Kiên quyết xử lý dự án chậm tiến độ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Qua rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh có 24 dự án bị chậm tiến độ. Trong số này, nhiều dự án bị đề xuất dừng hoạt động.

Dự án Hoàng Nhi Plaza (số 25 đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) do Công ty cổ phần Vật liệu và Xây lắp Gia Lai làm chủ đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt từ ngày 12-5-2016. Dự án là khu phức hợp 8 tầng và 1 tầng hầm dùng làm siêu thị, nhà hàng tiệc cưới, khách sạn, các dịch vụ phụ trợ với tổng diện tích gần 3.250 m2; tổng mức đầu tư 178,4 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 40 năm. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý I-2018. Tuy nhiên, do vướng độ cao tĩnh và khoảng lùi cũng như ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong triển khai.

Ngày 20-11-2020, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã có buổi làm việc với chủ đầu tư về tiến độ triển khai dự án. Tại buổi làm việc, đại diện chủ đầu tư cho biết: Dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đang triển khai các hạng mục xây dựng với giá trị thực hiện gần 12 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng, chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành 20 ngày/tầng. Theo đó, dự án sẽ hoàn thành trong quý I-2021. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chủ đầu tư chỉ mới triển khai thi công phần khoan và đổ bê tông nhồi cọc.

 Dự án Hoàng Nhi Plaza (số 25 đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) vừa bị Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chấm dứt hoạt động. Ảnh: Hà Duy
Dự án Hoàng Nhi Plaza (số 25 đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) vừa bị Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chấm dứt hoạt động. Ảnh: Hà Duy

Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Chúng tôi thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và tổ chức nhiều cuộc họp cùng các sở, ngành để đánh giá tình hình triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho dự án. Tuy nhiên, ngày 24-3-2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổ chức cuộc họp mời các sở, ngành đi thực tế kiểm tra nhưng dự án vẫn chưa triển khai thi công. Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Vật liệu và Xây lắp Gia Lai cũng không tham dự. Vì vậy, ngày 9-6, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh về việc chấm dứt hoạt động đối với Dự án Hoàng Nhi Plaza”.

Để sớm triển khai thủ tục chấm dứt hoạt động dự án này, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thu hồi đất đối với dự án. Sau khi có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ quyết định chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh Dự án Hoàng Nhi Plaza, toàn tỉnh hiện có 23 dự án khác phải chấm dứt hoặc tạm dừng hoạt động. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh có 10 dự án bị chấm dứt hoặc tạm ngừng hoạt động (trong đó 5 dự án đã được cho thuê đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và 5 dự án chưa thuê đất, chưa chuyển mục đích sử dụng đất) do chậm tiến độ thực hiện so với quy định tại quyết định chủ trương đầu tư.

2 dự án chưa thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất gồm: Nhà máy chế biến dược liệu, cây ăn quả tại Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp huyện Chư Păh do Công ty cổ phần Điền An Gia Lai làm chủ đầu tư; Nhà máy sản xuất chế biến cà phê Omega Sachi, cà phê hòa tan, cà phê Capsules công nghệ cao do Công ty cổ phần Đầu tư Tây Nguyên Việt Nam làm chủ đầu tư. “Đối với Dự án Nhà máy chế biến dược liệu, cây ăn quả, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương chấm dứt hoạt động vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đối tác nước ngoài có sự thay đổi. Tuy nhiên, hiện nay, chủ đầu tư đã có đơn vị cam kết tài trợ tín dụng. Do vậy, doanh nghiệp đề xuất được kéo dài tiến độ để tiếp tục thực hiện dự án. Sở đang hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và chứng minh năng lực tài chính đảm bảo tiếp tục triển khai dự án, sau đó xem xét trình UBND tỉnh”-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin.

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất chế biến cà phê Omega Sachi, cà phê hòa tan, cà phê Capsules công nghệ cao, do UBND huyện Chư Sê chưa bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư nên đơn vị vẫn chưa thể triển khai. Sau khi nhận mặt bằng, nhà đầu tư sẽ hoàn thiện hồ sơ thuê đất, hồ sơ điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt điều chỉnh.

Ông Đinh Hữu Hòa cho biết thêm: Đối với các dự chậm tiến độ nhưng chưa quá thời hạn 24 tháng, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục theo dõi và đôn đốc triển khai.

 

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.