp nhất Việt Nam. Hiếm có giải chạy nào mà vận động viên vừa thi đấu với bao thử thách lại vừa như đi du lịch, khám phá khung cảnh xinh đẹp, hùng vĩ trong tiết trời dễ chịu như vậy. Gia Lai có đầy đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho loại hình chạy trail. Mong rằng tỉnh sẽ tập trung khai thác đặc trưng này để trở thành điểm đến ưa thích cho những người yêu chạy bộ cả nước”.

Còn Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cũng khẳng định: Tỉnh sẵn sàng đăng cai và hỗ trợ để tổ chức các giải thể thao toàn quốc với mục tiêu là phát triển thể thao gắn với du lịch.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo

Ngành du lịch tỉnh đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 đón 1,7 triệu lượt khách, doanh thu đạt 900 tỷ đồng và tạo việc làm cho 3.000 lao động trực tiếp. Mục tiêu đến năm 2030 đạt 4,2 triệu lượt khách, trong đó, khách nội địa 4,1 triệu lượt, khách quốc tế 0,1 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt 5.500 tỷ đồng. Đồng thời, ngành du lịch sẽ góp phần tạo việc làm cho 5.000 lao động trực tiếp và 7.000 lao động gián tiếp.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Gia Lai tăng cao mang theo tín hiệu lạc quan cho thị trường này. Anh Trần Mạnh Hiếu-Điều hành Công ty cổ phần Du lịch Điểm đến toàn cầu (Global DMC, trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Khách Tây rất thích trải nghiệm du lịch sinh thái và văn hóa địa phương. Đây là thế mạnh của Gia Lai. Vừa rồi, chúng tôi dẫn khách Đan Mạch tới trải nghiệm du lịch cộng đồng Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh). Du khách đánh giá cao sự thân thiện của người dân và những giá trị văn hóa cộng đồng còn lưu giữ khá tốt như cồng chiêng, khu nhà mồ, giọt nước.

Nhưng muốn họ trở thành “đại sứ” quảng bá du lịch Gia Lai thì các dịch vụ và cơ sở vật chất cần được nâng cấp từ vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, trình bày món ăn… bởi không chỉ khách Đan Mạch mà khách Tây nói chung đều rất khó tính và yêu cầu cao”.

Không gian nông nghiệp đặc thù là thế mạnh để Gia Lai phát triển nông thôn gắn với du lịch. Ảnh: Hoàng Ngọc

Không gian nông nghiệp đặc thù là thế mạnh để Gia Lai phát triển nông thôn gắn với du lịch. Ảnh: Hoàng Ngọc

Anh Hiếu thông tin: “Trước đây, hầu hết khách quốc tế lần đầu tới Việt Nam sẽ chọn những điểm đến nổi tiếng, được quốc tế công nhận hoặc gợi ý của các chuyên trang, diễn đàn du lịch nổi tiếng thế giới. Nhưng với chính sách visa mới, tăng thời gian tạm trú cho du khách lên 45 ngày, họ có xu hướng dịch chuyển sang các địa điểm ít nổi tiếng hơn, trải nghiệm thêm những điểm du lịch địa phương chưa có trên bản đồ du lịch quốc tế.

Do đó, Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên nên có kế hoạch đón đầu dòng khách này vì khu vực đang sở hữu những tài nguyên du lịch bền vững đáp ứng thị hiếu khách quốc tế” .

Gia Lai là vùng đất có nhiều thế mạnh về du lịch sinh thái. Ảnh: Hoàng Ngọc

Gia Lai là vùng đất có nhiều thế mạnh về du lịch sinh thái. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ông Phạm Thanh Tùng-Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Du lịch nông nghiệp: “Gia Lai không chỉ là vùng đất nông nghiệp lâu đời mà còn có những đặc điểm rất riêng biệt. Địa chất từ hệ thống núi lửa dày đặc tạo nên hương vị thơm ngon hơn cho nông sản, trái cây. Những miệng núi lửa cũng tạo sinh cảnh rất khác biệt, là đặc điểm vô cùng độc đáo cho bức tranh nông nghiệp. Nếu bám vào “định vị” đặc trưng là núi lửa, cùng hệ thống sông, hồ để tập trung phát triển du lịch nông nghiệp, Gia Lai có thể tạo nên sản phẩm hoàn toàn khác biệt, có bản sắc riêng so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và cả nước”.

Tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2050 trở thành “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”. Chuẩn bị “sức bền” cho ngành “công nghiệp không khói” có thể đi xa, tạo bản sắc độc đáo trên bản đồ du lịch Việt Nam, tỉnh đã tham gia nhiều hoạt động liên kết vùng, liên vùng.

Trong đó, tỉnh tham gia hợp tác phát triển du lịch rừng-biển giữa 6 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định giai đoạn 2022-2027.

Để sự kết nối này “đơm hoa kết trái”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Nguyễn Tấn Thành nêu giải pháp: “Cần có sự liên kết thực chất giữa doanh nghiệp du lịch dịch vụ của các tỉnh, đồng thời kết hợp đặc trưng của “Tây Nguyên đại ngàn” với sự đặc sắc của “biển xanh cát trắng” để hình thành 1 sản phẩm du lịch chung của 6 tỉnh.

Sản phẩm đó phải thể hiện rõ tính chất “lên rừng xuống biển”, thống nhất chất lượng, giá cả, đồng thời đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá trong guidebook du lịch, trên website của Cục Du lịch Quốc gia, trên cổng điện tử du lịch thông minh của 6 tỉnh”.

Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết thêm: Tỉnh quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết các vướng mắc trong thủ tục đầu tư trên lĩnh vực du lịch. Đồng thời, có kế hoạch thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư du lịch và thương mại trực thuộc UBND tỉnh, do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách trực tiếp.

Trên cơ sở đề án đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh tiếp tục quy hoạch các khu, điểm du lịch, hoàn thiện cơ sở pháp lý để kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm như Khu du lịch quốc gia Biển Hồ-Chư Đang Ya để làm điểm nhấn cho du lịch Gia Lai.

Cùng với đó, tiếp tục đề xuất các bộ, ngành về chính sách phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, nhất là tháo gỡ khó khăn liên quan đến Luật Lâm nghiệp để xây dựng đề án phát triển du lịch Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.