Kiến nghị điều tra vụ 'ngó lơ lâm tặc'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chi cục Kiểm lâm Kon Tum đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum xem xét, chỉ đạo chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc 'ngó lơ lâm tặc' cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum tiếp tục điều tra làm rõ.
 
Một vụ vận chuyển gỗ trái phép xảy ra tại khu vực quản lý của Trạm bảo vệ rừng Đak Rơ Nga. Ảnh: Đức Nhật
Ngày 8.4, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum cho biết, trong tháng 2.2020, tại các tiểu khu thuộc Trạm bảo vệ rừng (BVR) Đak Rơ Nga (xã Đak Rơ Nga, H.Đak Tô, Kon Tum) liên tục xảy ra nhiều vụ khai thác gỗ trái phép.
Cụ thể, ngày 3.2 tại tiểu khu 276, Trạm BVR Đak Rơ Nga, phát hiện 5 gốc cây bị cưa hạ trái phép. Hiện trường còn lại 8 hộp gỗ xẻ, 2 máy cưa xăng và 1 bộ dây cáp. Khi phát hiện, ông Hồ Đình Tuấn, Trưởng trạm BVR Đak Rơ Nga đã chỉ đạo tổ kiểm tra băm nát gỗ vi phạm để hủy. Tuy nhiên, tổ kiểm tra chỉ băm sơ sài 3 hộp gỗ rồi bỏ lại hiện trường 5 hộp. Sau đó, khi cơ quan chức năng đi kiểm tra, thì phát hiện 5 hộp gỗ này đã biến mất.
Ngày 18.2, tại tiểu khu 276, tổ kiểm tra Trạm BVR Đak Rơ Nga lại phát hiện 5 người đang sử dụng 2 cưa xăng cưa xẻ gỗ trái phép. Khối lượng gỗ vi phạm là hơn 12,6 m3. Tổ kiểm tra chỉ thu giữ 1 cưa xăng; không áp dụng biện pháp ngăn chặn, không bắt người phạm tội quả tang mà thả cho nhóm lâm tặc ra về. Bên cạnh đó, trong các ngày 15 và 19.2, qua kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum đã phát hiện tại tiểu khu 276 có 42 cây gỗ bị cưa hạ. Rồi ở tiểu khu 274 cũng xảy ra phá rừng.
Trước hàng loạt vụ việc nêu trên, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đak Tô giải thích: Việc chỉ đạo băm, hủy gỗ tang vật vi phạm của ông Tuấn là do yếu tố khách quan.
Nguyên nhân là do đơn vị không có đủ phương tiện, nhân lực để vận chuyển, kéo gỗ vi phạm về trụ sở để xử lý theo quy định. Mặt khác, cán bộ BVR sợ để gỗ lại hiện trường sẽ bị lâm tặc lấy trộm nên tiến hành băm, hủy để gỗ không còn giá trị sử dụng, chứ không hề có dấu hiệu tiêu cực.
Tuy nhiên, từ những dấu hiệu sai phạm trên, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum đã vào cuộc xác minh làm rõ. Qua làm việc, chi cục khẳng định Trạm BVR Đak Rơ Nga đã không cương quyết đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm. Cụ thể đơn vị này đã không tạm giữ lâm tặc, tang vật, phương tiện, máy móc để báo cáo cơ quan chức năng xử lý.
Đặc biệt, ông Hồ Đình Tuấn là người chỉ đạo băm hủy gỗ vi phạm khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Tuấn đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo tuần tra, truy quét và phát hiện các vụ vi phạm lâm luật, để xảy ra tình trạng vi phạm trong thời gian dài. Chi cục cũng đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum xem xét, chỉ đạo chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tiếp tục điều tra làm rõ.
Đức Nhật (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.