Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng cao gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch (ảnh minh họa) |
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng; giải quyết vốn cấp bách đối với các dự án điện cần được xem xét kỹ, vì đây là các dự án mang tính chiến lược dài, có ý nghĩa quyết định đối với tình hình cung ứng điện đang gặp khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực kinh tế. Do vậy cần phân bổ vốn hợp lý cho từng dự án cụ thể, vì nếu giãn tiến độ thì rất lãng phí, không đảm bảo an sinh xã hội.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói: “Việc cắt giảm đầu tư công trong giai đoạn hiện này là chủ trương đúng đắn, kịp thời, tuy nhiên các dự án cấp bách như xây dựng công trình phòng chống lụt bão cần 100 tỷ đồng là không dừng được”.
Sau hơn 3 tháng triển khai Nghị quyết 11/CP, nước ta đã tăng thêm 1,2 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, tăng trưởng tín dụng, quản lý được thị trường ngoại tệ, vàng.
Tuy nhiên, việc thực hiện thắt chặt, tăng lãi suất liên ngân hàng nhằm kiềm chế lạm phát gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết; về cơ cấu tín dụng cho vay đối với sản xuất tăng 25%, tức là toàn bộ tăng trưởng tín dụng gần như tập trung ưu tiên cho khu vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, đồng thời tiếp tục hạn chế cho vay phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.
Từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 34,75 tỷ USD Mỹ tăng 32,8% so với cùng kỳ, nhưng ước nhập siêu gần 6,6 tỷ USD, chiếm 18,9% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn so với chỉ tiêu. Do vậy, vấn đề kiểm soát nhập siêu vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.
Cụ thể là Bộ Công thương ban hành quyết định 197 quy định nhập khẩu một số mặt hàng rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động qua 3 cảng biển lớn, đặc biệt từ ngày 26-6, thông tư 20 sẽ có hiệu lực quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ôtô chở người loại 9 chỗ trở xuống. Đây là biện pháp cấp thiết kiểm soát nhập khẩu hàng xa xỉ, góp phần hạn chế nhập siêu.
Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định: Thông tư 20 là biện pháp áp dụng đảm bảo lành mạnh hóa thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng ô tô cũng như là những yêu cầu về an toàn giao thông. Đối với hợp đồng đã ký trước ngày 12-5 tức là trước ngày ban hành Thông tư này sẽ được xác minh để xử lý”.
Nhờ thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, tốc độ tăng giá đã có xu hướng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 2,21% so với tháng 4, dự kiến chỉ số giá tiêu dùng sẽ không tăng quá 1% vào tháng 6.
Theo dõi diễn biến giá dầu thô thế giới, Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương tăng cường các hoạt động kiểm soát giá cả về các mặt hàng thiết yếu như; giá xăng dầu, điện, than, điều hành linh hoạt theo cơ chế thị trường, để tính toán thời điểm điều chỉnh gắn với mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị Bộ Tài Chính xem xét miễn giảm thuế cho cơ sở kinh doanh phục vụ trực tiếp người lao động thu nhập thấp ở các khu công nghiệp. Đồng thuận với ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Văn Ninh cho biết: sẽ kiến nghị lên Chính phủ và trình Quốc hội thông qua chính sách miễn giảm hoàn toàn hoặc miễn giảm một phần thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việc giãn, hoãn chưa khởi công mới một số dự án sẽ gây ra ít nhiều khó khăn cho chủ đầu tư các dự án và nhà thầu, nhưng để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cần có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiên định mục tiêu và các nhóm giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết 11, tạo sự nhất trí, đồng thuận cao của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.